Bảy vấn đề của giáo dục cải cách

Thành tích của nhà trường phổ thông không phải là dạy ra học sinh giỏi, “gà chọi”, mà là đào tạo ra những công dân lương thiện.

1. Trang bị cơ sở vật chất cho bậc đại học rất tốn kém nhưng bậc phổ thông ít hơn rất nhiều. Hàng năm chúng ta có không biết bao nhiêu công trình bị đình trệ thi công, lãng phí hàng trăm nghìn tỷ. Số tiền này đủ để xây hàng trăm trường học có cơ sở vật chất cao cấp. Thiếu tiền, thiếu đất để xây dựng trường học là do quy hoạch ngân sách và quy hoạch đô thị kém. Ra các khu đô thị vùng ven, trường mẫu giáo, tiểu học đầy đủ hết, cơ sở vật chất rất khang trang nhưng đến cấp hai, cấp ba, phụ huynh buộc phải đưa con cái vào các quận nội thành để đi học. Bởi người ta đã “quên” xây dựng các trường học này. Thiếu là do không làm chứ không phải là không có tiền bạc, đất đai để làm. Tiền bạc đất đai ấy có quan trọng bằng công tác giáo dục không?

2. Đào tạo nhân lực sư phạm dựa vào đâu? Trước hết là số liệu suất sinh tăng thêm của từng năm, để biết những năm tới cần xây dựng thêm bao nhiêu trường học, xây ở đâu? Nếu mỗi 20 học sinh cần một giáo viên, trừ số giáo viên đến tuổi nghỉ hưu, số giáo viên đang hành nghề, chúng ta sẽ biết phải đào tạo thêm bao nhiêu giáo viên? Có đầy đủ số liệu thống kê, học sinh lớp 5 cũng tính được, chẳng cần đến chuyên gia. Đào tạo thật nhiều giáo viên chẳng dựa vào căn cứ nào trong khi trường học không xây thêm thì đương nhiên có vô số giáo viên thất nghiệp cùng với vô số lớp học chật ních học sinh.

3. Lớp học không phải là tổ chức pháp nhân, học sinh không phải chịu bất cứ trách nhiệm nào trước pháp luật thì đặt ra các chức danh lớp trưởng, lớp phó, hữu danh vô thực để làm gì? Chẳng có học sinh nào có quyền ra lệnh cho học sinh khác phải làm gì. Người có quyền ra lệnh cho học sinh phải làm cái này, không được làm cái kia là thầy cô và họ phải chịu trách nhiệm với nhà trường, với phụ huynh về những mệnh lệnh đó.

4. Với sách giáo khoa, chương trình học, nhà trường nên tự chọn, tự thuê người viết. Nếu chương trình học khô khan nặng nề phụ huynh sẽ chuyển trường cho con em. Tức là, phụ huynh có rất nhiều lựa chọn và trường học cũng dựa vào việc này để cạnh tranh lẫn nhau. Nên nhớ, kinh tế thị trường là bán cái người ta cần chứ không phải là bán cái mình có.

>> Cải cách giáo dục – ‘thừa chiều sâu, thiếu độ rộng’

5. Giàu mới có giáo dục tốt? Giàu nhờ chất xám chắc chắn có giáo dục tốt. Bằng không, giàu mấy cũng giáo dục không tốt. Ví dụ, trường tư ở Việt Nam ít người học vì học phí cao. Trường tư ở nước ngoài vẫn được tài trợ ngân sách như trường công, còn trang bị thêm cơ sở vật chất, trả lương cao cho giáo viên vượt quá trường công thì tự họ phải tính toán đến mức học phí. Trong khi đó, trường tư ở Việt Nam không được tài trợ, phụ huynh phải đóng học phí mọi thứ. Như vậy có công bằng không? Trường tư làm sao tồn tại? Chẳng lẽ chỉ có người siêu giàu mới cho con học trường tư?

6. Thành tích là cái mà ai cũng cần. Thành tích của nhà trường phổ thông không phải là dạy ra học sinh giỏi mà là dạy ra công dân lương thiện. Công dân lương thiện có thể không giỏi nhưng ít nhất là không nghĩ cách lợi mình hại người. Xã hội càng nhiều người lương thiện, nhà nước càng đỡ tốn tiền chi cho việc giải quyết tệ nạn xã hội, bộ máy công vụ đơn giản hiệu quả. Thành tích giáo dục ở ta hoàn toàn dựa trên tư duy đào tạo “gà chọi”, đã sớm đi lệch mục tiêu ban đầu từ lâu.

7. Trường học Homeschool của người ta được thực hiện ở nơi vùng sâu vùng xa, nơi dân cư thưa thớt, phương tiện vận chuyển khó khăn. Homeshool của họ thực ra chỉ là một lớp học dạy chung cho mọi trẻ em, mọi lứa tuổi ở xung quanh bán kính vài cây số, với giáo viên là một vị phụ huynh nào đó có bằng cấp sư phạm cư ngụ ở khu vực đó. Người ta thừa vật chất tiền bạc để xây trường to nhưng học sinh phải di chuyển cả ngày mới đến được lớp sẽ không hiệu quả. Đó là ý nghĩa của Homeshool chứ không phải loại trường này lập ra để dạy học sinh mọi lứa tuổi chung vào một lớp. Chúng ta phải hiểu rõ bản chất người ta làm gì, chứ không phải chỉ là bắt chước cho có hình thức.

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Lâm

Sách giáo khoa cải cách ngược

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *