‘Cần quy chuẩn giãn cách xã hội thay vì cứ bùng dịch là đóng cửa’

Tôi thấy có nhiều hàng quán rộng rãi, thoáng mát trống vắng, trong khi người lao động phải mua cơm hộp đem ra vỉa hè 50 độ ngồi ăn.

Tôi cho rằng, đã đến lúc chúng ta phải có một bộ quy chuẩn về việc sống chung với dịch Covid-19 cho từng ngành nghề cụ thể. Chứ không thể cứ hễ bùng dịch là lại đóng cửa tất cả các ngành nghề kinh doanh như hiện tại. Bởi làm như vậy là đánh đồng người tuân thủ quy định phòng dịch cũng giống như người không.

Chẳng hạn, các quán ăn bình dân sẽ phải ký cam kết về việc đạt tiêu chuẩn giãn cách (khoảng cách tối thiểu, lượng khách tối đa, có vách ngăn..) thì vẫn được cho bán hàng ăn tại chỗ. Quán nào không đủ tiêu chuẩn nhưng vẫn cố tình vi phạm thì thu hồi giấy phép kinh doanh ngay, phạt 100 triệu đồng làm gương. Như thế, sẽ rất hiếm cửa hàng nào dám vi phạm.

Trông chờ vào ý thức của từng người sẽ rất khó, nhưng đánh thẳng vào túi tiền của họ thì chắc chắn ý thức của người dân sẽ được nâng lên rất nhiều. Thực hiện điều này không có gì khó, chỉ cần các cơ quan quản lý thỉnh thoảng cho người đi kiểm tra, có quay phim, chụp ảnh vi phạm làm bằng chứng, sau đó có đơn vị đến xử phạt tại chỗ là người kinh doanh răm rắp tuân thủ quy định ngay.

Chứ hiện nay, tôi quan sát thấy quán ăn rộng, có đầy chỗ ngồi, mát mẻ, thông thoáng, nhưng lại phải bỏ không. Trong khi đó, người lao động không có điều kiện về nhà giữa buổi, vẫn phải mua cơm hộp rồi đem ra vỉa hè giữa cái nắng 40-50 độ để ngồi ăn, tôi thấy mà chua xót. Những hôm nắng gắt như vậy, người lao động được ngồi bàn ghế đàng hoàng, mát mẻ để ăn bữa cơm, không phải chịu cảnh nóng nực, bụi bặm thì tốt biết mấy.

>> ‘TP HCM cần giãn cách có trọng tâm thay vì diện rộng’

Mặt khác, phần lớn chủ doanh nghiệp cũng đang cần giải cứu trong mùa dịch. Phần lớn công nhân, người lao động tự do, những đối tượng yếu thế cũng đang bị giảm thu nhập, nhiều người mất hẳn thu nhập, họ cũng bị tổn thương khi kéo dài cách ly xã hội lắm chứ?

Như tôi và nhiều người làm việc, kiếm tiền online thì dù thành phố có giãn cách cả năm đi nữa thì chúng tôi vẫn sống khỏe. Thậm chí, có cách ly cả năm, tôi cũng chẳng ảnh hưởng gì, càng an toàn cho bản thân là khác. Nhưng chúng ta cũng phải nghĩ đến số đông người dân bị thiệt hại vì dịch bệnh ngoài kia nữa.

Tôi cho rằng, những người đứng đầu địa phương, trước khi ra bất cứ quyết định giãn cách nào cũng phải rất cân nhắc. Ngành y tế cần đưa ra bộ tiêu chí rõ ràng, cụ thể về các trường hợp cách ly, những khu vực cần cách ly và công khai lên trang web chính thức. Như thế để cơ sở nào có thể tuân thủ tốt, thì vẫn được kinh doanh. Chứ cấm toàn bộ cả cơ sở không cần biết tốt xấu thể nào thì sẽ rất thiệt thòi cho những người đảm bảo được quy định phòng dịch.

>> Giải bài toán kinh tế cho người Sài Gòn khi kéo dài giãn cách

Hiện nay, mỗi địa phương lại có một quy định phòng chống dịch riêng. Điều đó gây khó cho cả địa phương lẫn cho người dân trong khu vực khi bị đóng cửa, hạn chế kinh doanh. Người ta kinh doanh có giấy phép, không vi phạm quy định gì thì sao lại bắt đóng cửa? Còn tiền thuê mặt bằng, thuê nhân công thì ai sẽ thanh toán thay?

Do đó, cách làm hợp lý nhất là phải có một bộ tiêu chuẩn phòng dịch cho từng ngành nghề, rồi áp dụng chung cho cả nước. Nơi nào vi phạm thì rút giấy phép kinh doanh, phạt tiền thật nặng, thậm chí khởi tố. Còn những nơi kinh doanh đảm bảo phòng dịch thì vẫn để cho họ làm ăn sinh sống. Không thể cứ cào bằng, sẽ rất thiệt thòi cho những người tuân thủ. Một năm mà có mấy lần phải đóng cửa, tạm dừng kinh doanh cả thời gian dài thì liệu bao nhiều người còn đủ sức gắng gượng?

Anh vu

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Những biến chủng nCoV mới đã phát tán mầm bệnh nhanh hơn trước. Các y bác sĩ phải chạy đua với tốc độ lây nhiễm hàng trăm ca mỗi ngày. Để hỗ trợ lực lượng tuyến đầu, các cá nhân và doanh nghiệp có thể đồng hành cùng báo VnExpress trong chương trình “Tiếp sức cho tâm dịch”. Xem chi tiết tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *