Cải cách ngược khiến giáo dục lệch hướng

Ngày trước tôi đi học, học sinh lớp 1 chỉ cần biết đánh vần, phát âm, đếm số, thời gian trống sẽ học văn – thể – mỹ.

Ngày tôi đi học lớp 1, cả hành trang trong cặp chỉ có hai quyển sách cũ đã qua tay không biết bao nhiêu thế hệ và vài cây bút chì, một cái bảng đen nhỏ. Hai quyển sách ấy là là quyển Đánh vần và Làm Toán. Tập vở chỉ có một cuốn duy nhất để luyện viết chữ, bao gồm 10 dấu hiệu của con số thập phân từ 0 đến 9.

Trong sách Đánh vần, bài học đầu tiên là chữ cái, cách phân biệt nguyên âm – phụ âm. Trong nguyên âm, phụ âm có âm đơn và âm đôi. Tiếp theo là năm dấu (sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng). Tiếp đó là quy tắc đánh vần, ghép nguyên âm vào phụ âm cuối, rồi ghép phụ âm đầu (ví dụ: ư a ưa nhờ ưa nhưa nặng nhựa). “Ưa” chính là nguyên âm đôi và “nh” là phụ âm đôi. Học sinh lớp 1 chỉ cần biết quy tắc đánh vần và phát âm chuẩn, chứ không quan tâm “ưa”, “nhưa”, hay “nhựa” có nghĩa gì? Đó là chuyện của sinh viên khoa ngữ văn đòi hỏi phải biết phân tích ngữ âm để dạy tiếng Việt cho người nước ngoài. Bây giờ, người ta đòi học sinh lớp 1 phải biết phân tích ngữ âm như sinh viên đại học.

Trong sách Làm Toán, học sinh bắt đầu học từ các ký hiệu toán học, ký hiệu số và ký hiệu dấu (cộng, trừ, dấu bằng…). Sau khi nhận biết hết, giáo viên mới dạy đếm số, rồi phép tính cộng, trừ. Giáo viên đưa ra bốn ngón tay, hỏi học sinh có mấy ngón? Các em trả lời sau đó tập viết số, đại loại như vậy. Bài tập về nhà là viết chữ cái và các con số trong đó quy định chặt chẽ là phải viết dựa vào một ô vuông có bốn ly ngang trong tập học sinh. Đó là toàn bộ chương trình lớp 1.

Với học sinh không học trước chương trình, tối đa một học kỳ là hoàn tất. Thời gian trống, cô giáo dạy được rất nhiều thứ khác như văn – thể – mỹ hay quy định học đường. Ví dụ, phải có mặt ở trường lúc mấy giờ; ra về lúc mấy giờ; xếp hàng vào lớp và ra về như thế nào; vị trí trong hàng của mình ra sao với bạn nào đứng trước và sau mình; ra chơi đi uống nước, đi vệ sinh ở đâu; làm quen lẫn nhau giữa các học sinh… Đó là thời bao cấp. Ngoài học văn hóa ra học sinh không có chuyện gì khác để làm.

>> Cải cách sách giáo khoa – ‘bê kiến thức lớp trên xuống lớp dưới’

Rồi người ta cải cách giáo dục. Các nhà cải cách nhanh chóng nhận ra thời lượng trống cực lớn trong chương trình lớp 1. Họ điền vào chỗ trống bằng vô số hoạt động phân tích ngữ âm, vô số bài tập về nhà, khiến cho học sinh không tiếp thu kịp và phụ huynh phải cùng “đánh vật” học hành với con em mình. Tôi tự hỏi, sao chúng ta thay bằng các hoạt động ngoại khóa, văn – thể – mỹ? Những người có học hàm Giáo sư, học vị Tiến sĩ dường như vẫn theo lối mòn cũ, không có một sự sáng tạo bứt phá nào.

Nhìn ra nước ngoài, các nước phương Tây chủ yếu dạy văn – thể – mỹ, các môn văn hóa được rút gọn ngày càng đơn giản hơn. Còn ta ngược lại, các môn văn hóa ngày càng nặng hơn trong khi thời gian ngoại khóa không được đẩy mạnh. Có người từng nói chương trình lớp 7 của Việt Nam tương đương chương trình lớp 9 của Trung Quốc. Trong khi thực tế đây là một quốc gia có nền khoa học công nghệ phát triển rất mạnh mà học sinh của họ còn không học nặng bằng ta. Học nặng như vậy nhưng khoa học công nghệ nước ta có phát triển bằng họ không?

Chúng ta học nặng chủ yếu để đào tạo ra “học sinh chuyên”. Hàng chục thế hệ học sinh chuyên nhưng số lượng nhà khoa học xuất phát từ những học sinh này chiếm tỷ lệ không tương xứng. Lý do đơn giản là ta có phổ thông chuyên nhưng không có đại học chuyên, không có những phòng thí nghiệm, xưởng thực nghiệm trị giá hàng chục triệu đôla, không có những dự án khoa học lớn nhiều người hợp tác nghiên cứu với kinh phí tài trợ hàng trăm triệu đôla.

Giáo sư, Tiến sĩ của họ lên giảng đường, chỉ 20 phút là giảng xong, thời gian còn lại dùng để trả lời câu hỏi thắc mắc của sinh viên. Nếu không ai hỏi gì, họ bước ra khỏi lớp không cần chờ hết giờ. Vì họ rất bận, cứ hai năm, họ lại phải công bố một công trình nghiên cứu khoa học trên tạp chí khoa học quốc tế thì bằng cấp mới có giá trị, mới giữ được chỗ làm trong trường đại học. Còn ta, học hàm, học vị cao chỉ để không.

>> Cải cách giáo dục – ‘thừa chiều sâu, thiếu độ rộng’

Trong thực tế, người ta đặt hàng công ty để làm ra sản phẩm. Nhưng nếu công ty không có tài chính để nuôi đội ngũ R&D thì họ sẽ đặt hàng cho trường đại học nghiên cứu phát triển sản phẩm. Từ đó, thành tựu khoa học là động lực phát triển kinh tế. Chúng ta loay hoay cải cách tới lui nhưng không nhằm mục tiêu phát triển nghiên cứu khoa học thì học để làm gì?

Ngày xưa, ba năm chuyên ngành của chúng tôi phải học rất nhiều chuyên ngành hẹp, mục đích là để ra trường có khả năng xin việc rộng. Được tuyển dụng vào công ty, bạn chỉ có thể ứng dụng kiến thức của vài chuyên ngành hẹp trong rất nhiều chuyên ngành hẹp đã học. Tức là, học nhiều ra đi làm áp dụng chẳng bao nhiêu. Ví dụ, bác sĩ đa khoa học bảy năm, cái gì cũng biết, khả năng xin việc rộng, nhưng muốn đứng chữa bệnh được phải học thêm bốn năm chuyên khoa 1 (chỉ học một chuyên ngành hẹp duy nhất).

Phương Tây thường đào tạo chuyên ngành hẹp vì họ có chuyên môn hóa cao, bằng nào nghề đó. Còn ta, học rộng còn không xin được việc làm, chưa nói đến làm trái ngành, trái nghề thì sao có chuyên môn hóa? Không có chuyên môn hóa thì không có nghiên cứu sâu, làm sao khoa học phát triển? Giáo dục của Việt Nam đang có phần bị mất phương hướng, thiếu mục tiêu rõ ràng, cụ thể.

Hậu quả, chúng ta xuất khẩu rất nhiều và nhập khẩu cũng không kém, nền kinh tế hoàn toàn dựa vào xuất nhập khẩu. Dịch Covid-19, những nước giàu lao đao, chúng ta không ai đặt hàng thì xuất đi đâu? Không có xuất, lấy tiền đâu để nhập? Cuối cùng, chúng ta có một chiến lược phát triển cực kỳ mâu thuẫn, đối nghịch nhau. Một là lao động giá rẻ và hai là xây dựng nền công nghệ kỹ thuật cao. Chưa nói khoa học của ta có đào tạo ra được nhân lực kỹ thuật cao hay không, chỉ hỏi nhân lực kỹ thuật cao có chấp nhận đồng lương rẻ mạt không trước đã?

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Lâm

Bón thúc trẻ lớp 1 bằng những cuốn sách giáo khoa khô khan

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *