Chiến thuật Catenaccio của Italy có ‘chết’?

Đội tuyển Italy có hai chiến thắng tại Euro 2020 với lối đá tấn công hấp dẫn, làm tôi ngỡ ngàng.

Bóng đá Italy đã từng sản sinh ra những cầu thủ chơi tấn công cự phách, ví như Gianni Rivera, Paolo Rosi, Roberto Baggio, Del Piero… Và những cái tên này khi đặt cạnh những danh thủ khác của làng bóng đá thế giới thì vẫn không hề kém cạnh. Cả về danh tiếng lẫn tài năng.

Thế nhưng, bóng đá Italy vốn nổi danh với lối đá phòng ngự. Thuật ngữ “Catenaccio” được ra đời là để “định danh” cho lối đá phòng ngự đó, và thuật ngữ ấy cũng chỉ đc dùng để nói về triết lý chơi bóng của người Italy. Đơn giản vì chỉ có họ (duy nhất) mới xứng đáng.

Vì sao ư? Vì người Italy đá phòng ngự Catenaccio không phải vì họ yếu hơn đối thủ, cũng không phải họ thiếu những cầu thủ chơi tấn công giỏi. Vì điểm nổi bật của lối đá này là họ đá phòng ngự ở thế chủ động, nhanh chóng chuyển trạng thái từ phòng thủ sang phản công cực nhanh. Nhanh tới mức khi mất bóng đối thủ chưa kịp lm gì thì bóng đã nằm gọn trong lưới rồi.

Vì họ đá phòng ngự nhưng lại khiến người xem thích thú bởi tài năng thiên bẩm, sự chính xác trong phán đoán, nhưng trên hết là sự hào hoa, lãng mạn… luôn được các chàng trai khoác áo màu thiên thanh thể hiện trên sân.

Với những tifosi (người hâm mộ đội tuyển Italy) chính hiệu thì họ sẽ đọc vanh vách cho bạn nghe, kể chuyển cho bạn biết về Franco Baresi, Costacurta, Paolo Maldini, Nesta… họ là những danh thủ đã nâng tầm và biến lối chơi Catenaccio thành một trường phái bóng đá của riêng người Italy.

Euro 2021 đang diễn ra, với hai trận toàn thắng, đội tuyển Italia đã trình làng một lối đá tấn công hấp dẫn, làm ngỡ ngàng các chuyên gia và người hâm mộ. Điều này rõ ràng là một tín hiệu tích cực, vì người hâm mộ bao giờ cũng có nhu cầu xem một thứ bóng đá tận hiến hơn là phòng ngự tiêu cực.

Thế nhưng, tôi vẫn mang một cảm giác tiếc nuối pha lẫn chút hụt hẫng như vừa đánh mất một thứ gì đó rất thiêng liêng (khi chúng ta đánh mất một điều gì thì bản thân lại tiếc nuối). Một câu hỏi cứ lởn vởn trong đầu: “Catenaccio” sẽ chết ư?

Trương Tuấn Dũng

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *