Ảo tưởng học giỏi Toán, Lý, Hóa

Là học sinh giỏi khối A trường chuyên nhưng tư duy làm ăn của tôi vẫn kém xa các bạn bè học dở.

Tôi từng là học sinh trường chuyên khối A vào những năm 90, từng học rất giỏi các môn tự nhiên như Toán, Lý, Hóa. Thế nhưng, sau này ra đời, tư duy làm ăn của tôi vẫn kém hơn nhiều những bạn bè ngày trước học dở hơn. Vậy nên nói học Toán, Lý, Hóa để nâng cao tư duy là suy nghĩ có phần chủ quan.

Tư duy cũng có rất nhiều loại, chứ không phải cứ giải Toán giỏi thì làm gì cũng giỏi. Đó là một trong những nguyên nhân gây ra căn bệnh ảo tưởng sức mạnh của không ít bạn học giỏi.

Tôi thừa nhận kiến thức luôn rất quan trọng, nhưng cách học Toán, Lý, Hóa của chúng ta hiện nay vẫn mang nặng tính đánh đố quá nhiều. Thực ra, trừ khi bạn chọn làm nhà nghiên cứu khoa học, còn một người bình thường không cần phải biết đến khối lượng những kiến thức cao siêu như thế.

Học sinh phổ thông thì tốt nhất chỉ nên học những kiến thức phổ thông, tức là những kiến thức mà bất kỳ một công dân nào cũng cần biết để áp dụng vào cuộc sống hàng ngày. Còn sau đó, những ai muốn tìm hiểu, nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực nào thì có thể theo học nâng cao chuyên ngành đó ở bậc đại học.

Việc người Việt vẫn giữ quan niệm Toán, Lý, Hóa là những môn học chính trong chương trình giáo dục phổ thông như hiện nay là có phần lệch lạc. Chính quan niệm đó đã dẫn đến thực trạng học sinh phổ thông hay coi thường các môn học khác, coi đó chỉ làm môn phụ, dù thực tế chúng cũng quan trọng không kém như Đạo đức, Văn học, Thể dục…

Điều đó đã vô tình gây ra tình trạng bất bình đẳng giữa các môn học, các giáo viên bộ môn, đồng thời làm phát sinh một số lượng không nhỏ những giáo viên luyện thi – mầm mống của nhiều tiêu cực trong giáo dục.

Tôi nghĩ rằng, chúng ta nên có cải cách mạnh mẽ nền giáo dục nước nhà, sao cho giảm lượng kiến thức giải Toán, Lý, Hóa cho học sinh phổ thông. Thay vào đó, chúng ta cần tăng khả năng ứng dụng thực tế, thực hành, đồng thời tăng lượng kiến thức về xã hội cho các em.

Chuyện tổ chức thi đại học cũng vậy, nên nghiên cứu lại cách ra đề, bởi vì hiện nay học sinh ở bậc phổ thông vẫn chủ yếu đầu tư cho Toán, Lý, Hóa nhằm mục đích đạt điểm thi cao, chứ không phải xuất phát từ niềm yêu thích, đam mê.

Natuan66

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *