Liều thuốc độc ‘nằm yên, mặc kệ đời’

Bất lực vì cảm thấy cố gắng chăm chỉ kiếm tiền cũng không mua nổi nhà, xe… giới trẻ một số nước chọn cách từ bỏ vật chất.

“Tang ping”, hay còn được gọi là “triết lý nằm yên” (“nằm yên, mặc kệ đời”), là cụm từ được nhắc tới với tần suất cao thời gian gần đây trên mạng internet Trung Quốc.

Triết lý này ám chỉ lối sống chỉ nằm một chỗ, không làm việc và lao động nâng cao năng suất xã hội. Thay vì cố gắng hướng tới học hành chăm chỉ, mua nhà hoặc lập gia đình, lối sống này cổ súy cho việc từ bỏ hết các mục tiêu và đơn giản là “nằm yên một chỗ”.

Một số người cho rằng đó chỉ đơn giản là sự lười biếng. Những người khác lại cho rằng đây là kết quả không thể tránh khỏi, khi mọi người đã làm việc quá vất vả và mệt mỏi tới mức họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc từ bỏ.

Triết lý này hiện đang được nhiều người trẻ tại Trung Quốc ủng hộ và áp dụng, vì họ cho rằng cuộc sống ngày càng khó khăn khi giá cả leo thang, làm việc nhiều nhưng đồng lương lại ít ỏi.

Mục tiêu của họ là: “Với một ngày công, bạn có thể có được niềm vui trong ba ngày”. “Bí quyết” của họ là ngủ trong công viên, ăn mỳ ăn liền và ngồi lỳ trong các quán cung cấp dịch vụ internet cho tới khi nhẵn túi. Vì lẽ đó nên họ thường chọn những công việc làm ngắn hạn, thậm chí là nhận lương ngay trong ngày.

>> Không mua nổi nhà nên cứ sắm iPhone 13?

Việc một bộ phận giới trẻ Trung Quốc ủng hộ trào lưu trên đã gây ra nhiều lo ngại và đặt ra những thách thức đối với đất nước tỷ dân này.

Khi chúng ta sống trong một xã hội ngày càng áp lực về vật chất thì việc ai đó bắt đầu có suy nghĩ sẽ sống theo xu hướng này cũng là dễ hiểu.

Ở Trung Quốc, tính trên diện tích, trung bình chi phí cho mỗi mét vuông đất ở tại Bắc Kinh đã tăng hơn gấp đôi trong vòng 6 năm tính đến năm 2019. Cùng giai đoạn ấy, thu nhập trung bình năm của người dân chỉ tăng 66%. Nên muốn sở hữu một căn nhà hay một miếng đất là một vấn đề mà có khi cả đời chưa giải quyết được.

Khi mọi thứ trở nên xa xỉ, làm việc chăm chỉ, cố gắng thật nhiều chỉ để mua cái nhà mà vẫn không mua nổi, thì việc muốn buông bỏ là bình thường.

Xu hướng “mặc kệ đời” không chỉ tồn tại ở Trung Quốc mà còn xảy ra tại các nước Á Đông như Hàn Quốc, Nhật Bản. Khi người trẻ tại những nước này đang dần cảm thấy mệt mỏi về chuyện phải cố gắng làm việc chăm chỉ, trong khi thứ thu lại không được bao nhiêu.

Ở Nhật Bản, một nhóm người không còn mong đợi về tương lai của đất nước đến mức từ bỏ mọi sự cố gắng và ham muốn vật chất của bản thân, khi kinh tế đình trệ suốt nhiều năm.

Nhưng cũng chính suy nghĩ có vẻ là bình thường đó lại đem đến rất nhiều điều bất thường và đây thật sự là một liều thuốc độc. Lối sống “tang ping” sẽ đe dọa đến cuộc sống của giới trẻ, nó đi ngược lại với quy luật tiến hóa và còn là mối nguy hại lớn cho xã hội.

>> ‘Điên cuồng’ mua sắm sau dịch

Tôi biết rằng không chỉ ở các nước trên giới trẻ mới bị áp lực, mà chính chúng ta cũng cảm thấy áp lực với việc mua nhà, xe, những thứ xa xỉ khác… Nhưng nếu bạn đang áp lực, mệt mỏi đến mức cảm thấy không thể tiếp tục chiến đấu với cuộc đời này nổi thì hãy dừng lại một chút. Nghỉ ngơi một thời gian ngắn và tiếp tục đứng dậy chứ đừng mặc kệ cuộc đời này. Đừng uống “liều thuốc độc” rồi “chết” ở tuổi đôi mươi, đừng từ bỏ sự chăm chỉ và cố gắng.

Cố gắng thì không biết sẽ được gì nhưng không cố gắng thì chắc chắn sẽ chẳng được gì.

Nguyễn Thị Hồng Vân

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *