Chấp nhận tiếng Anh song hành tiếng Việt

Việc dịch ‘cloud’ thành ‘điện toán đám mây’ sẽ chẳng giải quyết được vấn đề gì nếu không có các tài liệu liên quan được dịch ra.

Làn sóng sử dụng ngôn ngữ thứ hai trong đó có tiếng Anh đang thu hút nhiều ý kiến tranh luận trái chiều. Một số người khó tính cho rằng người Việt, đặc biệt là giới trẻ đang quá lạm dụng ngoại ngữ. Tuy nhiên, theo tôi, xã hội Việt không bảo thủ tới mức mọi từ ngữ đều phải dịch sang tiếng Việt.

Ngôn ngữ của chúng ta có âm sắc phong phú, nên tỷ lệ trùng âm với các từ nước ngoài là hầu như không đáng kể, lại là ngôn ngữ tượng âm nên việc sử dụng ký hiệu chữ viết của ta khi phiên âm tiếng nước ngoài là hoàn toàn thực hiện được. Hơn nữa, chữ cái của ta cũng là chữ Latin nên có thể ghi và phiên âm chính xác.

Cùng một cách ghi, một chữ, tiếng địa phương hay tiếng phổ thông đều đọc giống nhau (không có chuyện cùng một cách ghi nhưng hai cách đọc như người Trung Quốc). Nếu là từ địa phương, cách ghi sẽ khác đi nên không gây nhầm lẫn, khó hiểu. Đây là một lợi thế rất lớn của tiếng Việt trong việc hòa nhập và tiếp thu cái mới.

Nhiều từ mà chúng ta có hiện nay là mượn từ tiếng Pháp và tiếng Trung, vì dụ “bu lông”, “xi măng”… đều mượn từ tiếng Pháp theo phương thức “phiên âm” (ghi lại âm thanh tương tự, cách viết đã khác nhưng âm thanh vẫn vậy). Nếu chúng ta cứ buộc phải dịch theo ý nghĩa lại toàn bộ các cụm từ tiếng Anh chuyên ngành, khoa học… thì sẽ mất rất nhiều thời gian và gây ra sự nhầm lẫn. Vì đơn giản, không chỉ là dịch suông một từ mà còn phải lưu giữ các công trình khoa học, tri thức liên quan quanh thì từ đó mới thực sự được sống trong ngôn ngữ.

Ví dụ: việc dịch “cloud” thành “điện toán đám mây” sẽ chẳng giải quyết được vấn đề gì cả nếu không có các tài liệu liên quan về công nghệ đó được dịch ra. Cho nên, khi một người nghiên cứu ở trong nước mà tìm kiếm từ khóa “điện toán đám mây” sẽ không có nhiều tài liệu để nghiên cứu, dẫn đến từ này rất khó để sống và tồn tại thực sự. Nhưng chỉ cần tìm kiếm từ khóa “cloud” thì rất nhiều bài báo, báo cáo khoa học… sẽ hiện ra ngay sau đó.

Cho nên tôi ủng hộ việc duy trì việc phiên âm các từ chuyên ngành, khoa học… vì đó là tên riêng của một loại công cụ, phương pháp… do người phát minh đặt tên. Nó giống danh từ riêng chỉ tên người vậy, nên không cần thiết phải dịch nghĩa. Nếu muốn dịch nghĩa, chúng ta sẽ phải dịch toàn bộ các tài liệu liên quan đến công nghệ đó để từ đó có thể thực sự tồn tại và có ý nghĩa trong Tiếng Việt. Lúc đó sẽ rất tốn kém, chúng ta không nhiều tiềm lực, không có đội ngũ đông đảo để bắt kịp, nên không cần phải tốn nguồn lực cho việc này.

Thánh Tuệ

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *