Bỏ phố về quê, tôi không có thu nhập

Trong những năm đầu bỏ phố về vườn làm nông đến bây giờ, tôi chưa thu được đồng nào.

Khi tôi bắt đầu chia sẻ về hành trình “bỏ phố về quê” của mình, một số người bạn nhắn tin hỏi về thu nhập của tôi khi chuyển sang làm nông nghiệp. Rằng tôi thu lợi được bao nhiêu một năm? 300 triệu hay một tỷ mỗi hecta mà khiến tôi từ bỏ thành phố chấp nhận về quê làm vườn?

Tôi tin chắc có nhiều bạn cũng đang chung thắc mắc tương tự, nên nhân đây tôi cũng giãi bày. Cho đến hiện tại tôi chưa thu một đồng lợi nhuận nào từ việc làm nông nghiệp. Nói đúng hơn trong những năm đầu làm nông nghiệp tôi không có thu nhập.

Mức thu nhập của nhà nông

Tôi có quen với gia đình chú Năm. Gia đình chú ấy chỉ có hai người là lao động chính trên mảnh vườn nhà mình. Vợ chồng chú vào Nam lập nghiệp từ hai bàn tay trắng. Thời còn trẻ thì đi làm thuê cho người ta, mãi gần 40 tuổi mới tích góp đủ mua được một mảnh vườn. Sau hơn 20 năm làm việc tích góp cuối cùng mở rộng được khoảng 4 hecta vườn tược.

Mỗi ngày vợ chồng chú dành 8-12 tiếng cho khu vườn của mình. Từ tỉa cảnh, vun gốc, diệt cỏ cho đến chăm trái, vào bao, thu hoạch…chú Năm đều tự mình ra sức làm việc.

Ở cái tuổi 60, chú Năm không còn khỏe như trước, nhiều công việc nặng nhọc chú không đủ sức làm. Bao phân bón 50kg phải hai người khiêng thay vì chú tự vác như trước. Cỏ trong vườn chú cũng phải mất 4-5 ngày mới cuốc xong. Tuy chậm mà chắc, chú đều đều làm việc, không bỏ ngang.

>> Gian nan khi bỏ 2,5 tỷ đồng làm nông trại

Ngày này qua tháng khác, mảnh vườn của cô chú chưa bao giờ trống trải và dư thừa một mảng đất trống nào. Khu vườn vẫn luôn xanh tươi tốt và đa sắc màu. Nhưng không phải tháng nào cũng có sản phẩm để thu hoạch.

Trái cây chín cần đợi đúng mùa vụ. Rau trong vườn, lợn, gà trong chuồng cũng mất tầm 3-4 tháng cho một lứa. Nên khó đo lường được mức thu nhập chính xác, nhưng tính bình quân mỗi tháng gia đình chú có thể thu khoảng 5-7 triệu đồng/tháng.

Mức thu nhập khi làm nông nghiệp quy mô trang trại

Mặt khác, giả sử vẫn là mảnh vườn nhà của chú Năm, nếu chú thuê hai lao động mới, có sức khỏe tốt chăm coi vườn tược. Thời gian làm việc có ít hơn, 8 tiếng một ngày nhưng cường độ làm việc cao hơn, một lần có thể vác bao 50kg.

Xét về sức mạnh, họ hơn chú Năm. Nhưng nếu xét về hiệu quả và năng suất họ mang lại thì chưa chắc sẽ tốt hơn nhà chú Năm. Sức bền và sự kiên nhẫn của chú Năm là thứ mà những lao động trẻ không có.

Khoản tiền công để trả cho 2 nhân công ít nhất cũng là 7 – 8 triệu đồng một tháng. Như vậy dù dùng tất cả thu nhập, chú Năm cũng không đủ tiền để thuê họ. Nếu cố gắng thương thảo, lấy toàn bộ nguồn thu trả cho chi phí nhân công, chú Năm chẳng còn đồng lợi nhuận nào.

Trong khi đó, tôi làm nông nghiệp ở quy mô lớn hơn, không thể nào có việc tôi tự mình làm hết mọi việc. Tôi biết làm vườn, cũng am hiểu cơ bản kỹ thuật nông nghiệp, nhưng tôi phải dành thời gian quản lý, thương thảo đầu ra, phát triển thương hiệu,…Vì thế, tôi thuê khá nhiều lao động và kỹ sư chăm sóc vườn.

Hơn nữa tôi làm nông nghiệp sạch, trồng trọt rất tốn công mà sản lượng cung không đủ cầu. Nông phẩm rất dễ sinh bệnh, dễ chết vì không sử dụng thuốc trừ sâu hóa học và phân bón kích thích tăng trưởng. Ở giai đoạn này, cây ăn quả còn chưa ra trái, chỉ thu được rau củ và thịt gia súc, gia cầm.

Chưa nói đến vốn đầu tư xây dựng, chỉ tính riêng thu nhập sau khi chi trả tiền công cho lao động, bạn nói xem nếu tôi thu lợi được bao nhiêu?

>> Vợ chồng tôi nghỉ việc, về quê dựng Farmstay

Sử dụng nguồn lực vô hạn hay hữu hạn?

Xin lấy ví dụ trường hợp chú Năm để giải bài toán năng suất lao động:

Thứ nhất, xét về kinh nghiệm

Vợ chồng chú Năm chắc chắn rất giàu kinh nghiệm làm nông. Trải qua một quá trình dài gắn bó với nông nghiệp, chú Năm biết được với loại đất sỏi khô cằn thì nên trồng đậu, trồng lạc để cải tạo đất. Chú biết được gà ốm sẽ có biểu hiện gì và nên xử lý ra sao.

So với thuê một người làm mới thì ở phương diện này kinh nghiệp của chú Năm vượt trội hơn hẳn.

Thứ hai, xét về năng suất lao động

Chú Năm làm việc là cho gia đình, làm việc tâm huyết và không quản nắng mưa. Tính về năng suất chú Năm làm việc với 100% khả năng, cộng với khoảng thời gian hơn 12 tiếng một ngày. Chưa kể, chú Năm còn vừa là chủ mảnh vườn, hết việc đồng áng, chăm coi vườn, còn phải lo nghĩ về năng suất vườn tược, ngày mai bán gì, ngày mốt trồng gì.

Còn đối với người công nhân kia, họ vẫn làm việc nhưng cùng lắm cũng chỉ đến 70 – 80% sức lao động của họ. Hết ngày họ cũng không còn bận tâm đến công việc, cũng không lo lắng hay tìm hiểu gì nhiều nếu cây đột nhiên khô héo, sẽ không để tâm lắm rằng tại sao hôm nay con lợn lại bỏ ăn.

Bạn có thể hình dung bài toán như thế này, lấy số lao động nhân với số giờ làm việc nhân với phần trăm sức lao động thực tế. Ta sẽ có kết quả: Năng suất gia đình chú Năm = 2 người x 12 tiếng x 100% năng suất lao động =24.

Năng suất của 2 lao động thuế ngoài = 2người x 8 tiếng x 80% năng suất lao động =12,8.

Như vậy tính ra gia đình chú Năm làm việc với năng suất gần gấp 2 lần lao động thuê ngoài, tức là gần bằng 4 nhân công. Tương đương mức thu nhập làm thuê của chú Năm là gần 32 triệu đồng 1 tháng. Nhưng như đã nói từ đầu, thu nhập thực sự chú Năm thu được từ việc làm nông chỉ là 5-7 triệu đồng 1 tháng.

Thứ ba, xét về thời gian.

Chú Năm vẫn luôn đồng hành với mảnh vườn nhà của mình mỗi ngày, từ năm này qua năm khác. Và do đó chú trở nên quen thuộc và hiểu rõ khu vườn của mình.

Đối với việc thuê lao động, sẽ có người gắn bó dài lâu, có người chỉ làm thời vụ, nhưng không ai gắn bó cả đời. Và mỗi lần thuê mới lại tốn thêm một chi phí để đào tạo.

Chú Năm là điển hình của nguồn lực vô hạn, còn người làm thuê là đại diện cho nguồn lực hữu hạn. Sử dụng như thế nào để đạt được năng suất và mang lại lợi nhuận tối ưu là một bài toán rất khó.

>> Hai lần ‘bỏ phố về quê’

Còn bạn đã biết làm vườn chưa? Chăm cây như thế nào? Bị bệnh thì trị ra sao? Bạn có chấp nhận một ngày 12 tiếng bán mặt cho đất, bán lưng cho trời để cày cuốc, vun xới từng luống rau, gốc cây? Còn nói thuê người làm, bạn có chi phí không? Có kiến thức quản trị để đánh giá họ làm tốt hay không?

Khi chấp nhận sử dụng nguồn lực hữu hạn, mức lợi nhuận của bạn sẽ phải khấu trừ thêm khoản tiền công. Thu nhập nông nghiệp vốn đã ít sẽ càng ít hơn.

Nếu bạn lựa chọn bỏ phố về quê làm nông nghiệp phải chấp nhận luôn rằng làm nông nghiệp là một quá trình dài hơi. Đừng mong chờ rằng về vườn để kiếm thu nhập 300 triệu một năm, có được khoản thu đủ trả cho nhân công đã là phần lời rồi. Đặc biệt nếu đầu tư cây ăn quả bạn có thể có doanh thu 300 – 500 triệu một năm, nhưng nó là câu chuyện của 3-4 năm sau khi cây lớn cho quả.

Nếu chỉ muốn đầu tư nhanh chóng cho rau màu thì thật sự chỉ có rau ăn mà thu nhập không đáng tính. Còn muốn kiếm tiền tỷ cho một hecta đất, cũng có khó gì, giá trị bất động sản sẽ giúp bạn thực hiện.

Tommy Lê

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *