Gộp Tết ta vào Tết Tây để sống ‘bình thường mới’

Nghĩ đến việc vừa đóng cửa gần năm tháng vì Covid-19, lại sắp nghỉ tiếp ba ngày Tết Tây, và chín ngày Tết ta, tôi thấy lo nhiều hơn vui.

Nhân câu chuyện “Nghỉ tết 9 ngày” đang được tranh luận sôi nổi thời gian gần đây, tôi lại xin lạm bàn về một chủ đề vốn từng gây nhiều tranh cãi suốt những năm qua, đó là ý tưởng “gộp Tết ta vào Tết Tây”. Đề xuất bỏ Tết Âm lịch, ăn Tết cổ truyền theo lịch Dương như người Phương Tây xuất phát từ bài viết của Giáo sư – Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Võ Tòng Xuân. Người ta từng mổ xẻ rất nhiều về câu chuyện này, người ủng hộ, người phản đối. Ai cũng có lý do riêng để bảo vệ quan điểm của mình. Và thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát này, tôi cho rằng, là lúc thích hợp để chúng ta tiếp tục bàn luận.

Theo tôi, chưa khi nào, đề xuất gộp hai kỳ nghỉ Tết vào làm một lại phù hợp với tình hình xã hội như bây giờ. Liệu chúng ta có cần tới hai kỳ nghỉ Tết chỉ trong vòng hơn một tháng, trong bối cảnh đất nước vừa mở cửa trở lại sau một thời gian dài giãn cách, kinh tế đang tìm cách phục hồi sau nhiều tháng trời “án binh bất động”? Lúc này, người lao động cần việc làm, nâng cao thu nhập để bù lại những gì đã mất vì dịch bệnh, hay cần thêm ngày nghỉ sau gần năm tháng trời không thể làm ăn, buôn bán?

Chúng ta cần phải nhớ rằng, sau mỗi trận dịch, mục tiêu lớn nhất cần phải được tập trung vào chính là khôi phục lại kinh tế. Hơn lúc nào hết, một ngày, mỗi giờ, mỗi phút lúc này đều vô cùng quý giá. Rất nhiều doanh nghiệp đã phải đóng cửa, phá sản vì không trụ nổi qua đợt dịch thứ tư vừa qua, số còn lại đang sống lay lắt bằng những đồng vốn cuối cùng. Tất cả đều mong từng ngày được hoạt động trở lại, để tìm đường sống sót. Lúc này thậm chí người ta cần làm thêm, làm bù hơn là những kỳ nghỉ.

>> Cha mẹ ở quê thêm một ngày nghỉ lễ, con cái khổ gấp mười

Nhìn xa hơn, khi cả thế giới đang tranh thủ từng giây, từng phút để mở cửa giao thương, khôi phục kinh tế đất nước, chúng ta không thể đứng ngoài cuộc nếu không muốn bị tụt lại phía sau. Hãy thử nghĩ xem, khi thế giới đang đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, chúng ta lại dành hàng chục ngày cho một kỳ nghỉ Tết Âm lịch. Chưa kể mọi thứ sẽ bị ảnh hưởng, đình trệ trước vào sau Tết hàng tháng trời do tâm lý nghỉ xả hơi của đa số người Việt. Điều đó rõ ràng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cơ hội của Việt Nam trong việc khôi phục kinh tế. Chúng ta đã chậm nhiều tháng vì giãn cách, không lẽ lại tiếp tục chậm thêm cho một kỳ nghỉ lễ?

Nghỉ Tết rông dài không chỉ làm tốn thời gian, tiền bạc, của cải vật chất của xã hội, mà còn làm mất đi cơ hội hội nhập với nhịp sống thế giới trong thời đại 4.0. Thực tế, hiện nay Việt Nam chỉ là một trong sáu nước đón Tết Âm trên thế giới cùng Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Triều Tiên, Mông Cổ. Ngay cả Nhật Bản trước đây cũng ăn Tết Âm lịch nhưng giờ đã chuyển sang ăn Tết Dương lịch theo thế giới. Vậy tại sao chúng ta không mạnh dạn thay đổi theo xu thế chung thay vì cố chấp với những thứ không còn phù hợp?

Vì những lý do đó, tôi cho rằng, việc bỏ Tết Âm lịch, ăn Tết truyền thống theo lịch Dương hoàn toàn có lợi trong thời điểm hiện nay. Tất nhiên, điều đó không có nghĩ là chúng ta bỏ hết những nét văn hóa truyền thống của dân tộc trong những ngày lễ cổ truyền. Chỉ là chúng ta đẩy Tết truyền thống lên trùng với kỳ nghỉ Tết Dương lịch của thế giới, thu ngắn ngày nghỉ lại còn ba ngày, và bù thêm vào những kỳ nghỉ ngắn ngày khác trong năm để đảm bảo số ngày nghỉ theo mức chung của các nước.

Làm như vậy, chúng ta vừa đảm bảo làm việc và nghỉ ngơi theo đúng nhịp của thế giới, tránh lãng phí nguồn lực xã hội, thúc đẩy được kinh tế đi lên, đồng thời vẫn đảm bảo cho người dân được nghỉ ngơi một cách khoa học, và không hề làm mất đi giá trị truyền thống của Tết cổ truyền. Trong giai đoạn khó khăn của đất nước, thích nghi dần với cuộc sống “bình thường mới“, có lẽ đã đến lúc chúng ta cần xét ăn Tết như thế nào cho phù hợp với thời cuộc và nhu cầu phát triển. Nếu cứ câu nệ cho rằng vì đây là truyền thống, là bản sắc mà không chịu thay đổi, chúng ta sẽ khó lòng hòa chung với văn hóa hội nhập để bứt phá.

>> Nghỉ lễ ở nhà vì bài học Ấn Độ ‘vỡ trận’

Và điều cuối cùng, cũng là quan trọng nhất, bạn mong muốn điều gì ở một cái Tết? Chẳng phải là dịp để sum vầy, đoàn tụ bên gia đình, người thân; là dịp tạm gác lại những bộn bề, lo toan của cuộc sống để trao cho nhau những lời chúc hạnh phúc, may mắn cho một năm mới hay sao? Và tôi tin những điều đó sẽ không thay đổi khi gộp Tết ta vào Tết Tây. Tết vẫn mãi là Tết, vẫn giữ nguyên những giá trị quý giá như thế, dù cho nó có được diễn ra vào khoảng thời gian nào. Thế nên, thay vì để hai kỳ nghỉ Tết liên tiếp thừa thãi, sao ta không gộp chung lại, để có một cái Tết thực sự trọn vẹn?

Người ta vẫn thường nói vui với nhau rằng: “Tháng Giêng là tháng ăn chơi, tháng hai cờ bạc, tháng ba rượu chè…”. Điều đó một phần bắt nguồn từ việc chúng ta có những kỳ nghỉ lễ không hợp lý, diễn ra liên tiếp vào khoảng thời gian đầu năm. Khoảng nghỉ quá gần, cộng thêm tâm lý trây ỳ trước và sau Tết vô tình khiến mọi hoạt động kinh tế, đời sống, xã hội bị ngưng trệ, kém hiệu quả. Điều đó càng đúng hơn trong tình hình đất nước và thế giới phải sống chung với dịch hiện tại.

Cứ hình dung đến việc vừa nghỉ gần năm tháng vì Covid-19, lại sắp nghỉ ba ngày Tết Tây, và ngay sau đó là chín ngày Tết Âm lịch, tôi thực sự thấy lo cho túi tiền của mình hơn là vui mừng vì được nghỉ nhiều. Thế nên, gộp Tết ta vào Tết Tây, cắt ngắn số ngày nghỉ vào khoảng thời gian này đi, cũng không hẳn mà một ý kiến tồi.

Gia Huy

>> Bạn nghĩ sao về ý tưởng gộp Tết ta và Tết Tây? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng quan điểm VnExpress.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *