Ba kiểu người nuôi ‘mộng’ làm Farmstay (Bài cài)

Chúng ta ai cũng mong muốn một cuộc sống bình yên an nhàn vui vầy với vườn tược cây cối, cao hơn xa hơn là phát triển bài bản thành farm hay farmstay để ổn định cuộc sống cho bản thân và gia đình.

Mục đích lớn hơn tư tưởng tốt hơn nữa là đóng góp cho địa phương cho nền kinh tế nước nhà những mô hình nông nghiệp xanh, sạch, đẹp.

Tuy nhiên giữa ước mơ và hiện thực thực sự còn lắm chông gai. Càng đi nhiều càng trải nghiệm nhiều đặc biệt là đi sâu hơn về mảng nông nghiệp tôi càng thấy việc trang bị kiến thức và tâm thế khi chúng ta làm farm là điều hết sức cần thiết.

Một việc khá quan trọng nữa là phải định hình mình đang đứng ở đâu trong trường hợp, tâm thế nào để có thể chuẩn bị tốt nhất cho hành trang của mình.

Tôi tạm chia ra làm ba trường hợp chính như sau:

– Có đất nhưng lại không có điều kiện tài chính để triển khai.

– Người có đất, có điều kiện tài chính nhưng lại không có kiến thức để triển khai.

– Người có đất, có điều kiện tài chính, có kiến thức để triển khai.

>> Cùng tác giả: 5 câu hỏi cần trả lời khi trước khi bỏ phố về quê

Trường hợp thứ nhất, người có đất nhưng lại không có điều kiện tài chính để triển khai (số lượng nhiều):

Trường hợp này tôi khuyên nên trau dồi học hỏi về nông nghiệp trước, nghiên cứu trồng chuyên canh hay xen canh cây gì, mô hình gì…để đem lại lợi nhuận tối đa trên mảnh đất mình đang có từ đó xác định nguồn vốn cần thiết để triển khai. Có thu nhập cố định từ mảng nông nghiệp rồi hãy nghĩ tới chuyện khác. Đừng vội mơ mộng hay đầu tư “stay” này kia sẽ rất nặng về tài chính và thường là chẳng đâu ra đâu.

Trường hợp thứ hai, người có đất, có điều kiện tài chính nhưng lại không có kiến thức để triển khai (số lượng ít):

Trường hợp này nếu không có định hướng rõ ràng sẽ dễ đem tiền bỏ qua cửa sổ. Qua quá trình tư vấn và thiết kế farmstay, tôi nhận thấy khá nhiều anh chị có tiền, có đất nhưng làm không bài bài bản, đầu tư nông nghiệp chẳng ra nông nghiệp, mà thích chú trọng mảng stay, vui chơi, giải trí nhiều hơn.

Ví dụ một mảnh đất khoảng hai hecta, chủ đầu tư đầu tư đủ thứ hạng mục công trình cảnh quan, giải trí, cà phê nhà hàng farmstay, homestay trong đó, mục đích biến mình thành trung tâm dịch vụ, giải trí của tỉnh, huyện, hay một khu vực.

Trong khi đó lại thiếu rất nhiều kiến thức về nông nghiệp, kiến trúc tổng quan, du lịch, văn hóa, vận hành, nghiệp vụ nhà hàng khách sạn, quản trị, đào tạo nhân sự, maketing… Mà không hiểu rằng nếu đánh vào vui chơi, giải trí, thưởng ngoạm cảnh đẹp làm sao có thể cạnh tranh được với các khu vui chơi giải trí, resort của các đại gia tập đoàn, ông lớn có vị trí đắc địa, dịch vụ 4 5 sao trên khắp cả nước.

>> ‘Thiệt đơn, thiệt kép’ khi bán nhà 4.5 tỷ bỏ phố về quê

Dân trí bây giờ khác rồi, phương tiện vận chuyển bây giờ khác, mức hưởng thụ và thưởng thức cũng khác xưa nhiều lắm ở đâu họ cũng đi cũng biết và tất nhiên sự so sánh cũng khác xưa nhiều, không còn dễ dãi nữa. Đầu tư mà không hiểu rõ mình đang đứng ở đâu, mình có lợi thế gì, mình còn thiếu gì cần gì mà chỉ có tiền thì từ chết tới bị thương mà thôi.

Trường hợp cuối, người có đất, có điều kiện tài chính, có kiến thức để triển khai (số lượng hiếm)

Trường hợp này thì khỏi phải nói họ hiểu được mình có lợi thế gì, đang đứng ở đâu, nắm kiến thức ở mảng nào sẽ triển khai mạnh mảng đó.

Lấy ví dụ như tôi từng tham quan một trang trại cây ăn trái hơn 10 hecta. Anh chủ là một kỹ sư nông nghiệp am hiểu và đam mê cây trồng cho nên anh xác định trồng trọt là mảng cần ưu tiên hơn trước và là mảng chính tạo ra thu nhập.

Vì vậy hiện tại, trang trang đang phát triển tốt mảng chăm sóc cây trồng cùng hệ thống vận hành, quản lý nhân sự, lắp đặt tưới tiêu…. sau đó mới phát triển stay như một mảnh ghép của hệ sinh thái.

Tuy nhiên để hình thành nên được một trang trại như vậy đòi hỏi phải có sự tính toán toán kỹ lưỡng về kỹ thuật nông nghiệp cũng như tài chính. Ví dụ tiền đầu tư hệ thống tưới tự động hơn một tỷ, tiền dầu máy nổ hằng ngày vận hành tưới từ 1-3 hecta hết một triệu/ ngày.

Tiền công nhân chăm sóc, quản lý hệ thống khoảng hơn 100 triệu/ tháng. Tính toán bao lâu để thu hồi vốn, có lợi nhuận, không bị hụt hơi, bỏ ngang, chạy theo trào lưu chặt cây này trồng cây kia… Chưa kể nhiều khoản chi phí san lấp, đầu tư cây giống, xây dựng cơ sở vật chất farm khác.

>> Vay 500 triệu để sống khỏe khi bỏ phố về quê

Như vậy chúng ta có thể tính sơ qua chi phí chăm sóc vận hành một farm nhỏ khoảng một hecta nếu ít nhân công thì sơ sơ một tháng anh chị cũng phải mất khoảng (20-30 triệu) tùy mô hình mà có thể phải mất 2- 3 năm sau mới có thu và lấy lại được vốn.

Ở đây tôi chỉ nói riêng về phần nông nghiệp, chứ chưa nói đến đầu tư vận hành và phát triển stay để trở thành farmstay. Muốn làm farmstay phải thêm phần quy hoạch tổng quan, xác định phong cách kiến trúc văn hóa, phương thức hoạt động, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, cảnh quan, đầu tư vận hành, maketing, nghiệp vụ du lịch, nhà hàng khách sạn cho nhân viên…

Phía sau đó còn rất nhiều vấn đề nhiều thứ phải học hỏi và trau dồi, đòi hỏi phải bỏ tâm huyết, tiền của, và tư duy linh động mới có thể vận hành và phát triển.

Làm trang trại khó lắm phải đâu chuyện đùa. Farmstay lại càng khó hơn, đừng nghĩ có tiền xây cái gì đó cho thật đẹp lên là chúng ta thành công. Phải hiểu rằng phía sau nó là cả một quá trình và vấn đề mà chúng ta phải luôn học hỏi, trải nghiệm, mở rộng tư duy không ngừng nghỉ.

Chân Tâm

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *