Cuộc đời đáng sống hơn khi bỏ phố về quê

Tôi quyết định về quê trồng trọt, chăn nuôi, nhưng những công việc ở thành phố tôi vẫn giải quyết được từ xa.

Khi dịch Covid bùng phát trở lại, mọi thứ buộc phải tạm dừng, cuộc sống cũng vì thế mà trở nên ngưng trệ và bấp bênh hơn. Không chỉ là cuộc chiến chống dịch mà còn là cuộc chiến của cuộc sống với những nỗi lo thất nghiệp, cơm áo gạo tiền. Có những gia đình không thể chịu nổi được sự bí bách, không thể trụ nổi ở Sài Gòn đều vội vàng trở về làng quê. Tôi cũng không nằm ngoài vòng xoáy ấy, cũng hứng chịu những đợt sóng của dịch bệnh và rồi cũng lựa chọn trở về một miền quê nhỏ để “nương nhờ”.

Khoảng thời gian giãn cách có thể sẽ khiến nhiều người bức bối, khó chịu, thậm chí nhàm chán. Tuy nhiên, cá nhân tôi lại có cách thức tiếp nhận tình huống tích cực hơn một chút. Tôi nhận ra rằng mình cần có những khoảng lặng để sắp xếp lại bản thân. Trước đây, tôi luôn phải chạy đua với công việc và cuộc sống hối hả của thành phố, đi theo những giá trị quan mà giới trẻ mà mọi người luôn hướng đến: học đại học, ra trường, đi làm phải có thu nhập tốt, nhà cao cửa rộng, xe hơi đời mới, dùng đồ hiệu, cuối tuần thì trekking, tụ tập, vui chơi… Lúc lập gia đình, tôi chú trọng hơn về địa vị xã hội, rồi chăm lo cho con cái, lo chọn trường và môi trường quốc tế cho con…

Cuộc sống mỗi ngày của tôi chỉ xoay quanh từ nhà đến công ty, nhiều hôm giao lưu tiếp khách đến đêm khuya. Rồi vì Covid mà thế giới quan của tôi bắt đầu thay đổi. Từ một nhịp sống phố thị hối hả đông đúc chuyển mình thành những ngày tháng bình dị, êm trôi. Tôi quyết định “bỏ phố về quê” sau nhiều lần ấp ủ.

Cũng như việc chuyển đổi số của một doanh nghiệp để phát triển vững mạnh hơn, thì con người cũng cần sắp xếp lại các giá trị của bản thân để phát triển bền vững. Tôi dành ưu tiên cho các giá trị về chất lượng cuộc sống, về sức khỏe, sống xanh sạch, tận hưởng những khoảnh khắc cùng gia đình. Sau đó mới đến các yếu tố về môi trường làm việc và xã hội.

Tôi có nhiều thời gian hơn cho bản thân, bắt đầu quan tâm, chăm chút cho bản thân hơn. Những sở thích, thú vui vì công việc mà bỏ qua cũng bắt đầu quay trở lại. Sau đó, tôi nhận ra được nhiều điều thú vị mà trước nay bản thân chưa từng biết tới. Nhờ trở lại miền quê, về với vùng đất thiên nhiên đầy nắng và gió này, nhờ có những khoảng ngắt nghỉ giữa chừng trên con đường chạy đua này, tôi lại có thể làm bạn với chính mình. Thiên nhiên luôn là một liệu pháp tốt nhất cho tâm hồn. Người ta có thể lắng nghe mình nhiều hơn, nhìn nhận giá trị bản thân và chấp nhận nó.

>> Ba năm về quê hơn mười năm ở phố

Nơi tôi sống không phải một nơi xa xôi cách biệt với thế giới, mà chỉ là một làng quê nhỏ giữa lòng phố; không có rạp chiếu phim hay trung tâm thương mại, mà chỉ có những hàng rau xanh và lòng người nô nức. Dù không có nhiều nơi vui chơi giải trí nhưng nơi đó vẫn đảm bảo được nhu cầu an sinh xã hội. Các hàng quán nhu yếu phẩm, họp chợ vẫn nhộn nhịp, cuộc sống không đủ đầy nhưng vẫn an nhiên.

Đó là một miền quê không quá tĩnh mịch nhưng đủ để ta cảm thấy hòa nhập với xung quanh. Không phải là những căn biệt thự bốn bề, nhà cao cửa rộng, nhưng lại làm lòng ta khoan thai với những rặng cây xào xạc và hương thơm của dàn hoa bưởi trắng tinh khôi cả một góc vườn. Là một nơi gắn kết tôi trở lại với thiên nhiên.

Đó cũng là một không gian tràn ngập sắc xanh đúng nghĩa của nó. Nơi tôi sống tràn ngập sắc xanh của núi rừng cây cỏ, sắc xanh của biển cả đất trời. Không còn là những bức tranh ngập khói bụi bao quanh những ô vuông chọc trời, mà chỉ còn lại bình yên ta với ta. Bến đỗ bình yên sau những tháng ngày phiêu lãng. Mỗi ngày, thay vì bị đánh thức bởi tiếng còi xe qua lại, tôi thức giấc với tiếng mời chào của đàn chim sẻ đậu trên cành. Sáng ngày hít thở cái không khí trong lành nhè nhẹ lướt qua. Vui vẻ góp thêm những mảng xanh cho khu vườn, dù là tỉa hoa cắt cỏ cũng cảm thấy rất ý vị.

Từ một người chỉ thích sử dụng các tính năng công nghệ hiện đại, trong những căn hộ chung cư cao tầng, tôi dần trở nên tối giản và tự nhiên hóa hơn.

Khoảng thời gian giãn cách đã làm thay đổi rất nhiều từ lối sống đến công việc của tôi. Đây là một bước ngoặt để tôi định hình lại công việc và thích ứng với môi trường. Có những lĩnh vực kinh doanh trước đây vô cùng phát triển nhưng nay đã không còn áp dụng hiệu quả. Do đó, tôi cần phải thay đổi và mở ra các loại hình kinh doanh phù hợp hơn.

Tôi quyết định ở vườn trồng trọt, chăn nuôi, xây dựng cả một khu trang trại rộng lớn theo chuẩn xanh – sạch – an toàn. Thế nhưng những công việc ở thành phố tôi vẫn giải quyết được từ xa.

Tương tự, số hóa công việc cũng trở nên cần thiết, mô hình làm việc từ xa dần được áp dụng và chú trọng đến sự an toàn của người lao động khi làm việc. Xu hướng hybrid working (làm việc hỗn hợp tại nhà và văn phòng) cũng dần được ưa chuộng trong các doanh nghiệp hàng đầu. Đặc biệt, đối với những công việc không cần thiết phải đến và có mặt ở công ty thì làm việc tại vườn quê trong một không gian xanh – hoàn toàn mở khiến hiệu quả công việc tăng cao đáng kể.

>> Bảy năm ‘về rừng’ lương tám triệu đồng

Cùng từ đây, tôi nhận ra những điều tôi không bao giờ tìm thấy ở thành phố: không gian thoáng rộng khơi thông mọi vấn đề; môi trường yên bình giúp đầu óc dễ dàng tập trung; những “cái nhìn xanh” khắp mọi nơi để thư giãn mắt mỗi khi mỏi; hoa, lá, chim muông là nguồn cảm hứng sáng tạo bất tận; gió, mây, trời khiến tâm trí hoàn toàn được thư giãn sau giờ làm việc; rau sạch tại vườn, vật nuôi trong chuồng cung cấp thực phẩm sạch – dinh dưỡng…

Tôi tin rằng, làm việc từ xa không những tốt cho doanh nghiệp mà còn phù hợp với điều kiện và nhu cầu của xã hội. Xu hướng này sẽ ngày càng được áp dụng lâu dài. Lúc này yếu tố quyết định, ảnh hưởng đến bạn sẽ không còn là môi trường công sở mà sẽ là môi trường sống xung quanh bạn hàng ngày. Không thể làm việc chỉ bao quanh bốn bức tường. Xu hướng làm việc từ xa sẽ đi kèm với nhu cầu sống xanh với những mảnh nhà vườn yên tĩnh, với không gian mở hòa với thiên nhiên, với cả cộng đồng xanh nơi tôi sống.

Nơi tôi sống vẫn là một miền quê nhưng là miền quê đổi mới, nó chỉ “quê” trên những cánh đồng xanh, “quê” ở tình làng nghĩa xóm, nhưng nó vẫn “mới” ở những xu thế, “mới” ở công nghệ. Nhờ công nghệ mà phục vụ cuộc sống tốt hơn. Xu hướng sống xanh, trở về vùng quê yên tĩnh không có nghĩa là tôi tự cách ly bản thân khỏi cộng đồng. Tôi vẫn kết nối cộng đồng, vẫn tiếp nhận những cái mới, vẫn phát triển bản thân.

Giãn cách chỉ có thể ngăn cản về mặt địa lý, nhưng không thể ngăn cản bạn về không gian và kiến thức. Dù đang ở một vùng quê nhỏ bé nhưng tôi vẫn luôn kết nối bản thân với phần còn lại của thế giới thông qua công nghệ internet. Công nghệ đủ để cho ta trò chuyện giao lưu, chia sẻ với nhau dù ở phương trời nào. Chưa kể trong thời gian này có vô số các hội nghị chuyên đề, những buổi talkshow online đa dạng chủ đề hàng tuần. Ở bên này trái đất nhưng ngay tại lúc này tôi vẫn có thể học cách làm nông nghiệp của các nước bên kia quả địa cầu. Đó chính là cái lợi của sự phát triển công nghệ.

>> Hai năm ‘bỏ phố về quê’ của vợ chồng 7X

Một trong những cách thức học hỏi và kết nối bản thân mà tôi ưa chuộng là thông qua các nền tảng thông tin trả phí. Tại sao tôi lại nói như vậy? Thông thường các thông tin chúng ta tiếp cận được đều là miễn phí, có sẵn và khó kiểm chứng. Đặc biệt là các thông tin về kinh tế, chứng khoán, doanh nghiệp, đầu tư… Có chăng là những thông tin định hướng người đọc đi theo một khuôn khổ của người viết.

Ngược lại, đối với các nền tảng thông tin trả phí, ở đó có sự nghiên cứu, trau chuốt, đúc kết các thông tin giá trị mà bạn có thể áp dụng được. Có một câu nói mà tôi cảm thấy khá đúng về điều này: “Khi bạn tiếp cận nguồn thông tin miễn phí, bạn là sản phẩm. Nếu bạn lựa chọn nguồn thông tin trả phí thì bạn là khách hàng”. Tôi không có ý phê phán hay khuyên ngăn mọi người đừng nên đọc những thông tin miễn phí. Tôi thừa nhận có những thông tin, bài báo thật sự chất lượng, đáng được chia sẻ. Nhưng nếu bạn muốn học hỏi và phát triển hơn nữa thì nên lựa chọn cho mình những nguồn thông tin chất lượng.

Nhờ việc học hỏi, kết nối cộng đồng thúc đẩy tôi dám hành động, không chần chừ mà quyết tâm thực hiện. Hành động nhanh có thể sẽ khiến bạn gặp nhiều rủi ro và sai nhanh. Nhưng cũng có thể giúp bạn nhận ra và sửa sai nhanh chóng. Dĩ nhiên cũng sẽ giúp bạn tiến nhanh hơn với thành công. Tất nhiên cái sai đó phải nằm trong tầm kiểm soát và có thể sửa chữa. Nhưng không vì thế mà bạn có thể tự do hành động, bởi một lần sai là một lần trả giá về tiền bạc, thời gian, và ý chí. Để kiểm soát rủi ro hiệu quả bạn phải tự giải quyết được bài toán về nguồn lực hữu hạn và nguồn lực vô hạn.

Bạn có thể tưởng tượng được bức tranh toàn cảnh của tôi không hề vô vị hay nhàm chán, mà ngược lại sống động đến không ngờ. Chính nhờ cộng đồng xanh nơi tôi sống đã lan tỏa được nguồn năng lượng tích cực và sống động. Công việc tại nhà cũng trở nên thú vị hơn, cảnh sắc thì hữu tình, có cây cảnh sông hồ, có vườn tược, có không gian, còn có bạn bè năm châu cùng kết nối.

Tôi đã biết rằng nơi tôi sống thật tốt đẹp, thật đủ đầy biết bao. Không chỉ là một vùng “xanh”, xanh của thiên nhiên, xanh của đất trời, xanh của không gian, xanh của hy vọng và ấm áp, còn là một nơi thật đáng sống. Cho đến hiện tại, tôi hoàn toàn hài lòng vì quyết định rời bỏ thành phố, chuyển về mảnh đất quê cho tôi mảnh vườn nhỏ tôi yêu.

Cao Diệu Yến

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *