Bước qua tuổi thanh xuân ‘địa ngục’

Mẹ mất vì ung thư, bố bị nhiễm khuẩn máu, thủng van tim, xuất huyết não… Trượt học bổng, tôi như từ thiên đường rơi xuống địa ngục.

Năm 19 tuổi, tôi tưởng mình đã có tất cả mọi thứ trong tay: gia đình đầy đủ, là sinh viên xuất sắc của một trường top đầu với cơ hội được nhận học bổng ở nước ngoài, có mối tình đầu với anh người yêu “hot boy”, và một nhóm bạn “hợp cạ”. Thế rồi, mẹ tôi bất ngờ phát hiện bị ung thư giai đoạn cuối và mất sau đó chỉ khoảng sáu tháng.

Trong suốt quãng thời gian ấy, tôi như từ thiên đường rơi xuống địa ngục: mẹ mất, học hành sa sút, trượt học bổng nên tôi phải ở lại trong nước, trong khi bạn bè đều đi du học và mối tình đầu của tôi cũng tan vỡ. Cảm giác bất lực đến tuyệt vọng khi tôi nhìn mọi thứ dần tuột khỏi tay mình, đến giờ chúng vẫn làm tôi khó thở mỗi khi nghĩ lại.

Nói thật, tôi chẳng nhớ rõ là mình đã đi qua những ngày tháng đen tối ấy bằng cách nào? Chỉ biết rằng tôi đã lao đầu vào làm thêm và học hành để quên đi tất cả. Hầu như tối nào tôi cũng đi dạy thêm để có tiền trang trải học phí. Ấn tượng sâu nhất về quãng thời gian ấy là cái lạnh tê buốt của những đêm mưa mùa đông Hà Nội, khi tôi một mình lầm lũi dầm mưa đạp xe về ký túc xá sau những buổi dạy. Mưa buốt như kim chích vào mặt mũi, tay chân, tê cứng mọi giác quan và cảm xúc của tôi. Nhưng chắc những cơn mưa ấy cũng làm tôi dần tỉnh táo hơn để nhận ra rằng mình vẫn còn một chặng đường rất dài phải đi tiếp phía trước.

Rồi tôi cũng ra được trường, tìm được việc, bắt đầu kiếm tiền giúp bố nuôi em. Những tưởng mọi thứ bắt đầu tươi sáng hơn thì tai họa lại một lần nữa ập đến. Bố tôi phát hiện bị nhiễm khuẩn máu (loại khuẩn kháng thuốc), thủng van tim và xuất huyết não. Trong vòng ba tháng, bố phải lên bàn mổ hai lần: lần đầu mổ kẹp lại mạch máu não bị vỡ, lần hai mổ thay một van tim nhân tạo và vá hai van khác bị thủng. Kẹp giữa hai lần ấy là khoảng thời gian tìm và điều trị khuẩn kháng thuốc. Vì thế nên bác sĩ đều báo tôi phải chuẩn bị tinh thần cho trường hợp xấu nhất, cả hai ca mổ đều là mổ cấp cứu và tỷ lệ thành công chỉ là 50%.

>> Hơn 10 năm làm việc cật lực vẫn không thoát nghèo

Chi phí điều trị, đi lại, thuốc men… tính sơ sơ cũng lên đến gần 300 triệu đồng (đấy là bố tôi còn có bảo hiểm rồi), trong khi lương của tôi lúc ấy chưa đầy bảy triệu. Tệ hơn nữa là em tôi lại gây chuyện trong lúc này. Vậy là tôi vừa phải lo chữa trị cho bố, vừa phải nghĩ cách giải quyết vấn đề của đứa em. Tôi phải chạy đi lo vay mượn tiền bạc, nhờ họ hàng giúp đỡ, trong khi vừa phải đi làm để có thêm tiền trang trải cuộc sống.

May mắn thay, tôi có những người thân họ hàng rất tốt, sẵn sàng cho tôi vay tiền, dù thực sự tôi cũng chưa biết khi nào mình mới có thể trả hết nợ cho họ? Và điều kỳ diệu đã đến, bố tôi qua khỏi cơn bạo bệnh, dù sau đó tôi đã phải nhận thêm nhiều việc và làm cật lực suốt năm năm để có tiền trả nợ và trợ cấp cho bố trong lúc chờ đủ chế độ nhận lương hưu (bố tôi là công nhân nên sau khi khỏi bệnh thì không thể tiếp tục làm việc được nữa).

Vậy nên, nếu hiện giờ, các bạn đang cảm thấy rất tuyệt vọng với những thứ xảy đến với cuộc sống của mình. Với kinh nghiệm của bản thân, tôi nghĩ rằng, các bạn có thể ăn một món thật ngon mà mình thích, ngủ một giấc thật sâu, rồi bình tĩnh sắp xếp lại mọi chuyện, giải quyết từng khó khăn một. Hãy tin rằng, ngày mai trời sẽ sáng, thời gian sẽ là phương thuốc tuyệt vời nhất để chữa lành mọi vết thương.

Giờ đây, tôi đang viết những dòng này ở một nơi rất xa, sau khi đã hoàn thành giấc mơ dang dở thời sinh viên của mình. Tôi đã đi một chặng đường dài hơn rất nhiều lần so với các bạn bè đồng trang lứa. Nhưng quan trọng nhất là cuối cùng tôi cũng đã đến được cái đích mà mình mong muốn. Và tôi tin các bạn cũng sẽ làm được điều đó. Vì thế, hãy ngẩng đầu lên và bước tiếp nào.

Aki Nguyen

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *