‘Đà Lạt không có gì chơi’

Tôi lên Đà Lạt chủ yếu là tận hưởng không khí lành lạnh, ngoài ra không thấy có địa điểm du lịch nào được đầu tư xứng tầm.

Trụ đèn xanh đèn đỏ đầu tiên ở Đà Lạt được lắp đặt tại giao lộ Hoàng Văn Thụ – Trần Phú – Ba Tháng Hai, ngày 5/10. Như vậy, Đà Lạt đã mất đi một không từ ba không: không đèn đỏ, không xích lô, không điều hoà. Dự kiến sắp tới sẽ có thêm những cột đèn giao thông mọc lên tại các giao lộ ở thành phố này.

Tình hình giao thông ở Đà Lạt những năm gần đây, mỗi khi lên nghỉ mát, tôi thấy lộn xộn đi rất nhiều. Du khách đến đây ở khách sạn, homestay thì thế nào cũng thuê xe máy chạy vòng vòng thành phố. Một lần tôi đang đi bộ giữa khu Hoà Bình nhưng bị hai thanh niên đi ngược chiều suýt tông trúng.

>> Cái chuồng bò ở nước Đức và rạp Hòa Bình ở Đà Lạt

Tôi thấy có rất nhiều người than vãn về sự kiện này như thể Đà Lạt vừa đánh mất đi một thứ gì đó rất quan trọng. Tôi chỉ nghĩ đơn giản là trước giờ chưa có nhu cầu, nay số lượng xe máy đông đúc, người dân đông đúc thì bắt buộc phải có đèn tín hiệu giao thông, thế thôi.

Cái chính là du khách, trong đó có tôi nhớ và đi Đà Lạt mỗi năm vài lần là do khí hậu, cảnh quan và con người chứ không nằm ở việc nó có hay không có trụ đèn giao thông.

Vào ngày 5/10, ngành chức năng Lâm Đồng đang thực hiện kế hoạch triển khai kích cầu và phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành trên địa bàn. Cũng theo kế hoạch này, Lâm Đồng dự kiến sẽ đón khách ngoại tỉnh từ tháng 11/2021.

Ngoài các yêu cầu xét nghiệm phòng chống dịch Covid-19, dặc biệt, một yêu cầu khác đi kèm chính là cần đăng ký tham gia chương trình du lịch trọn gói của doanh nghiệp lữ hành và có hợp đồng bảo hiểm y tế, bảo hiểm du lịch theo quy định. Bạn tôi bảo cho đi tự túc, tự tìm hiểu còn hấp dẫn, đi theo tour thì chẳng có gì chơi.

Đã hơn nửa năm tôi không đi đâu chơi và hơn bốn tháng chống dịch bí bách ở nhà. Quả thật tôi rất thèm đi du lịch. Đà Lạt là địa điểm đầu tiên tôi chọn lựa. Tôi theo dõi rất nhiều tài khoản, fanpage của các bạn trẻ ở Đà Lạt. Những page này cập nhật thường xuyên hình ảnh, cuộc sống ở đây. Có vẻ như cộng hưởng từ sự nổi tiếng, sức hấp dẫn của thành phố cũng như sự yêu mến của nhiều người nên các fanpage này trở nên viral nhanh chóng.

Một fanpage tôi theo dõi hay livestream trên xe máy, dắt người theo dõi đi du lịch online. Những cung đường quen thuộc như Tà Nung- chợ Đà Lạt, một vòng hồ Xuân Hương… thường xuyên được lên ảnh.

>> ‘Đà Lạt cũng cần những công trình hiện đại

Xem và nghĩ kỹ lại thì tôi thấy Đà Lạt chẳng có gì để chơi. Những công trình kiến trúc nổi tiếng như Nhà ga Đà Lạt, Trường Cao đẳng Đà Lạt, dinh Bảo Đại… chụp rất ăn ảnh, nhất là cái tháp của trường cao đẳng nhô lên và mờ ảo trong sương làm say mê lòng người nhưng khi đến tận nơi này thì thực sự rất bình thường.

Nhất là nhà ga Đà Lạt, đơn điệu và buồn tẻ. Khách đến đây tốn tiền giữ xe, vào nhà ga chụp choẹt vài kiểu ảnh sống ảo trên mạng rồi thôi. Bên trong nhà ga thì có vài sạp bán hàng giống hệt ở chợ Đà Lạt. Trong khi cái chính của nhà ga là những chuyến xe lửa đi đến Trại Mát, được nhiều người quan tâm và hỏi mua vé thì hầu như đều nhận được cú lắc đầu: hôm nay không bán vé.

Tôi lấy làm khó hiểu khi đã bao năm rồi mà người làm du lịch không nhanh nhạy, đầu tư cải tạo nhà ga và tuyến đường để trở thành một “món ăn du lịch hấp dẫn” hơn.

Những địa điểm khác như hồ Tuyền Lâm, cáp treo, vườn hoa, Thung lũng Tình yêu… cũng như thế. Đợt nào lên chơi tôi cũng thấy chúng giống hệt với lần trước, thậm chí còn trở nên xấu hơn. Vậy nên vài năm gần đây, mỗi lần lên Đà Lạt là tôi thuê một chiếc xe máy, tự khám phá vùng ngoại ô và không đến những địa điểm nổi tiếng trước giờ nữa.

Thậm chí trong năm rồi, tôi có ba ngày ở Đà Lạt thì ban ngày trong phòng khách sạn, đi ăn đợi đêm ra hồ Xuân Hương ngồi và tận hưởng không khí lành lạnh chứ chẳng buồn đi đâu cả.

Bạn có đồng ý quan điểm trên?

Xuân Trung

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *