Cần làm gì để tránh gặp thị phi khi đi từ thiện miền Trung?

Xuất phát từ tấm lòng thiện nguyện nhưng hành động đơn phương và thiếu kỹ năng quản lý có thể khiến nhiều mạnh thường quân gặp chuyện thị phi.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hường đang công tác tại Học viện Hành chính Quốc gia, chia sẻ bài viết về các quỹ thiện nguyện:

Phát triển cộng đồng là một tiến trình có sự tham gia của người dân, và họ chứ không phải ai khác, đóng vai trò quan trọng, quyết định các vấn đề của chính họ.

Liên Hợp Quốc đã xác định sự phát triển của cộng đồng là “quá trình mà nỗ lực của chính bản thân nhân dân” được kết hợp với chính quyền để “cải thiện điều kiện kinh tế, xã hội và văn hoá của cộng đồng,” để hội nhập “những cộng đồng này vào cuộc sống của dân tộc” và “giúp họ đóng góp đầy đủ cho tiến bộ quốc gia”.

Mục tiêu của phát triển cộng đồng là thu hút sự tham gia của các cá nhân vào các tổ chức, các cộng đồng xã hội nhằm chia sẻ, giải quyết các vấn đề xã hội. Theo đó, khi tham gia vào các cộng đồng, mỗi cá nhân sẽ góp phần củng cố sự gắn kết trong cộng đồng; xây dựng mạng lưới xã hội; thiết lập tổ chức của chính mình; tạo ra năng lực dài hạn cho giải quyết vấn đề.

>> Từ thiện dài hạn

Đưa ra một số nội dung lý thuyết về phát triển cộng đồng như trên, tôi muốn góp thêm một ý kiến về câu chuyện từ thiện của ca sĩ Thuỷ Tiên và nhiều người khác đang gây tranh cãi trên các diễn đàn mạng.

Một thực tế là, khi nghe, nhìn và cảm nhận những nỗi bất hạnh, những khó khăn và các vấn nạn mà người dân miền Trung phải đối mặt, gần như tất cả những người dân Việt Nam đều thức dậy nghĩa đồng bào. niềm trắc ẩn, tấm lòng nhân hậu, yêu thương.

Đó là một thức cảm mang tính phản xạ của một cộng đồng dân tộc vốn thượng tôn sự sẻ chia, trách nhiệm cộng đồng. Với một số cá nhân, điều kiện và sự ảnh hưởng của họ lớn hơn, họ sẽ có cách thể hiện tình cảm và sự quan tâm nổi trội hơn, thu hút sự chú mục của cộng đồng hơn.

Nhất là khi các cá nhân đó có những hành động đúng lúc, đúng chỗ, lăn xả và thậm chí hy sinh, thì sự ghi nhận của cộng đồng xã hội càng lớn. Ca sĩ Thuỷ Tiên là một trong những người như thế.

Và sở dĩ cô ca sĩ này đã quy tụ được một sự ủng hộ khá lớn từ các mạnh thường quân bởi chính sự thuyết phục mang tính trực quan và rõ ràng, là hiệu quả trực tiếp của cô trong đợt lũ lụt tại miền Trung vừa qua.

>> ‘Tại sao giàu mà không đi làm từ thiện?’

Tuy vậy, cá nhân Thuỷ Tiên đã tỏ ra lúng túng khi hoạt động thiện nguyện của cô có những lúc không “xuôi chèo, mát mái”. Những “sự cố” (tạm gọi là như vậy) xảy ra ngoài mong muốn đã làm cái nhìn về cô có lúc bị méo mó. Càng tìm cách thanh minh, cô ca sĩ càng khiến ném mình sự phức tạp, rối rắm.

Thuỷ Tiên không sai, những gì cô đã và đang làm lại càng không sai. Nhưng sự lúng túng, bối rối của cô khi xử lý một số vấn đề trước cộng đồng mạng lại cho thấy, cô thiếu một số kỹ năng cơ bản, nhất là những kỹ năng liên quan đến công việc cô đang làm.

Mà lý do cốt lõi bởi cô đang phải đơn phương đối phó với vấn đề liên quan đến chương trình thiện nguyện của cô, thiếu một tổ chức với chiến lược, chương trình rõ ràng, dài hơi, cũng như sự đồng hành, chia sẻ trách nhiệm của những người cùng chí hướng, cùng mục đích hoạt động.

Sự đơn phương và thiếu kĩ năng xử lý, giải quyết các vấn đề phát sinh trong các hoạt động từ thiện sẽ khiến các cá nhân có nguy cơ đối mặt với trạng thái “sốc”, từ đó dẫn đến mấy khả năng:

– Hoặc là họ sẽ tìm kiếm sự hỗ trợ từ các tổ chức, các nhóm cộng đồng để cùng chia sẻ trách nhiệm và thực hiện đến cùng mục tiêu đã đề ra.

– Hoặc là họ sẽ “oải”, buông xuôi, bỏ cuộc.

– Hoặc là họ vẫn làm nhưng thận trọng, dè dặt (như trường hợp diễn viên Trường Giang phải làm mặt lạnh trong lần đi từ thiện này, do từng bị “ném đá” trong lần trước khi cười lúc làm từ thiện).

Trong ba cách trên, cách thứ nhất khả dĩ hơn, tuy nhiên, sự tham gia của các cơ quan chức năng hay một cộng đồng nào đó vẫn chỉ là “vai phụ”. Cơ bản cá nhân vẫn phải tự giải quyêt vấn đề của mình.

>> Vì sao Thuỷ Tiên quyên góp được 150 tỷ đồng?

Cần phải xây dựng các thiết chế xã hội để làm công cụ, môi trường cho sự tham gia của người dân, các tổ chức chính quyền địa phương để thực hiện chức năng phát triển cộng đồng.

Việc tuyên truyền, vận động các cá nhân có uy tín xã hội cao lập các quỹ hỗ trợ với tư cách là một tổ chức có pháp nhân sẽ góp phần thúc đẩy các cộng đồng, đảm bảo sự an toàn của nguồn quỹ và cho chính những cá nhân đứng ra gây quỹ.

Tiến trình xây dựng và hình thành tổ chức tạo ra những cấu trúc tương đối bền vững để có thể phục vụ tốt hơn nhu cầu và kỳ vọng của cộng đồng. Một tổ chức mạnh, tự lực và tự quản lý từ cơ sở, là một trong những mục tiêu hướng tới việc xây dựng tổ chức cộng đồng.

Thông qua những cơ cấu chính thức, không chính thức được hình thành, cộng đồng dần đạt được kỹ năng quản lý cộng đồng. Việc xây dựng tổ chức khuyến khích sử dụng tối đa các nguồn lực địa phương và nguồn lực bên trong cộng đồng để phát triển cộng đồng, trước khi tìm kiếm nguồn lực bên ngoài. Hình thành các tổ chức thiện nguyện trên cơ sở pháp lý cũng sẽ tạo động lực cho sự đóng góp của các cộng đồng xã hội trong bói cảnh nhiều biến động lớn về thiên tai như hiện nay.

TS Nguyễn Thị Hường

(Học viện Hành chính Quốc gia)

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

72 giờ lũ lụt và hành trình vượt rốn ngập Quảng Bình

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *