‘Sang đường đúng luật nhưng chẳng ai chịu nhường’

‘Con sang đường đúng vạch kẻ, giơ tay xin hẳn hoi, nhưng có ai chịu nhường đường đâu?’, thắc mắc của đứa con sáu tuổi khiến tôi ‘đứng hình’.

Đọc nhiều bài viết về giao thông công cộng thời gian gần đây, tôi nhận ra một điều rằng người Việt rất khó chấp nhận giao thông công cộng. Điều đó bắt nguồn từ thói quen đi xe máy và ý thức giao thông kém, cộng thêm việc thực thi luật giao thông ở ta rất lỏng lẻo.

Tôi đi khá nhiều nước, cũng tiếp xúc với rất nhiều người nước ngoài. Có người mới đến Việt Nam và hỏi tôi rằng: “Ở đây không có luật giao thông à?”. Còn những người ở Việt Nam lâu ngày, đã quen với văn hóa giao thông ở ta, thì đều có chung một nhận xét rằng “ý thức giao thông của đa số người Việt là rất kém”. Nghe những lời nói đó, bản thân tôi cũng thấy rất xấu hổ.

Con tôi năm nay sáu tuổi, học lớp 1. Tôi luôn dặn con về địa điểm hẹn đón và để con tự tìm xe của bố mẹ mỗi khi tan trường. Tôi cũng căn dặn con mỗi khi qua đường phải đi theo vạch kẻ quy định cho người đi bộ, chấp hành đúng theo tín hiệu đèn giao thông. Dù còn nhỏ nhưng con luôn có ý thức đi đúng luật. Bản thân tôi cũng nhiều lần bị con nhắc nhở vì vi phạm luật.

>> Tàu điện hiện đại, ý thức ‘cổ đại’

Ấy vậy mà, có lần, con nói với tôi rằng: “Con đi đúng vạch kẻ, giơ tay xin hẳn hoi, nhưng có ai chịu nhường đường đâu?”. Tôi đứng hình không biết phải trả lời con thế nào? Sau một thời gian, con khoe rằng: “Con biết sang đường rồi, cứ đi thẳng, không cần nhìn hay chờ ai nhường đường, thế là người ta tự phải tránh con” (giống kiểu sang đường của hầu hết người lớn ở ta). Thế đấy, chẳng cần phải người lớn chỉ dạy, đến cả một đứa trẻ lớp 1 cũng tìm ra cách phá luật để thích nghi với giao thông hỗn loạn ngoài kia.

Ở ta còn rất nhiều bất cập cả ở hạ tầng giao thông lẫn tư duy, ý thức người dân. Thế nên chúng ta không thể thay đổi thói quen tùy tiện và ích kỷ của con người trong một sớm một chiều. Tôi dám chắc rất nhiều người tham gia giao thông ở Việt Nam không nắm được luật và ý nghĩa của các biển hiệu trên đường. Đó là một thực tế đáng buồn khiến câu chuyện văn hóa giao thông vẫn luôn là chủ đề gây nhức nhối cho người Việt suốt nhiều năm qua và vẫn chưa tìm được lời giải.

Mong rằng, với những hành động quyết liệt trong thời gian qua như đề án thu phí ôtô, vận hành tuyến đường sắt trên cao, đẩy nhanh hoàn thành các tuyến metro, chúng ta sẽ có một cuộc cách mạng toàn diện về giao thông, để thay đổi thói quen của người dân, dẹptắc đường, tai nạn.

Sông Hương

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *