‘Bánh mì kẹp’ giữa cha mẹ già và con nhỏ

Vợ chồng em trai tôi gồng gánh, chăm lo cho hai thế hệ dễ bị tổn thương nhất là cha mẹ vợ và hai đứa con nhỏ.

Thời gian chưa có dịch, mỗi tháng một lần vợ chồng em trai tôi phải bắt xe vào tối thứ sáu cuối tuần về quê cách Sài Gòn gần 200km, để thăm và chăm sóc ông bà. Hai đứa con thì để ở nhà nhờ ông bà nội chăm giúp.

Hai năm gần đây, bố vợ của em trai tôi đột nhiên xuất hiện thêm nhiều bệnh của người già, bên cạnh căn bệnh tiểu đường đã nhiều năm. Nhà vợ chỉ có hai cô con gái, nên là rể lớn em trai tôi phải có trách nhiệm đứng ra gánh vác, chăm sóc.

>> Trẻ nuôi con, già trông cháu – nỗi khổ của nhiều người già

Tôi nhớ có thời gian ông cụ bị bệnh nặng, phải nhập viện trên Sài Gòn vài hôm khiến gia đình em trai tôi nháo nhào. Cả hai công ty của hai vợ chồng làm việc đều đang chạy dự án quan trọng nên sếp không duyệt đơn phép vào viện chăm. Bà cụ thì tuổi già, chậm chạp không rành các thủ tục nhập viện, mua thuốc, thức ăn…nên tôi (còn độc thân) phải xắn tay áo vào viện chăm giúp ông cụ cả tuần lễ liền.

Sau đó ông xuất viện và về quê cho bà chăm sóc kỹ lưỡng hơn.”Bây giờ ông bệnh thì còn bà chăm sóc, vài năm nữa nếu bà cũng đổ bệnh già thì chẳng biết làm thế nào?” – em dâu tôi nói.

Cùng với nỗi lo chăm sóc cho đấng sinh thành, vợ chồng em trai tôi cũng đang gồng mình kiếm tiền nuôi và dạy hai đứa con. Bởi thế, cũng đừng nên vội trách khi họ không thể làm căng với sếp để vào viện chăm bố. Nếu mất việc, lương thưởng giảm thì lấy tiền đâu nuôi con, phụng dưỡng cha mẹ già?

Có một câu hỏi dạng tiếu lâm kể việc nhiều cô nàng gây khó cho người yêu là: Em và mẹ anh cùng rớt xuống sông và chỉ được cứu một người, anh sẽ cứu ai? Nếu ngoài đời thật có cô gái nào hỏi người yêu câu này, tôi sẽ cho đó là không khôn ngoan khi bắt người khác chọn một giữa hiếu và tình.

Còn trong thực tế hiện nay, không ít người trưởng thành đang chịu gánh nặng phụng dưỡng, nuôi nấng từ hai phía như trường hợp vợ chồng em trai tôi: cha mẹ già ở quê và con cái ở cùng trên phố.

>> ‘Đừng nghĩ đẻ nhiều để sau này con cái nuôi mình’

Có một thuật ngữ xã hội học gọi chung những người rơi vào hoàn cảnh này là “Sandwich Generation” (tạm dịch: thế hệ bánh mì kẹp). Tôi thấy rất tội nghiệp họ khi phải gồng gánh trên vai trách nhiệm lo toan cho hai thế hệ ruột thịt dễ bị tổn thương nhất. Đây cũng là giới hạn của họ về mặt công việc lẫn hưởng thụ cuộc sống khi tốn quá nhiều thời gian, chi phí.

Không ít người bị ảnh hưởng tinh thần từ căng thẳng chuyển sang trầm cảm, nếu ta có hỏi vì sao buồn, họ sẽ trả lời là “chuyện gia đình”. Nhưng chỉ khi rơi vào trường hợp giống như họ, thì ta mới hiểu được áp lực khủng khiếp chuyện “bánh mì kẹp” này mang lại.

Với việc người Việt dần sinh ít con trong những năm qua, và trong tương lai người già tăng lên, thì những người bị “bánh mì kẹp” có lẽ sẽ không ít. Ngay từ lúc này, tôi nghĩ về phương diện quản lý an sinh, xã hội, cần có những đề án, chính sách hỗ trợ cần thiết.

Quang Dương

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *