Bước ngoặt của giáo dục trước mỗi mùa thi

Học sinh thi tuyển lớp 10 tại Hà Nội sẽ đăng ký nguyện vọng theo nơi cư trú.

Quyết định trên nhận được sự đồng thuận từ tiến sĩ tâm lý, thạc sĩ giáo dục và nhiều chuyên gia khác. Theo các chuyên gia, giờ đây học sinh giỏi sẽ được phân bổ đồng đều cho mọi khu vực, giúp nâng cao chất lượng giáo dục.

Tuy nhiên, không ai lại lường trước được việc thành phố sắp tiến hành xóa bỏ sổ hộ khẩu. Nếu vậy, mọi công sức thí điểm sẽ bị đổ bể và gây sự thiệt thòi cho học sinh.

Tất nhiên có thể giải quyết vấn đề bằng công nghệ. Mỗi học sinh chỉ cần đăng kí địa chỉ nơi ở là đủ để đi thi. Máy học AI sẽ tính thuật toán chọn thí sinh có điểm và nơi ở tối ưu sao cho mỗi trường sẽ có đa dạng các loại học lực và thuận tiện cho học sinh đi lại. Như vậy, học sinh chỉ cần thi, mọi thứ khác đều đã có trọng tài lo.

Nhưng, đây có phải là tương lai mà ta muốn hướng tới không? Khi bàn về môi trường học, các chuyên gia cho rằng nó không quan trọng. Nếu bạn giỏi thì ở môi trường nào bạn cũng giỏi.

Vậy học sinh đến trường để làm gì? Tôi chưa thấy các chuyên gia cho con mình tự đọc sách ở nhà để mà giỏi cả. Suy cho cùng, ở nhà là môi trường tiện nghi, lý tưởng nhất, khó gì là có thể nhắn hỏi thầy, hỏi mẹ. Khi chính những chuyên gia còn chưa đủ tự tin là con mình đủ giỏi để đặt đâu cũng được thì sao có thể cho rằng con em ai cũng giỏi như mình nghĩ.

>> ‘Học sinh giỏi mất cơ hội trường top đầu vì hộ khẩu’

Hồi xưa đi học, tôi cũng cho rằng việc cố chạy vào trường nào đó là thiếu cấp tiến. Vậy nên tôi chọn trường cấp 3 gần nhà và tin rằng ai cũng như mình.

Nhưng rồi tôi ngã ngửa khi biết bạn cùng lớp tôi nhà ở khá xa: ‘Tại sao nhà cậu ở tận bán đảo Linh Đàm mà lên Kim Liên, nép mình trong ngõ hẻm học làm gì. Trường mình vừa chật hẹp vừa cũ kĩ, thầy cô cũng chỉ dạy nội dung như mọi nơi khác thôi mà”. Cậu bạn bảo: “Phở nào mà chẳng có thịt bò, tại sao người ta lại đi ăn xa để làm gì? Ngon thì ở đâu thì cũng là ngon thôi mà”.

Nhờ cậu mà tôi mới ngộ ra rằng không phải ai cũng như mình. Trường học cũng vậy. Học sinh chọn trường không hẳn chỉ vì số đông. Học sinh chọn vào vì nhiều lí do: vị trí tốt, trường nhiều hoạt động, câu lạc bộ, thầy cô dễ tính, học sinh cá tính, môi trường lành mạnh…

Không có câu trả lời nào là đúng cả vì mỗi cá nhân đều có những lý do riêng của mình, và ta cần tôn trọng sự khác biệt đó. Vậy tại sao nơi này nhiều người ghé, nơi kia vắng người qua?

Thay vì tìm hiểu xem tại sao họ đắt khách hơn thì ta lại đem phân chia số khách, tin rằng làm vậy thì chất lượng sẽ tăng đồng đều. Nhưng có một câu hỏi hay hơn ta có thể hỏi: Làm thế nào ta có thể làm tốt chỗ chưa hay và làm hay hơn nữa chỗ đã tốt?

Một mùa thi căng thẳng lại sắp đến, tôi mong rằng các nhà làm giáo dục không tạo thêm nữa những khó khăn cho phụ huynh và học sinh. Khi công nghệ 5.0 đến, tôi cũng mong rằng chúng ta sẽ cất nó đi để dành nhiều việc có ích khác. Không nên để AI quyết định thay ai cả, mà hãy để chính các em học sinh tự quyết định tương lai của mình.

Minh Tuấn

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *