Bốn cách tối giản cuộc sống của tôi

Tôi từng sống ở Philippines nửa năm với số đồ đạc bỏ vừa một chiếc vali cỡ trung.

Đa số đồ đạc của tôi chủ yếu là quần áo, một số đồ mỹ phẩm và một cái laptop. Trong thời gian sống ở đó, tôi mua đúng một cái áo thun và vài ba món đồ chăm sóc cơ thể. Cảm giác sống ở nước ngoài tối giản hết mức, mua đồ vừa phải để đến lúc rời đi không vướng bận gì cả khiến tôi cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều.

Thế mà một anh bạn người Đài Loan còn chê đồ đạc của tôi nhiều. (Cậu ta sống ở đấy hai tháng, chỉ đem 7-10 kg hành lý xách tay gì thôi, bao gồm cả laptop). Tôi mới phân trần “Mình ở đấy 6 tháng thì tất nhiên hành lý phải nhiều hơn cậu rồi”.

Anh ta bảo: “Dù cậu có ở sáu tháng hay một tuần thì cũng như nhau cả thôi. Bởi vì mỗi ngày qua đi là một ngày mới, không ai sống hai ngày một lúc cả”. Nghe anh ấy nói tôi mới ngớ người ra vì nói đúng quá.

Thật ra mỗi người có quan điểm về sống tối giản khác nhau. Cách đây vài năm khi lần đầu đọc cuốn sách “Lối sống tối giản của người Nhật” (lúc đó lối sống này chưa được phổ biến ở Việt Nam), tôi đã vô cùng phấn khích vì nó hay quá bèn chia sẻ cho bạn bè.

>> Tôi xây dựng công ty triệu đô trong 7 năm

Vài đứa bạn nghe qua từ “sống tối giản’’ thôi đã cho rằng thời đại này sao lại sống kham khổ chi mệt vậy. Thật ra lối sống tối giản không chỉ là vứt bỏ đồ đạc, mà nó còn hàm chứa nhiều ý nghĩa. Mà cốt lõi của lối sống này chính là “Ưu tiên thời gian cho những điều khiến bản thân vui vể và thấy ý nghĩa”.

Áp dụng lối sống tối giản trong cuộc sống

Sau vài năm tập luyện lối sống tối giản, tôi đã có tâm lý vứt bỏ khá nhiều đồ đạc không cần thiết và áp dụng với rất nhiều lĩnh vực trong cuộc sống. Đây là một số kinh nghiệm trong lối sống tối giản của tôi:

1. Quần áo

Đối với nữ giới, việc tối giản tủ quần áo phức tạp hơn nam giới nhiều. Vậy tối giản tủ quần áo cho nữ giới như thế nào?

Hãy vứt hết quần áo mà bạn không mặc trong suốt một năm trời. Lý do bạn không mặc có thể là nó không vừa, kiểu dáng lỗi mốt, màu sắc không hợp hay chỉ đơn giản là bạn không thích nó. Đừng cố gắng mặc chúng khi bạn không thích. Vâng chỉ đơn giản là không thích thôi chứ không vì lý do gì cả.

Quần áo nào bạn còn phân vân có nên vứt không thì hãy bỏ vào một cái thùng và cất vào một góc nào đấy. Nếu sau này bạn chẳng buồn đụng đến chúng thì bạn hiểu rồi đấy. Cả những trang phục khi mua về bạn không vừa ý thì một là đem đổi trả, còn không được thì cũng đem vứt nó đi. Đừng vì cảm giác hối tiếc mà giữ chúng lại. Nó sẽ khiến bạn day dứt cả quãng đời còn lại đấy.

Với những trang phục còn mới chỉ mặc vài lần, tôi thường đem cho bạn bè, người thân hoặc bạn có thể đem quyên góp ở những “cửa hàng quần áo 0 đồng” , cũ người mới ta mà.

Sau khi vứt quần áo thì làm gì? Tất nhiên là phải nghiền ngẫm lại tại sao bạn vứt chúng, đặc biệt là những bộ quần áo mới mua về mà chỉ mặc một hai lần rồi thôi; để lần sau rút kinh nghiệm không mua những món đồ như vậy nữa. Bạn nên có một cuốn sổ tay ghi lại những lý do đấy. Nếu không lần sau đi mua đồ bạn sẽ mắc phải tình trạng tương tự.

Mua quần áo: Việc ăn mặc như thế nào cho đẹp và tối giản là một kỹ năng cực kỳ cần thiết mà phái nữ nhất định phải học hỏi để tránh tình trạng mua về không hợp lại vứt.

Đối với tôi, việc tối giản tủ quần áo không quan trọng bằng việc tủ quần áo đó hợp với bạn về màu sắc kiểu dáng và không có món nào là dư thừa hay thiếu thốn cả. Nhiều bạn cho rằng muốn tủ quần áo tối giản thì nên mặc kiểu này kiểu kia, hoặc mặc màu trắng, đen, ghi… Nhưng nếu như da bạn không hợp với kiểu dáng đó hoặc màu sắc đó thì cũng bằng không. Vậy nên hãy hiểu cơ thể bạn trước khi mua bất cứ trang phục nào. Và dù cơ thể bạn như thế nào thì cũng phải có những phụ kiện cơ bản để có thể thay đổi hoặc biến hóa vào nhiều dịp khác.

Ví dụ khi bạn mua đầm dự tiệc, đám cưới, hãy nghĩ xem bạn có thể mặc chúng để đi chơi hoặc đi làm hay không. Chỉ bằng cách khoác thêm một chiếc blazer hoặc thay đổi phụ kiện, giày dép, bộ trang phục đó sẽ khác. Hãy cố gắng mua trang phục nào có thể diện ở nhiều dịp khác nhau.

2. Quà lưu niệm

Không mua quà lưu niệm khi đi du lịch, nếu cần mua quà thì nên mua thực phẩm hoặc vật dụng hữu ích cho người nhận chứ không chỉ có tính năng là trang trí không.

3. Mỹ phẩm

Tối giản đồ mỹ phẩm chăm sóc cơ thể. Hãy xem xét lại chu trình dưỡng da của bản thân, bạn sẽ nhận ra bạn chẳng cần xài nhiều đến thế.

4. Đồ kỷ niệm, sách, quà tặng

Nếu chúng đem lại cảm giác hạnh phúc cho bạn thì hãy giữ lại, nếu không hãy vứt đi hoặc cho người khác. Những cảm xúc với chúng hãy giữ lại trong tim bạn thôi.

Tối giản các mối quan hệ trên mạng xã hội

Dạo gần đây tôi nhận ra số lượng bạn bè của mình quá nhiều. Hằng ngày newsfeed hiện ra hằng hà các status của những người mình không thân. Kết bạn với một người trên Facebook cũng giống như việc bạn đi kè kè người ta ở ngoài đời thực. Bạn có nhất thiết phải biết tường tận mọi hoạt động của người nào đó giả dụ như người ta đi uống nước ở đâu, gặp gỡ ai, đi du lịch chỗ nào, vợ chồng/ người yêu của người ta đẹp trai xinh gái không?

>>‘Làm công ty lớn, sự nghiệp chỉ có thể phát triển theo chiều dọc’

Vậy nên tôi đã quyết định unfollow rất nhiều người. Friendlist vài ngàn người thì giờ chỉ còn 100-200 người thôi. Đó là gia đình, những người bạn thân thiết, các mối quan hệ trong công việc và những người có những chia sẻ tích cực ảnh hưởng nhiều.

Từ thời điểm bạn unfollow một người nào đó, bạn đã ấn nút loại bỏ họ khỏi những mối bận tâm của bản thân. Điều đó không có nghĩa là bạn không còn liên hệ với họ ở đời thực. Tôi không thường có thói quen comment status của ai đó, thay vào đó sẽ nhắn tin. Việc giữ thói quen nhắn tin hỏi thăm ai đó sẽ tốt hơn nhiều so với một cái comment bâng quơ.

Hãy unfollow những người bạn độc hại hoặc những người bạn mà bạn thấy không cần thiết phải theo dõi. Unfollow những page và group không liên quan đến lĩnh vực phát triển của bản thân.

Lợi ích của việc tối giản các mối quan hệ trên mạng xã hội đó chính là tập trung vào việc phát triển bản thân hơn là đi so sánh bản thân với người khác. Nó còn giúp bạn không bị phân tán sự tập trung khi tham gia mạng xã hội.

Tối giản trong việc tạo thói quen và phát triển bản thân

Bạn có bao giờ bị choáng ngợp trong một đống khóa học, một đống phương pháp học Tiếng Anh, các phương pháp giảm cân, tập thể dục không? Trong thời đại kỷ nguyên số như hiện nay thì việc tiếp cận với kiến thức dường như dễ hơn bao giờ hết. Tưởng chừng như nó sẽ rất hữu ích cho người học nhưng nó lại đem đến một hệ lụy khôn lường.

Theo như quyển sách “Nghịch lý của sự lựa chọn” thì khi con người gặp quá nhiều sự lựa chọn, não bộ sẽ chọn việc dễ dàng nhất là không làm gì cả. Trong một cửa hàng có bán quá nhiều kiểu điện thoại người mua không biết lựa cái nào vì tâm lý sợ chọn cái này không tốt bằng cái kia. Đó là lý do tại sao iPhone có khá ít mẫu mã.

Tôi từng tải về máy tính vài GB tài liệu học tiếng Anh, thấy chỗ này bảo sách này hay, tài liệu này tốt, tôi đều tải về tất tần tật không sót một thứ nào. Tôi cũng từng mua một đống sách hay theo như nhận xét của nhiều người. Và cuối cùng các bạn biết rồi đấy, tôi không biết phải bắt đầu từ đâu và kết cục là không làm gì cả cho khỏe.

Vậy tối giản trong việc học hỏi là như thế nào? Bắt đầu đơn giản và tạo thành thói quen.

1. Nếu muốn học tiếng Anh: Đừng đi sưu tầm sách hay tài liệu, hãy bắt đầu học từ những thứ đơn giản nhất mà bạn thích. Xem phim, nghe nhạc, coi youtube, đọc báo tiếng Anh, tập nói/chat bằng tiếng Anh hằng ngày với bạn bè.

2. Nếu muốn tập thể dục: Đừng lên mạng tìm kiếm phương pháp tập luyện hiệu quả, bạn sẽ ngập tràn trong các bài tập như yoga, aerbonic, HIIT, chạy bộ… Hãy bắt đầu bằng cách thay vì đi thang máy hãy đi thang bộ, thay vì đến phòng gym hãy đi dạo quanh nhà bạn, thay vì đến trung tâm tập yoga, hãy mở bất cứ bài tập yoga nào bạn tìm thấy trên Youtube và tập theo.

3. Nếu muốn giảm cân: Đừng lên mạng tìm các phương pháp giảm cân rồi suy nghĩ nên ăn kiểu lowcab hay no cab, hay chỉ ăn thịt… mà hãy thay đổi từ chính thói quen hàng ngày: Không ăn đồ ngọt, đồ chế biến, ăn nhiều rau xanh trái cây, uống nhiều nước… Đối với tôi thay vì giảm cân thì chế độ ăn uống phù hợp tốt hơn nhiều.

>> Cùng tác giả: Nghỉ việc tuổi 26, khởi nghiệp tuổi 27, thất bại tuổi 28

Hãy nhớ bắt đầu đơn giản thôi và tạo thành thói quen. Sau một thời gian bạn sẽ biết bản thân cần gì và muốn thay đổi như thế nào để cải thiện thêm. Đối với tôi, việc tạo thành thói quen hàng ngày còn quan trọng hơn cả việc thực hiện đúng phương pháp.

Tối giản trong công việc, kinh doanh

Thay vì bỏ đống tiền ra học những khóa học dạy làm giàu trên mạng, hãy thực sự bắt tay vào làm và nhận ra những thiếu sót của bản thân. Tất nhiên nếu có người giỏi giang chỉ bảo thì quá tốt rồi, nhưng nếu bạn đang ngập ngụa trong một đống chia sẻ trên mạng và không biết làm thế nào thì sao?

Trong công việc: Hãy tối giản những thứ không cần thiết và tập trung vào những bước quan trọng để tăng thu nhập và phát triển kỹ năng. Ví dụ hồi xưa tôi đi làm, ngoài lương cứng hàng tháng còn nhận được tiền thưởng doanh số. Vì vậy tôi tập trung vào việc chăm sóc, tư vấn khách hàng hơn là những công việc giấy tờ linh tinh khác.

Bằng cách tối giản những bước không cần thiết mình có thể tăng thu nhập và phát triển thêm kỹ năng bán hàng của bản thân. Tuy nhiên tùy thuộc vào mỗi công việc mà sẽ có những ưu tiên khác nhau. Chỉ cần nhớ tập trung thời gian vào những công việc tăng thu nhập, hạn chế bỏ công sức và tâm trí cho những việc linh tinh, chuyện thị phi…

Trong kinh doanh: Tại sao có quá nhiều tiền khi kinh doanh lại là điều không tốt? Nhiều doanh nghiệp “rầm rộ khai trương, ra đi lặng lẽ” vì không tính toán chi phí cụ thể và đầu tư quá nhiều tiền. Nếu muốn bắt đầu kinh doanh, hãy bắt đầu nhỏ.

– Thay vì mở cửa hàng, hãy bán online trước.

– Thay vì thuê nhân viên, bản thân hãy tự thân vận động.

– Ban đầu nếu chưa có nhiều khách hàng hãy tự thiết kế logo, website, design hình ảnh…

– Thay vì thuê văn phòng mặt tiền đường, hãy thuê văn phòng chia sẻ.

– Thay vì chạy quảng cáo, hãy tự tìm kiếm khách hàng trước.

Tối giản những chi phí không cần thiết không những giúp bạn sống sót qua giai đoạn đầu khó khăn mà còn giúp bản thân nhận ra những thứ cần phải cải thiện và học hỏi thêm nhiều kiến thức hay ho.

Vậy đó, lối sống tối giản có thể áp dụng vào rất nhiều lĩnh vực trong cuộc sống. Một lần nữa sống tối giản không chỉ là vứt bỏ đồ đạc, mà là tập trung thời gian vào những thứ đem lại lợi ích cho bản thân.

Quyên Huỳnh

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Kiếm tiền để làm gì nếu gia đình phải o ép sống tối giản?

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *