Tâm lý ‘chờ qua Tết làm lại từ đầu’

Một số người chọn lựa mốc “qua Tết” để mạnh dạn thực hiện kế hoạch công việc, kinh doanh.

Có lẽ năm nay là một năm khó quên với nhiều người, kể cả người lao động lẫn người làm kinh doanh, làm chủ. Bởi dù đã qua tháng 10, nhưng đếm lại, số tháng thực tế làm việc và kinh doanh buôn bán chỉ nằm trong con số hơn nửa bàn tay mà thôi.

Đầu tiên là những ngày giáp Tết 2021, dịch xuất hiện, thế là nhiều kế hoạch làm ăn bỗng chốc bị ngừng trệ ngay trong tháng giêng- một trong những tháng cao điểm tiêu dùng của năm. Rồi đến sau kỳ nghỉ lễ 30/4- 1/5 thì dịch Covid-19 lại âm ỉ và mọi thứ dường như đóng băng trong 4 tháng qua.

Cho đến bây giờ, khi đã quay lại trạng thái bình thường mới được tuần đầu tiên, kể từ 1/10, khi hỏi về dự tính và kế hoạch làm ăn gì cho thời gian sắp tới, một số người quen của tôi nói rằng vẫn còn e dè kiểu nước dâng đến đâu, thuyền theo đến đó. Đây là những người khởi nghiệp, có cơ sở kinh doanh buôn bán nhỏ, do đã lỡ bỏ chi phí đầu tư vào rồi nên vớt vát được đến đâu thì hay đến đó.

>> Mầm non tư thục quay cuồng vì Covid-19

Còn một số người không kinh doanh, chỉ làm công ăn lương thì có tâm lý im im chờ thời. Nhưng tựu trung lại, họ đều có tâm lý chờ qua Tết 2022 rồi mới khởi động lại những kế hoạch còn đang dở dang hoặc mạnh dạn mở rộng những kế hoạch mới.

Tâm lý này xuất hiện do họ đã trải qua khó khăn vì dịch và muốn có một thời gian bình tĩnh để quay lại nhịp sống mới. Hơn nữa, năm 2021 chỉ còn hơn 2 tháng nữa là kết thúc nên nhiều người cũng không kỳ vọng quá nhiều với thời gian này. Ngoài ra, người Việt thường chọn mốc “qua Tết, ra giêng” để bắt đầu công việc mới, như một sự đánh dấu với nhiều niềm hy vọng mới.

Tuy nhiên, tôi lại không đồng tình với cách nghĩ này. Cái mốc “qua Tết, ra giêng” chỉ phù hợp với sản xuất nông nghiệp thời xưa. Còn bây giờ, với thời công nghiệp và dịch vụ thì phải tranh thủ từng khoản thời gian một để làm ăn mua bán.

>> Xót xa vì đầu tư 200 triệu mở tiệm giặt giữa Covid-19

Khi hỏi kỹ hơn, tôi lại thấy tâm lý này xuất phát từ những người buôn bán, làm ăn nhỏ, trung bình nên hầu như không có kịch bản, kế hoạch nào được xây dựng sẵn. Thêm vào đó, sự thiếu vắng những người tư vấn, những chuyên gia cố vấn như những công ty, tập đoàn lớn, dự báo được tình hình thị trường đã khiến họ dè dặt trong việc quay lại guồng làm việc.

Tôi thấy tỷ lệ những người buôn bán, kinh doanh nhỏ lẻ khá lớn, nhưng sức ảnh hưởng thì không hề nhỏ. Tôi chỉ lấy ví dụ như những người kinh doanh quán cà phê, quán ăn, quán nhậu thì theo sau đó là những nhân viên phục vụ, chạy bàn… cũng đang cần việc để làm, cũng cần có thu nhập để trang trải cuộc sống.

Tôi nghĩ rất cần một kịch bản chung để những người kinh doanh, mua bán này tham khảo để họ an tâm quay lại buôn bán trong tình hình mới. Đó có thể là việc tăng tốc tiêm vaccine mũi hai, bỏ giấy thông hành âm tính… còn thực hiện 5K và bảo đảm an toàn phòng chống dịch là điều bắt buộc dĩ nhiên.

Thay vì chờ đợi qua Tết làm lại từ đầu thì hãy nghĩ đến việc dần dần thích nghi với cuộc sống mới ngay từ bây giờ. Mà cơ hội trước mắt là mùa mua sắm cuối năm đê gỡ gạc lại phần nào.

Lê Bảo

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *