Ảo tưởng sức mạnh tuyển Việt Nam sau những trận thua tối thiểu

Bệnh thành tích nằm ở chỗ chúng ta luôn hài lòng với tỷ số thua tối thiểu, rồi ảo tưởng rằng vậy là đã tiệm cận trình độ châu lục.

Trải qua sáu trận đấu tại Vòng loại thứ ba World Cup 2022, đội tuyển Việt Nam đã nhận tới sáu thất bại liên tiếp, trong đó có bốn trận thua với cách biệt một bàn, hai trận còn lại thua với khoảng cách hai bàn. Nhưng liệu những trận thua sát nút có cho thấy trình độ của đội tuyển đã tiệm cận với bóng đá châu lục và thế giới?

Có thể nói, thành quả của một nền bóng đá đến từ nhiều yếu tố: trình độ, thể lực và tinh thần thi đấu của các cầu thủ, tài năng của huấn luyện viên, chất lượng của giải quốc nội, sự quan tâm của khán giả và truyền thông… Ở Đông Nam Á, nếu xét riêng về mặt trình độ, tuyển Thái Lan mới là số một; những đội tuyển khác như tuyển Việt Nam, Malaysia chỉ xếp sau một bậc; Singapore, Philippines… đứng dưới nữa.

Sở dĩ đội tuyển Việt Nam có thành tích tốt như vài năm gần đây, chủ yếu là nhờ điểm tựa về mặt tinh thần: tinh thần đồng đội, tinh thần tự hào dân tộc, tinh thần quyết chiến nỗ lực ngay cả khi chấn thương… Yếu tố thứ hai là nhờ một huấn luyện viên giỏi, hiểu cầu thủ và có thể khơi dậy được tinh thần, sự đoàn kết và bù trừ những điểm yếu ở mỗi cầu thủ. Chính sự hiểu nhau trong khuôn khổ của đội bóng đã giúp đội tuyển vượt qua cửa ải Malaysia, Indonesia, Singapore, Thái Lan, để vươn lên đứng ở vị trí số một khu vực những năm qua.

Tuy nhiên, nếu đánh giá một cách công bằng, vị trí số một này vẫn có phần kém thuyết phục. Điều đó được minh chứng rõ nhất qua thành tích sáu trận toàn thua mà đội tuyển Việt Nam phải nhận trong hành trình tại Vòng loại thứ ba World Cup 2022. Rõ ràng, đến vòng đấu này, mọi điểm mạnh – yếu của chúng ta đã được phơi bày rõ mồn một. Thực ra, những điều này đã phần nào được thể hiện từ Vòng loại thứ hai, từ giải AFF Cup, hay SEA Games trước đó. Nhưng vì các đối thủ vẫn chưa đủ mạnh, cộng thêm việc người ta chỉ quan tâm đến chiếc cúp và chiến thắng sau cùng mà không để ý đến những sai số cần chỉnh sửa, hoàn thiện, nên những vấn đề của đội tuyển luôn được cho qua.

>> ‘Ông Park thành công nhờ có lứa cầu thủ giỏi’

Đến Vòng loại thứ ba này, yếu tố tinh thần và lối chơi tập thể – những điểm mạnh nhất của chúng ta – đã không thể kéo nổi yếu tố trình độ. Sự non kém và sai sót liên tục được bộ lộ khi đội tuyển phải chạm trán những đối thủ hơn trình độ nữa. Để rồi, khi chúng ta đã trở thành “kho điểm” cho các đội khác trong bảng rồi, điều duy nhất mà đội tuyển có thể làm là hạn chế bàn thua hết mức.

Đến đây, một vấn đề khác lại xuất hiện. Sau những trận thua liên tiếp, người ta mới nhận ra, việc mải tung hô ngút trời tấm HCV SEA Games, hay chức vô địch AFF 2018 trước đó mà bỏ qua việc đánh giá, phản biện, rút kinh nghiệm, đã khiến chúng ta phải trả giá. Hãy nhìn các đối thủ của chúng ta ở vòng đấu này, các quốc gia khác luôn mong muốn thắng đậm, thắng áp đảo, nên khi đội bóng chỉ thắng tối thiểu, NHM của họ lập tức chỉ trích ngay.

Còn ta thì ngược lại, “bệnh thành tích” nằm ở chỗ chúng ta luôn “hài lòng với tỷ số thua tối thiểu”, cho rằng vậy là “thua đẹp”. Thua toàn diện nhưng nhiều người vẫn bấu víu vào đó để cho rằng “tỷ số tối thiểu phản ánh trình độ đã tiệm cận, thậm chí không quá thua kém các đội hàng đầu châu lục”. Như thế thì chừng nào mới tiến bộ?

Van Ma

>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *