Bắt học sinh viết chữ đẹp để làm gì?

Chữ đẹp có giúp học sinh thông minh hơn không hay chỉ tập trung toàn bộ tư duy vào nét chữ.

Xem video ghi lại cảnh cô giáo ở một trung tâm luyện chữ đẹp quát nạt, dùng thước đánh bé trai đang ngồi viết bài, một người làm mẹ như tôi không khỏi xót xa. Câu chuyện “viết chữ đẹp” có lẽ là nỗi ám ảnh với tất cả những thế hệ học sinh từ trước tới giờ. Để rồi sau này khi lớn lên, nhìn lại, chúng ta lại tự hỏi: viết chữ đẹp để làm gì?

Con trai tôi (học lớp 2) cũng là một nạn nhân của việc bị ép luyện viết chữ đẹp. Giống như nhiều đứa trẻ nam khác, con tôi khá hiếu động, nghịch ngợm và viết chữ hơi xấu. Thế nhưng, vì yêu cầu của giáo viên trên lớp, con tôi luôn bị bắt luyện chữ ở nhà dưới sự kèm cặp của bà nội. Mẹ chồng tôi nhiều lần phải quát tháo, thậm chí dùng cả đòn roi để uốn nắn cháu viết đẹp. Cũng vì chuyện này mà gia đình tôi nhiều lần cãi vã. Con luôn áp lực khi phải luyện viết chữ, nước mắt ngắn dài; bà thì không muốn cháu bị điểm kém, cô chê nên gò ép cháu đến cùng; bản thân tôi là mẹ lại chỉ muốn con được làm những gì cháu thích…

Tôi tự hỏi chữ đẹp có giúp học sinh thông minh hơn không hay chỉ tập trung toàn bộ tư duy vào nét chữ? Rèn chữ tất nhiên không hại gì, nhưng nó cũng không mang lại quá nhiều lợi ích. Luyện viết chữ đẹp chỉ phù hợp với những đứa trẻ thiếu tập trung, thiếu kiên nhẫn, còn với những bé vốn tính cẩn thận, từ tốn, tôi cho rằng không cần phải mất thời gian với nó. Thay vào đó, chúng ta có thể cho các bé vận động, chơi thể thao để nâng cao sức khỏe, như vậy có ý nghĩa hơn nhiều.

Một môn học mà chẳng đem lại lợi ích cho tất cả học sinh, có lẽ chỉ nên là môn phụ đạo, năng khiếu, chứ không phải thứ bắt buộc với số đông. Chưa kể, viết chữ đẹp đã không còn phù hợp với xu thế hiện đại, nơi mà con người ta chủ yếu làm việc trên máy tính, các thiết bị số chứ không còn cầm bút nắn nót từng chữ như trước kia. Khi mà khoa học công nghệ phát triển, chúng ta cũng cần thay đổi theo để thích ứng chứ không chỉ mãi bám lấy quá khứ để sinh tồn.

>> Vật lộn với Toán cấp ba vì ‘những kiến thức thừa’

Bản thân tôi ngày trước cũng phải vật lộn với môn luyện viết chữ đẹp, viết chính tả ở bậc tiểu học. Nhưng rồi, khi sang cấp hai, với tốc độ và phương pháp học tập mới, tôi chẳng thể giữ nổi nét chữ của mình. Thay vào đó, tôi phải học cách viết nhanh, viết tắt để theo kịp tiến độ bài giảng. Nét chứ khi đó cũng sẽ xấu đi. Nếu cứ lo nắn nót từng chữ thì làm sao tập trung dung nạp kiến thức được? Vậy bắt học sinh học viết chữ đẹp nhiều để làm gì khi chỉ vài năm sau đó chúng đã chẳng còn cần thiết?

“Nét chữ nết người”, ngày nay nhiều người vẫn vin vào câu nói đó để lý luận về việc tại sao phải yêu cầu học sinh luyện chữ đẹp. Nhưng có lẽ thời nay, chúng ta cần một tư duy đổi mới hơn. Đâu phải ai chữ xấu cũng là người xấu, hay bất kể ai viết chữ đẹp cũng là người tốt.

Bác sĩ vẫn viết chữ xấu dù công việc của họ rất cao cả đấy thôi. Hay như cô kế toán nọ nét chữ rất đẹp nhưng lại đi giả mạo hồ sơ rồi vướng vòng lao lý. Vậy nên, nét chữ không làm nên nhân cách một con người. Để thành người tốt, hướng thiện, có ích cho xã hội, chúng ta cần rèn luyện nhiều thứ chứ không chỉ mỗi chữ viết.

Nhìn lại giáo dục của ta mới thấy khối lượng kiến thức quá nhiều. Chúng ta không chỉ bắt các em phải học giỏi toàn diện, học nặng Toán, Lý, Hóa, mà thậm chí còn đòi hỏi học sinh phải viết đẹp nọ kia…

Phải chăng người Việt đang đòi hỏi quá nhiều, vô tình khiến học sinh bị quá tải, sợ học? Xét cho cùng, đó chính là căn bệnh thành tích trầm kha, vốn đã ăn sâu vào trong tư duy nền giáo dục nước nhà. Nếu không sớm thay đổi, nó sẽ còn kéo tụt chất lượng dạy và học.

Ngọc Hà Đỗ

>> Theo bạn, có cần yêu cầu học sinh tiểu học luyện viết chữ đẹp? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *