‘Ác cảm’ tan biến sau khi tôi đi làm 30km bằng xe buýt

Tôi xuống trạm rồi đi bộ về nhà hết 15 phút, xem như tập thể dục suốt thời gian một năm.

Tác giả Quý Nguyễn là doanh nhân, sống tại TP HCM, chia sẻ bài viết về phát triển giao thông công cộng:

Mấy hôm nay lại có thông tin, sắp tới TP HCM sẽ siết lại các phương tiện cá nhân. Nhiều nhóm giải pháp được đưa ra, trong đó nhóm giải pháp kiểm soát phương tiện cá nhân gói gọn trong ba giải pháp kinh tế, hành chính về thu phí xe ôtô lưu thông vào khu vực trung tâm, phân vùng kiểm soát khí thải kết hợp với thu phí ô nhiễm môi trường và kiểm soát hoạt động của xe mô tô, xe gắn máy hai, ba bánh.

Mục tiêu của ba giải pháp này là để người dân dần dịch chuyển qua sử dụng các phương tiện công cộng và tạo nguồn để phát triển phương tiện công cộng, giảm thiểu kẹt xe.

>> Tàu điện ‘bánh kẹp’ Nhật và lời chê bai xe buýt Việt

Nhưng liệu nó thực sự hiệu quả trong việc giải quyết vấn nạn kẹt xe kinh niên trong thành phố hay không? Bởi rất nhiều người trong chúng ta, ai cũng có sẵn có vài ba lý do để đưa ra vì sao có vấn nạn này: Đó là do quy hoạch giao thông thành phố “bị lỗi”, là do phương tiện cá nhân linh hoạt hơn, là do thiếu phương tiện công cộng, là do chất lượng phục vụ xe buýt kém…, là do “vân vân và mây mây”.

Rốt cuộc kẹt xe vẫn hoàn kẹt xe, từ năm này qua năm khác trong khi vẫn tranh cãi cải tạo cơ sở hạ tầng, phát triển phương tiện công cộng trước hay là hạn chế phương tiện cá nhân trước.

Vậy thì phải làm như thế nào?

Tôi có một trải nghiệm như thế này muốn chia sẻ với các bạn trước khi chúng ta thảo luận tiếp. Đó là trong một lần tình cờ ba cậu tài xế bị bệnh, cậu xin nghỉ phép cả tuần mà quãng đường tôi đi làm quá xa, hơn 30km. Vả lại, công việc sau giờ làm việc, còn khách khứa và có khi nhậu nhẹt lung tung, nên chắc ăn nhất là có người khác chở. Ban đầu là bắt ôtô công nghệ, nhưng cũng chả rẻ chút nào cho hai lượt đi về, nên tôi tìm hiểu xe buýt.

Thú thật là trước đó, tôi có ác cảm với xe buýt với nhiều lý do nhưng lần này tình thế bắt buộc, thử một lần xem sao. Té ra trạm xe buýt cũng gần đấy mất 15 phút đi bộ từ nhà và chạy thẳng tới gần cơ quan tôi làm việc. Lúc đầu cuốc bộ cũng khó chịu vì cũng ít vận động, nhưng dần dà rồi quen.

>> Ngọn lửa giận dữ từ ‘cấm xe máy’

Sáng đi bộ 15 phút, chiều 15 phút tổng cộng 30 phút là đúng chuẩn tối thiếu vận động rồi còn gì. Sẵn trớn, có hôm về, tôi xuống trạm cách nhà khoảng 3-4 km rồi cuốc bộ, xem như là tập thể dục luôn và tôi duy trì như vậy cũng hơn một năm, chỉ cho đến gần đây do dịch Covid-19 mới ngưng.

Quay trở lại câu chuyện xe buýt, ấn tượng xấu xí về nó như xe cộ cũ kỹ, nóng nực, trộm cắp móc túi, lối cư thô lỗ cộc cằn của tài xế, soát vé…, trong tôi tan biến ngay khi tôi đi những chuyến đầu tiên.

Dĩ nhiên, đâu đó vẫn còn chuyện này chuyện nọ như tài xế chạy ẩu, nhân viên soát vé cãi cọ với hành khách…, nhưng đó chỉ là những câu chuyện đơn lẻ chứ không phải hệ thống. Hệ thống xe buýt còn có cả một đội giám sát kiểm tra đột xuất trên lộ trình đi và có cả camera giám sát lộ trình. Ngoài ra, nếu cần thiết, có thể phản ánh lên tổng đài có ghi sẵn số trên xe

Như vậy, tạm thời tôi rút ra một kết luận qua trải nghiệm của mình như thế này: Mỗi người chúng ta phải thay đổi thói quen, cụ thể ở đây là tăng cường đi bộ và thay đổi định kiến về phương tiện công cộng (như xe buýt chẳng hạn).

Về phía chính quyền, để người dân tích cực tham gia phương tiện giao thông công cộng, phải tăng cường công tác tuyên truyền mà cách tốt nhất là mấy ông cán bộ phải làm gương, đi làm bằng xe buýt, chứ vẫn đi làm bằng phương tiện cá nhân thì cổ suý được ai.

Còn các hãng xe buýt, lưu ý thời gian khấu hao và đổi mới xe, xem xét lại yêu cầu thời gian cho tài xế để tránh chạy ẩu và thời gian vận chuyển hành khách, chớ tới 9h tối là chuyến cuối thì sau thời gian ấy, nhiều người đi làm về phải biết làm sao?

>> Gia đình bốn người đi xe buýt tốn tiền hơn xe máy

Nhưng chừng bấy nhiêu thì cũng chưa đủ, mới chỉ là điều kiện cần. Muốn phát triển phương tiện giao thông công cộng, cần phải tính thêm nhiều yếu tố khác nữa: Liệu độ phủ rộng xe buýt đã đủ chưa trong khi đặc thù nhà của đa số dân thành thị đều nằm trong hẻm.

Rồi công tác an ninh, có đảm bảo không, phụ huynh có sẵn lòng cho con mình đến lớp bằng xe buýt không (vì hầu hết trường học không có xe buýt đón rước học sinh riêng) trong khi nỗi ám ảnh con họ bị quấy rối thường trực trong suy nghĩ của họ.

Nói chi xa xôi, vụ móc túi có tổ chức ở Suối Tiên mới bị phanh phui và triệt phá gần đây là một ví dụ dễ làm nản lòng người sử dụng xe buýt nói riêng và phương tiện công cộng nói chung.

Tóm lại, giải quyết câu chuyện kẹt xe trong thành phố cần phải có một giải pháp đồng bộ, chứ chỉ dùng biện pháp hành chánh hay biện pháp tăng thu phí tiện cá nhân để có nguồn đầu tư phương tiện công cộng là phiến diện, đôi khi là duy ý chí, không hiệu quả.

Quý Nguyễn

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Gia đình bốn người đi xe buýt tốn tiền hơn xe máy

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *