Ai chiến thắng trong ‘Squid Game’?

Khi những con người bị xã hội ruồng bỏ cùng chơi trò chơi sinh tử để có thật nhiều tiền, họ có nhận thấy mình thực sự cần tiền?

Tôi lặng đi khi xem hết 9 tập của bộ phim, sự dã man, sự tang tóc và tính người bao trùm cả bộ phim. Tác giả thực sự tài giỏi khi khắc họa mặt tối và sáng của cả xã hội trên những thước phim này.

Nhân vật nam chính là biểu tượng của rất nhiều người trong chúng ta: thất bại và bị xã hội ruồng bỏ. Sự ruồng rẫy của xã hội với người thất bại, người nghèo, người vô học.. đã là sự đau đớn còn lớn hơn cái chết. Họ khát khao có tiền – hầu hết chúng ta đều khát khao có tiền – bởi có tiền sẽ đổi đời, thay đổi được số phận chính mình.

Thế nhưng trong thế giới của những người có tiền luôn giấu mặt, thì đồng tiền chỉ là một trò chơi, để họ thỏa mãn nhìn thiên hạ đau khổ, nhìn mình có thể xoay chuyển thế giới bằng tiền ra sao. Những người càng “không có gì để mất” càng muốn mưu cầu thật nhiều cho mình, càng dám đạp lên người khác để tồn tại.

>> Chất đàn ông biến mất trên màn ảnh Việt 20 năm

Cái thực sự chiến thắng là gì?

Điểm sáng duy nhất của bộ phim chính là tình người, tình người chính là thứ có thể cứu rỗi tất cả. Người đàn ông già chơi trò chơi đó đã xuất hiện như một hình ảnh của một người đáng thương nhất. Cái xấu xa nhất là thủ lĩnh của trò chơi này muốn nhìn nhất chính là tình người liệu có còn hay không trong một xã hội đầy tội lỗi, khi mà con người có thể bán đứng mọi thứ để mưu cầu cho lợi ích của chính mình.

Ở những tập đầu, họ chà đạp nhau, nhưng từ tập chơi bi, người tàn nhẫn đã thể hiện hết sự tàn nhẫn, mà người nhân hậu cũng thể hiện hết sự nhân hậu. Giữa sự sống và cái chết, hai cô gái nhỏ đã nhường nhau viên bi để rồi nhường nhau sự sống. Người cứ tưởng là yêu thương chăm sóc mình lại là người bán đứng mình trước cái chết và sự sống. Người chồng giết vợ mình rồi tự tử… Tất cả quá đỗi tang tóc và tàn nhẫn nhưng đó gần như là một quy luật sinh tồn của sự sống này.

Cả trò chơi, cả người giàu lẫn người nghèo đều thể hiện lên “nỗi đau”, “khát khao được yêu thương” từ sâu trong loài người. Nó là khát khao được tin tưởng, được công nhận, được thấu hiểu, khát khao đến tuyệt vọng. Ông già giàu có trước khi chết chỉ muốn được khẳng định: liệu con người có đủ tình thương? Sau tất cả những tập phim vô cùng vô tình đó, ta nhìn thấy trái tim con người rung động, những người ở tận cùng đáy xã hội đó đã dần dần gỡ bỏ từng lớp từng lớp vảy của mình để nhận ra nhân tình thế thái.

>> Chia sẻ bài viết của bạn về các sự kiện giải trí, thể thao tại đây.

Càng về sau, bộ phim càng nhân văn, khi cái chết của từng con người càng tàn khốc, sự sống càng trân quý. Nhưng sâu thẳm, người chiến thắng vẫn là người có trái tim nhân hậu nhất. Tái hiện nền kinh tế “lợi ích” trò chơi đó chỉ làm tôi nghĩ đến nền kinh tế, bởi trong sự tàn khốc của thị trường, có đến 99% doanh nghiệp khởi nghiệp thường thất bại.

Nhưng rất nhiều người vẫn khát vọng, ôm mộng làm giàu bởi xã hội không thể dung dưỡng người thất bại, xã hội khinh thường người yếu đuối, khi bạn là người không có gì, bạn cũng không thể tự hào về bản thân. Có người làm giàu bằng cách chơi bẩn, có người phản bội bạn bè, bán đứng người khác. Có câu ” trước lợi ích mới thấy rõ lòng người”, có lẽ bộ phim này đã chạm đến khía cạnh rất sâu trong lòng chúng ta, đó chính là nhân tình thế thái mà ai cũng trải qua.

>> Sự phân cực của phim truyền hình Việt

Người nghèo, thật ra là người thất bại, trong mọi chuyện, họ thất bại khi không có tiền, không có học, phải đi làm những nghề thấp nhất trong xã hội, nhưng cái tồi tệ nhất chính là: định kiến xã hội. So với cái tàn khốc của trò chơi, nó khủng khiếp hơn nhiều.

Có bao giờ bạn tự hỏi tại sao lại là những trò chơi tuổi thơ? Vì sao lại là những người giàu có mà khốn nạn đến thế? Thật ra, giàu có hay nghèo khó, bản chất chúng ta đều giống nhau.

Người giàu có khi có một tuổi thơ bất hạnh sẽ có xu hướng dùng tiền để thể hiện quyền uy, và buồn thay, chúng ta đồng ý với điều đó. Hình ảnh ông già trong trò chơi viên bi đã cứ quay lại tuổi thơ của mình cho thấy một sự hoài niệm và khát vọng trong tuổi thơ không được đền đáp. Nếu ở một đứa trẻ, tuổi thơ chính là tiềm thức đẹp đẽ và sâu thẳm. Nếu nó bị hủy hoại, con người sẽ trở nên rồ dại và nhất là khi có uy quyền. Nhưng trong trò chơi ở sâu thẳm, ông già đứng sau tất cả đó muốn thấy nhất và trân trọng nhất, lại chính là tình thương.

>> ‘Xem phim Việt – mua bực vào người’

Cái tôi muốn gửi đến trong giáo dục với các con – chính là sự nhân văn này – nếu chúng ta thôi đi sự nghi kỵ với con người, thôi đi cái nhìn khắt khe đánh giá người khác. Nếu chúng ta mỗi người đều vị tha và có được một tuổi thơ đẹp hơn, thì có lẽ trò chơi con mực sẽ không thể hình thành.

Tuổi thơ con không phải là thứ cha mẹ dùng để đánh đổi khát khao giàu có và đổi đời, tuổi thơ của con cũng không phải là nơi cha mẹ đem ra để tự hào, cuộc đời một con người không hoàn toàn có thể đánh giá bằng tiền bạc hay thành công.

Ước chi mọi phụ huynh đều có thể hiểu được điều này để cho con trở thành một người vững chãi hơn. Vì đến cuối cùng, khi con vào thế giới này, dù thế giới này có xấu xa đến đâu hay tốt đẹp đến mấy, con hãy giữ một trái tim yêu thương thuần khiết.

Và trong cái thế giới thiện ác chính tà bất phân ấy, hãy giữ cho mình trái tim trong sáng.

Catherine Yến Phạm

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *