Mệt mỏi vì ‘ăn bám chồng’ khi ở nhà nội trợ

Kinh doanh online khó khăn, trong khi phải chăm ba con nhỏ để chồng đi làm, tôi dần trở thành một người phụ nữ ‘ăn bám’.

Tôi đồng tình với quan điểm “Phụ nữ ở nhà nhưng đừng để chồng ‘nuôi’” của tác giả Anhlq:

Tôi tốt nghiệp đại học, ra trường đi làm được hai năm thì lấy chồng và sinh con. Sau khi lập gia đình, tôi quyết định ở nhà kinh doanh online. May mắn, công việc buôn bán của tôi khá ổn và đem lại nguồn thu nhập tương đối ổn định. Cũng nhờ đó mà dù thường xuyên ở nhà, không đi làm nhưng tôi chưa bao giờ bị xem là ăn bám chồng. Vì không áp lực chuyện phải kiếm người phụ chăm con lúc đi làm, nên chuyện tình cảm của vợ chồng tôi khá ổn, tôi sinh liền 5 năm ba đứa.

Nhưng đời không như là mơ, thời điểm này thị trường kinh doanh online đã bão hòa, cộng thêm dịch bệnh Covid-19 bùng phát kéo dài, trong khi bản thân lại một lúc phải chăm ba con nhỏ khi chồng đi làm, tôi dần trở thành một người phụ nữ tạm gọi là “ăn bám”.

Mặc dù chồng vẫn tôn trọng vợ, vẫn đưa lương về cho vợ khoảng 90% thu nhập, nhưng nỗi mặc cảm không kiếm ra tiền ngày càng khiến tôi cảm thấy vô cùng mệt mỏi. Thậm chí, có khoảng thời gian, cứ đến tôi là tôi lại không ngủ nổi vì nghĩ ngợi, lo lắng. Cứ mỗi khi đọc hoặc xem được những hoàn cảnh người vợ bị coi thường vì ở nhà chồng nuôi là tôi đều tự thấy xấu hổ.

>> Cuộc sống ‘tầm gửi’ của phụ nữ ở nhà chồng nuôi

Thế nên, phụ nữ dù cho có quyết định đi làm hay ở nhà thì cũng nên có một công việc mang lại thu nhập cho bản thân. Điều đó vừa giúp bạn thấy được giá trị của bản thân mình, vừa chia sẻ một phần gánh nặng kinh tế với chồng. Tiêu đồng tiền mình làm ra luôn dễ dàng hơn nhiều tiêu tiền chồng mà phải đo đếm từng đồng, điều đó thực sự vô cùng khó chịu. Hãy trở thành người bạn đồng hành của chồng trong cuộc sống, chứ đừng trở thành gánh nặng cho chồng.

Báo cáo, nghiên cứu Giới và thị trường lao động ở Việt Nam: Phân tích dựa trên số liệu điều tra lao động – việc làm của Tổ chức Lao động quốc tế ILO cho thấy: có hơn 70% phụ nữ Việt Nam trong độ tuổi lao động tham gia lực lượng lao động. Tỷ lệ này trên toàn cầu là 47,2% và tỷ lệ trung bình của khu vực châu Á – Thái Bình Dương là 43,9%. Mặc dù mức chênh lệch giới trong tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ở Việt Nam ít hơn so với thế giới nhưng vẫn ở mức 9,5% suốt thập kỷ qua.

Số liệu điều tra lao động – việc làm (2018) cho thấy gần một nửa số phụ nữ lựa chọn không hoạt động kinh tế vì “lý do cá nhân hoặc liên quan đến gia đình”. Trong khi đó, chỉ có 18,9% nam giới không tham gia hoạt động kinh tế viện dẫn lý do này. Báo cáo cũng chỉ ra tỷ lệ phụ nữ đảm nhận các vị trí ra quyết định còn quá thấp. Phụ nữ chiếm gần một nửa lực lượng lao động nhưng chỉ đảm nhận khoảng 1/4 vị trí lãnh đạo, quản lý chung.

Bên cạnh đó, báo cáo cho biết phụ nữ dành trung bình mỗi tuần 20,2 giờ để dọn dẹp nhà cửa, giặt quần áo, nấu ăn và đi chợ, chăm sóc gia đình và con cái. Ngoài ra, tổng số giờ làm hằng tuần của phụ nữ trong quý 2 năm 2020 chỉ bằng 88,8% tổng số giờ làm của họ trong quý 4 năm 2019.

Kiều

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *