Thu Nhi giành đai WBO – ‘thể thao nữ trội hơn nam’

Tôi tra cứu thông tin, thấy các nữ vận động viên Việt thường đạt nhiều thành tích cao.

Tôi rất vui mừng với thông tin võ sĩ Nguyễn Thị Thu Nhi đem về đai WBO thế giới đầu tiên cho boxing Việt Nam, khi thắng điểm đối thủ Nhật Bản Etsuko Tada 96-94 chiều 23/10.

Nhân đây, tôi có một thắc mắc là phải chăng trong thể thao Việt, các nữ vận động viên thường có thành tích trội hơn các nam vận động viên?

Xin kể ra đây một vài dẫn chứng cụ thể:

Đầu tiên là về bóng đá, đội tuyển bóng đá nữ quốc gia Việt Nam hiện tại được coi là một trong hai đội bóng đá nữ mạnh nhất của Đông Nam Á cùng với Thái Lan. Đội tuyển đã giành 6 huy chương vàng SEA Games và 3 lần vô địch giải bóng đá nữ Đông Nam Á.

Ở cấp độ châu lục, đội tuyển nữ Việt Nam cũng chỉ được đánh giá kém hơn 5 đội bóng mạnh nhất của châu Á (Nhật Bản, Australia, Triều Tiên, Trung Quốc và Hàn Quốc). Trong khi đó, đội tuyển bóng đá nam chỉ mới có thành tích vượt trội hơn trong vòng 4 năm trở lại đây.

Về bơi lội, ta có Ánh Viên, người mới tuyên bố giải nghệ gần đây. Khi 19 tuổi cô đã giành 8 huy chương vàng, 1 huy chương bạc, 1 huy chương đồng cho Việt Nam và phá 8 kỷ lục và được công nhận là vận động viên ngoài Singapore xuất sắc nhất tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á 2015 ở Singapore. Với 8 huy chương vàng giành được, Ánh Viên là người giành nhiều huy chương vàng thứ 2 sau vận động viên bơi lội nam Joseph Schooling của Singapore tại SEA Game 28. Ở ba Đại hội gần nhất tổ chức vào các năm 2015, 2017 và 2019, Ánh Viên đã giành tổng cộng 22 huy chương vàng.

Về điền kinh, ta có “nữ hoàng tốc độ” Vũ Thị Hương đã đạt HCV 100m tại SEA Games 2005, HCV 100m và 200m tại SEA Games 2007và 2009, HCB 200m và HCĐ 100m tại ASIAD 16. HCV và phá kỷ lục châu Á cự ly 60m tại Đại hội Thể thao châu Á trong nhà 2009. Trường hợp khác, vào tháng 9/2003, Bùi Thị Nhung trở thành vận động viên đầu tiên đoạt được HCV châu Á cho điền kinh Việt Nam ở môn nhảy cao với thành tích 1m88.

Và còn nhiều bộ môn khác cũng có những nữ vận động viên được ví là “cô gái vàng” của thể thao Việt Nam. Phải chăng các nam vận động viên của chúng ta đang bị “yếu thế”?

Trở lại với trường hợp võ sĩ Thu Nhi vừa giành đai WBO, tôi thấy nhiều người bày tỏ niềm vui nhưng họ cũng nói rằng đây là lần đầu tiên nghe tên nữ võ sĩ này. Tôi thấy đây là vấn đề chung khi các vận động viên nữ thường ít được quan tâm hơn so với nam giới. Mặt khác, chế độ đãi ngộ, tiền thưởng cho các nữ vận động viên, lấy ví dụ là các nữ cầu thủ thường thấp hơn so với nam giới. Tôi nghĩ cần có những chính sách khuyến khích, khen thưởng nhiều hơn để tạo động lực cho các cô gái vàng của thể thao Việt.

Long

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *