Bài toán kinh tế cho người ‘chờ 17 năm để nhận lương hưu’

Nếu chỉ nhấn mạnh an sinh xã hội mà không nghĩ tới quyền lợi kinh tế của người lao động về hưu thì họ sẽ băn khoăn BHXH.

“Trường hợp của tôi cũng giống như bài viết ‘Chờ 17 năm để được nhận lương hưu‘ của tác giả Nguyễn Đăng Khoa. Tôi tham gia công tác từ tháng 12/2001, đến hết năm 2021, số năm đóng BHXH là 19 năm 8 tháng (gián đoạn 5 tháng).

Do áp lực công việc và nhàm chán, tôi muốn nghỉ việc để về nhà kinh doanh vào năm 2022. Nếu đóng đủ 20 năm để chờ lương hưu thì đến tháng 10/2038 tôi đủ 60 tuổi 10 tháng, có nghĩa là phải chờ sau 17 năm nữa mới được hưởng lương hưu. Trong khi đó, nếu tôi rút BHXH một lần, cộng với số tiền giải quyết thôi việc theo Nghị định 46/2010/NĐ-CP của Chính phủ thì tổng tiền được hưởng là 200 triệu đồng.

Tôi thử làm một bài toán như sau: Số tiền trên 200 triệu đồng gửi vào ngân hàng với mức lãi suất bình quân 5,6%/ năm, trong thời gian 17 năm, lãi mẹ đẻ lãi con, tôi sẽ có khoảng 505 triệu đồng cả gốc lẫn lãi. Nếu tôi tiếp tục đem số tiền này gửi vào ngân hàng, số lãi hàng tháng 0,47%, tức hơn 2,3 triệu đồng.

Trong khi đó, nếu tính mức lương hưu, tôi đóng tiếp BHTN bốn tháng nữa để đủ 20 năm theo quy định và chờ sau 17 năm thì mức hưởng là 45% cũng chỉ tương đương số tiền lãi suất tiền gửi. Nhưng nếu gửi tiết kiệm, bản thân tôi sẽ có nhiều lựa chọn hơn: một là gửi tiết kiệm để lấy lãi, hai là đầu tư kinh doanh. Nghĩa là tôi sẽ có thể tự chủ về kinh tế. Còn hưởng lương hưu rủi ro lớn bởi lẽ không biết ngày sau ra sao?

Một vấn đề nữa là Luật BHXH và các văn bản dưới luật thay đổi quá nhiều, gây khó cho người lao động. Sau 17 năm nữa, tôi không biết chính sách sẽ thay đổi ra sao? Đó là lý do tôi có cùng suy nghĩ với nhiều người là sẽ lựa chọn phương án rút BHXH một lần thay vì chờ lương hưu”.

Đó là chia sẻ của độc giả Hà Nhân Hợp xung quanh câu chuyện “rút BHXH một lần hay chờ hưu trí?”. Chính sách thụ hưởng BHXH đang thiếu tính linh hoạt, thời gian đóng, hưởng chưa hợp lý khiến lao động mất việc thấy quá lâu để chờ nhận lương hưu.

Thực tế, trong 5 năm qua, trên 3,7 triệu lao động đã rời khỏi hệ thống an sinh để nhận BHXH một lần thay vì chờ hưu trí. Việc người lao động rời khỏi hệ thống an sinh, một phần để giải quyết nhu cầu trước mắt, còn là chưa thực sự tin tưởng vào hệ thống BHXH. Chính sách bắt buộc, đóng vào thì dễ nhưng khi hưởng nhiều thủ tục vô cùng khó khăn.

>> Sai lầm rút bảo hiểm xã hội một lần ‘kiếm lãi’

Nói về những hạn chế của chính sách BHXH hiện nay, dẫn tới tình trạng ngày một gia tăng người lao động rút BHXH một lần thay vì chờ lương hưu, bạn đọc Anhdung nhấn mạnh: “Có ba vấn đề lớn mà ít người để ý trong tranh luận về BHXH trong thời gian gần đây:

Thứ nhất là khả năng điều phối nguồn lực lao động chưa tốt, cơ hội việc làm cho người lao động trình độ thấp trên 40 tuổi hiện nay rất ít.

Thứ hai là chính sách BHXH đã thay đổi quá nhiều lần gây bất an cho người lao động.

Thứ ba là yếu tố thời cuộc – đây là điều ít ai để nhắc tới. Ngày nay, cơ hội đầu tư kinh doanh rất nhiều, có thực tế, có lừa đảo, nhưng không thể phủ nhận lợi nhuận thu được có thể cao hơn nhiều so với đi làm công ăn lương.

Dó đó, có thể nói, chính sách BHXH ở nước ta khá tốt khi so với nước ngoài chứ không tệ như nhiều người nghĩ. Nhưng nếu không giải quyết được thực trạng khó khăn cho lao động lớn tuổi thì dù BHXH thay đổi như thế nào cũng vẫn vậy. Khi mà anh xe ôm công nghệ, shipper thu nhập vẫn cao hơn anh công nhân; khi mà chị bán nước vỉa hè đầu ngõ vẫn kiếm nhiều tiền hơn chị công nhân may; khi mà bà thu gom ve chai, bán vé số vẫn kiếm tiền nhiều hơn chị cán bộ giày da… thì sẽ rất khó để người lao động nhìn thấy những lợi ích mà BHXH mang lại”.

Lâu nay, việc tuyên truyền chính sách BHXH vẫn mang tính hình thức, chỉ nhắc lại những quy định mà không giải thích cho người lao động thấy rõ được sự ưu việt để họ tự nguyện tham gia vào. Đây là vấn đề cần cải cách tích cực hơn. Xét cho cùng, người lao động nào cũng đều muốn hưởng lương hưu, điều quan trọng là khiến họ thực sự tin tưởng vào hệ thống chính sách BHXH mà thôi.

Chỉ ra những điều cần thay đổi để lấy lại niềm tin của người dân vào BHXH, độc giả Hoàng Linh gợi ý: “Tôi tin rằng đây cũng là quan điểm của phần đông người tham gia BHXH muốn rút một lần. Đến khi nào BHXH Việt Nam chưa có những chính sách thật sự ưu việt thì thực trạng rút BHXH một lần sẽ còn kéo dài.

Theo tôi, những giải pháp có thể được cân nhắc ngay lúc này:

1. Người tham gia đóng BHXH được đủ 20 năm sẽ có thể được hưởng lương hưu ngay sau khi nghỉ việc. Tuổi đời một con người được tính bởi số năm họ đang sống chứ không thể tính những năm ‘có thể sống’.

2. Người tham gia BHXH phải được tính lãi suất tiền gửi ngân hàng cho số tiền họ có thể nhận nếu rút một lần, nếu để chờ thời hạn đủ tuổi nhận lương hưu. Tại thời điểm nhận lương hưu sẽ không được tiếp tục nhận lãi”.

Nhưng tiền đóng vào quỹ BHXH là tiền của người lao động, họ đóng nhiều thì sau này phải trả đủ cho họ thông qua lương hưu. Việc chia sẻ lợi ích với các nhóm đối tượng khác trong xã hội hay không nên thuộc quyền của người lao động.

Nếu chỉ giải thích an sinh xã hội là lấy tiền lương hưu của người này “bù đắp” cho người kia thì đương nhiên sẽ khiến người lao động băn khoăn vào BHXH. Dó đó, cần có chính sách phù hợp khi khởi động lại việc siết quy định BHXH một lần để không tạo thêm cái nhìn tiêu cực trong dư luận.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cảnh báo rút BHXH một lần trở thành “Thực trạng đáng lo ngại ảnh hưởng trực tiếp quyền lợi người lao động và tác động đến an sinh của Nhà nước”. Giai đoạn 2016-2020 “cứ hai người tham gia vào hệ thống BHXH thì một người lại rời đi. Xu hướng này tiếp tục gia tăng. Trung bình mỗi năm, gần 750.000 người rời khỏi hệ thống an sinh, chọn BHXH một lần thay vì chờ hưu trí, tính từ 2016 đến 2020.

Lê Phạm tổng hợp

>> Các ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *