‘Biến rác thành vàng’ từ 37 toa tàu cũ của Nhật

Trong khi Nga, Thái Lan, Myanmar, Philippines nhập hàng trăm toa tàu cũ tương tự của Nhật Bản, tại sao chúng ta lại nói ‘không’?

Câu chuyện nhập 37 toa xe cũ của Nhật đang gây ra dư luận trái chiều. Nhìn vào tuổi đời 40 năm của những toa tàu này, đa số chúng ta đã phản đối. Nhiều người còn cho đây không khác nào “mang rác về nhà”. Ôtô, xe máy chạy 10 năm đã tã, huống hồ toa tàu đã chạy 40 năm. Tuy nhiên, nếu chịu khó tìm hiểu, xem xét kỹ sẽ thấy vấn đề không đơn giản như vậy. Sau đây, tôi xin đưa ra một số lý do để phản biện lại quan điểm trên:

Về niên hạn sử dụng toa xe: Các nước có những quy định khác nhau về niên hạn sử dụng. Tuy nhiên có thể thấy, nhiều nước, nhất là các nước phát triển, không đặt ra niên hạn cụ thể. Đầu tư đóng các toa tàu rất tốn kém, nên họ thường có xu hướng làm chắc chắn để sử dụng lâu dài. Nếu chỉ sử dụng 20, 30 năm có lẽ không ngành đường sắt nào trụ nổi vì lỗ. Vì vậy, với quy định nhập khẩu dưới 10 năm cho toa tàu chở khách như hiện nay, sẽ rất khó để ta có thể mua lại được hàng cũ, trừ khi đấy là những toa tàu kém chất lượng không phải từ các nước công nghiệp phát triển.

Tàu hỏa ở Nhật có chất lượng và được bảo dưỡng rất tốt nên lại càng không có niên hạn. Họ chỉ loại bỏ khi chuyển đổi sang thế hệ mới. Những toa tàu như thế này vẫn được sử dụng cho những tuyến đường ngắn hoặc những nơi xa xôi ít người. Chẳng hạn, lâu nay đường sắt Nhật Bản vẫn duy trì một tuyến đường chỉ để đưa đón một hành khách là học sinh đi học, chính là con tàu loại này.

>> ‘Nhập 37 toa xe Nhật là chuốc họa vào thân’

Về chất lượng toa tàu: Nhiều chuyên gia đường sắt đã đánh giá là những toa tàu cũ của Nhật còn tốt hơn những toa tàu chúng ta đang dùng. Trong khi không thể trực tiếp đánh giá xem xét, ta có thể tham khảo một vài thông tin bổ ích: Trước khi Nhật ngỏ ý tặng ta mấy chục toa tàu, họ đã cho rất nhiều nước từ hàng chục năm nay, như Nga (58 toa), Thái Lan (27 toa), Myanmar (110 toa), Philippines (139 toa).

Các chuyên gia đường sắt còn cho biết: “Toa tàu tự hành kiểu Kiha mà Nhật tặng Việt Nam lần này là loại toa tàu rất cao cấp, nhiều nước chưa làm được, khó nhất ở công nghệ truyền động nối động cơ diesel với trục toa xe. Toa tự hành dùng động cơ diesel có cấu tạo phức tạp hơn dùng động cơ điện, chỉ một số nước công nghiệp tiên tiến mới làm được”.

Toa Kiha mới có giá trên 50 tỷ đồng, vì vậy khi Nhật Bản thải ra, lập tức các nước sẽ lấy về ngay. Không biết các nước đánh giá ra sao, chỉ biết rằng họ săn sàng nhận nếu Nhật tiếp tục cho. Nếu như các toa tàu này đúng là hàng “đồng nát”, không lẽ những nước như Thái Lan, Nga vẫn muốn nhận? Myanmar có lẽ cũng chạy tàu này gần chục năm trời trên nhiều tuyến đường. Ai từng đến Myanmar chắc đã có dịp trải nghiệm mà không biết.

>> ‘Nhập 37 toa tàu cũ chờ hiện đại hóa đường sắt’

Mặc dù vướng phải các quy định của luật pháp cũng như sự không đồng tình của dư luận nhưng tôi vẫn thấy việc nhập những toa tàu cũ này có nhiều cái lợi:

Đầu tư cho đường sắt hết sức tốn kém, không thể hy vọng có được hệ thống đường sắt hiện đại trong một tương lai gần. Vì vậy việc có được những toa tàu dù cũ nhưng chất lượng sử dụng chắc chắn còn tốt là một cơ hội hiếm có cho ngành đường sắt và cũng là cơ hội tốt cho hành khách được đi trên những toa tàu tốt hơn, dù chưa hiện đại.

Các toa tàu cũ là những toa tự hành có thể tự chạy không cần đầu máy, vì vậy dù là toa tàu cũ nhưng công nghệ lại cao cấp. Điều này cho phép tàu có thể chạy linh hoạt mà hết sức tiết kiệm. Chẳng hạn, có thể chỉ chạy với vài ba toa như ô tô điện phục vụ vài chục khách mỗi chuyến không cần phải có cả đầu máy to rất lãng phí. Nếu tổ chức tốt đường sắt có thể tăng chuyến tạo thuận lợi cho hành khách nhiều người sẽ đi tàu hơn chứ không phải mỗi ngày chỉ vài ba chuyến như hiện nay. Công nghệ của những toa tàu mới chưa có ở nước ta nên đây là dịp tốt để tìm hiểu học hỏi công nghệ mới.

Chi phí cho việc chuyên chở lẫn hoán cải không tốn kém nhiều so với những chi phí khác. Chẳng hạn chỉ mỗi việc đấu nối 3 km đường sắt ở biên giới để phù hợp với đường sắt Trung Quốc đã tốn gần 3.000 tỷ đồng. Nếu mua mới, chắc chỉ được vài toa mà chưa chắc đã có vì chẳng ai còn làm toa tàu khổ đường của ta. Việc hoán cải đã được ngành đường sắt khẳng định nằm trong tầm tay.

Để kết luận, xin nhắc lại một chuyện cũ: Trước đây, Thụy sĩ từng lặn lội sang nước ta để mua lại mấy toa tàu hỏa cũ của Pháp chạy tuyến Phan Rang – Tháp Chàm bỏ hoang hàng chục năm như một đống “sắt rỉ”. Những toa tàu này được họ sửa chữa lại làm tàu du lịch cho khách tham quan lên núi Alps với giá vé không hề rẻ. Nhân loại có hàng tỷ người, rác cũng đầy rẫy nhưng chỉ vài người có thể biến rác thành vàng.

Chiều 6/11, tại họp báo thường kỳ Chính phủ, Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, về cơ bản không đồng ý nhập 37 toa xe cũ của Nhật theo kiến nghị của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Trước đó, ngày 16/10, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) kiến nghị Chính phủ cho phép nhập 37 toa xe cũ được Nhật Bản chuyển giao miễn phí.

37 toa xe loại Kiha 40 và Kiha 48 được Nhật Bản sản xuất giai đoạn 1979-1982 do Công ty Đường sắt Đông Nhật Bản (JR East) sử dụng, hiện đã ngừng khai thác. Dù không mất tiền mua, dự án có tổng vốn đầu tư 140 tỷ đồng, trong đó 40 tỷ đồng phí vận chuyển, 80 tỷ đồng hoán cải và các chi phí khác như đăng kiểm, tư vấn, dự phòng. Tổng vốn do doanh nghiệp tự huy động.

Hải Nguyễn Văn

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *