Cha mẹ từ mặt vì tôi làm trái ý

“Mẹ nói một câu xanh rờn rằng người ta đi làm có vàng đeo, còn tôi sao không có gì đeo trên người?”.

“Tôi là người Huế. Ngày trước, từ hè năm lớp 6, tôi đã phải khăn gói đi làm thuê cho người ta từ đó cho đến khi là sinh viên đại học. Mỗi ngày, tôi phải thức từ lúc ba giờ sáng và đi ngủ vào lúc 23 giờ đêm, với một vòng luẩn quẩn học – làm – học – làm. Tuổi dậy thì vốn là tuổi ăn, tuổi ngủ, nên có hôm tôi ngủ gật trên lớp lúc nào không hay. May mắn, tôi vẫn học rất nổi trội, thi lên cấp ba cũng đứng thứ nhì toàn trường.

Trong quãng thời gian đi làm thêm, ngoài lấy tiền tự trang trải học hành, tôi còn gửi thêm cho mẹ để lấy tiền mua thịt, nấu cháo cho bầy em nheo nhóc thiếu sữa, thiếu ăn, ở nhà. Nhà tôi nghèo đến mức mưa dột cũng không có chỗ nằm. Ấy vậy mà, có lần, mẹ tôi nói một câu xanh rờn rằng người ta đi làm có vàng đeo, còn tôi sao không có gì đeo trên người? Tôi chỉ buồn vì thật sự mẹ đã không thấy những công sức tôi đã bỏ ra và những thứ tôi đạt được.

Nhưng tôi bỏ ngoài tai tất cả, sống và phấn đấu theo cách của riêng mình. Tôi xây nhà cửa khang trang; nuôi các em ăn học; đến lúc chúng lấy chồng, tôi cũng đứng ra lo liệu, cho tiền sắm vàng làm của hồi môn. Mỗi thế hệ, mỗi môi trường, mỗi tư duy đều có những khác biệt. Bạn hãy tự cố gắng và nâng tầm của bản thân, tránh để ý những lời nói tiêu cực và tập trung vào phát triển mình. Đó là cách tốt nhất để hướng tới thành công”.

Đó là chia sẻ của độc giả Anh Ngo xung quanh câu chuyện “Mẹ kỳ vọng quá nhiều ở tôi“. Những áp lực từ xã hội hiện đại khiến nhiều bậc cha mẹ đặt kỳ vọng quá cao vào con cái. Từ đó, họ vô tình gây ra những áp lực cho con trẻ như: phải học trường chuyên, phải luôn đạt thành tích cao, luôn đạt loại giỏi; phải làm việc ở những nơi danh giá, nổi tiếng, hoặc có đồng lương cao; phải chơi với những người bạn giàu có, sang trọng; phải thực hiện được những ước mơ còn dang dở của cha mẹ…

Cũng lớn lên dưới áp lực khủng khiếp từ những kỳ vọng quá cao của cha mẹ, bạn đọc Linh Trần chia sẻ: “Hoàn cảnh của tôi gần giống như vậy. Ba mẹ mình còn khỏe mạnh cả, họ cũng áp đặt tất cả cho con cái và cho rằng suy nghĩ của mình luôn đúng. Tôi bị họ bắt phải về quê lấy vợ để sau này về già có người phụng dưỡng. Nhưng bản thân tôi lại không muốn về quê vì ở thành phố mới có thể làm việc mình muốn, có mọi thứ mình cần, và hơn hết là con cái tôi sau này được học hành và phát triển ở nơi có kinh tế ổn định.

Đỉnh điểm là ba mẹ cấm tôi lấy vợ ở nơi khác và dọa sẽ từ con. Nhưng tôi vẫn nhất quyết lấy vợ ở thành phố, chấp nhận việc ba mẹ không tổ chức đám cưới cho mình, từ mặt con cái. Nói chung, tôi muốn cuộc sống là do mình quyết định. Cha mẹ thường không được đi ra ngoài nhiều để khám phá, nhìn nhận sự phát triển của xã hội, họ chỉ chăm chăm ở nhà nên có lối tư duy, suy nghĩ cổ hủ. Tôi biết điều đó nên chỉ im lặng, vì có nói cũng không ích gì do họ rất bảo thủ. Tôi sẽ sống với cuộc sống mình lựa chọn để không phải hối hận về sau, miên là mình không bất hiếu là được”.

>> Những đứa con vô dụng trong mắt cha mẹ

Nói về câu chuyện vượt qua áp lực của cha mẹ, độc giả Phantran.mocthanhanh cho rằng: “Cha mẹ và con cái thường có khác biệt về tuổi tác, suy nghĩ, hoàn cảnh xã hội, nhân sinh quan… Tôi nghĩ rằng có rất nhiều người cha, người mẹ đem mơ ước hoài bão của mình chưa thực hiện được để áp đặt lên con cái, muốn tiếp tục hoàn thành nốt nhưng điều còn dang dở đó.

Bản thân tôi cũng đôi lần tâm sự nhỏ to, cứng có, mềm có, để mong mẹ hãy buông xả nhiều điều, tập trung cho sức khỏe bản thân, sống hạnh phúc tại tâm, bình an. Tôi mong muốn mẹ bớt lo lắng cho các con, bớt so sánh con với người khác, và hiểu giúp rằng con cái đều có một cuộc đời riêng, sẽ có những thử thách chúng phải trải nghiệm để trưởng thành, và ba mẹ không thể sống thay con, cũng như con không thể sống thay cuộc đời và làm theo ý nguyện của ba mẹ được. Tôi mong ba mẹ hãy tập trung thương cho chính mình trước, để con cái còn tập trung cho những thứ khác nhiều hơn, cho con 5 năm để sau đó ba mẹ có thể yên tâm về con mình…

Tôi đã chia sẻ, trao đổi nhiều lần và mẹ cũng hiểu được đôi chút. Nhưng để làm được như vậy, bản thân bạn phải đủ hạnh phúc và sự mạnh mẽ từ tâm, có trường năng lượng đủ cao để không bị ai kéo xuống. Bạn cũng cần biết cách chia sẻ hay thuyết phục để người thân hiểu, tránh việc cứ nghĩ mình đang thành thật, thẳng thắn mà vô tình làm tổn thương người khác.

Cuối cùng, bạn cũng đừng hy vọng và cầu thị mọi điều nói ra sẽ được ba mẹ tiếp nhận, thấu hiểu và thay đổi. Hãy chấp nhận cuộc đời của ai cũng đều phải do người đó chịu trách nhiệm, và dành toàn tâm toàn ý cố gắng. Hãy tập trung vào bản thân, hiểu mình cần gì, muốn gì, sứ mệnh cuộc đời là gì, từ đó bạn sẽ chấp nhận những thử thách, muốn cuộc sống của mình như thế nào… Tất cả là do bạn quyết định. Hãy hướng đến những điều tốt đẹp phía trước”.

Thành Lê tổng hợp

>> Các ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *