Chín năm ‘bỏ phố về quê’ xây nhà, mua đất

‘Dịch bệnh bùng phát, tôi ở quê gần như nghỉ ngơi hoàn toàn từ đầu năm tới giờ, nhưng kinh tế vẫn không bị ảnh hưởng là bao’.

“Tôi bỏ thành phố về quê đến nay cũng được chín năm. Bước đầu, tôi cũng gặp chút khó khăn, phải làm công nhân để trang trải cuốc sống. Nhưng với những kiến thức đã học được, tôi vận dụng tư duy, vươn lên làm giàu trên chính quê hương mình. Đến giờ, tôi thấy cuộc sống rất ổn. Vợ chồng tôi xây được căn nhà ba tầng khá khang trang, mua thêm được miếng đất ước tính giá trị khoảng một tỷ đồng.

Với tôi, cuộc sống như thế ổn định hơn ở thành phố rất nhiều. Dịch bệnh bùng phát, tôi gần như nghỉ ngơi hoàn toàn từ đầu năm tới giờ, nhưng kinh tế vẫn không bị ảnh hưởng là bao. Bản thân tôi cũng đang nuôi hai con nhỏ chín tuổi và ba tuổi. Tôi cho rằng về quê là một sự may mắn.

Chi phí sinh hoạt ở quê rất thấp: thịt heo ở quê chỉ 90 nghìn đồng một kg, trong khi ở phố tới 130 nghìn; cá ở quê cũng rẻ hơn nhiều; rau lại càng khỏi bàn vì nếu chịu khó trồng sẽ không mất tiền mà vẫn được ăn rau sạch; nhà ở không mất tiền thuê; con cái có ông bà trông giúp, không bị thiếu hụt tình cảm… Nói chung, rất nhiều thuận lợi khi bỏ phố về quê”.

Đó là chia sẻ của độc giả Dtnguyet051084 xung quanh câu chuyện “Tháo chạy sau ba tháng ‘bỏ phố về quê’“. Trong hai năm qua dịch bệnh Covid-19 có nhiều diễn biến khó lường, thế nên nhiều người có xu hướng tìm về vùng ven đô lựa chọn cho mình một mảnh đất, căn nhà để làm homestay, ngôi nhà thứ hai. Thậm chí, điều này còn tạo ra trào lưu “bỏ phố về quê” trong một bộ phận người trẻ thành phố.

Cũng có được những thành công nhất định khi “bỏ phố về quê”, bạn đọc Halod Ho chia sẻ: “Tôi về quê sống đã được hơn ba năm, cảm thấy cuộc sống của mình khá ổn. Khi bạn về vùng quê, đầu tiên phải xác định công việc sẽ làm và phải làm. Nếu làm những ngành kỹ thuật như mở xưởng, làm online, bạn chỉ cần một nơi sinh sống mát mẻ, giao thông thuận tiện là được. Còn nếu muốn trồng trọt, chăn nuôi, bạn hãy tìm hiểu một lĩnh vực nào đó.

Đừng nghĩ ở nông thôn không kiếm được tiền, ví dụ như nuôi heo rừng đang là nghề ‘hái ra tiền’ ở nông thôn ngày nay nhờ công chăm ít, vật nuôi ít bệnh, dễ dàng cho người mới. Hay như nghề trồng nấm, nếu bạn không hiểu kỹ thuật, cũng có thể mua nấm đã được xử lý đóng thành bịch, về treo nơi râm mát, ngày xịt nước ba lần là đã thành công. Hoặc bạn cũng có thể làm xưởng thô như bột gỗ, ván lạng… Tất cả đều có thể giúp bạn kiếm tiền nếu đầu tư công sức. Còn kiểu sống mà phụ thuộc người khác thì dù bạn có ở đâu cũng khó sống”.

>> Có đủ nhà, xe sau tám năm về tỉnh làm việc

Thế nhưng, không phải ai cũng tìm được thành công khi “bỏ phố về quê”. Không phải cứ về quê nuôi cá, trồng rau là mơ ước, là cuộc sống an nhàn không bon chen. Người quê rất vất vả, cơ cực, không phải cứ trồng cây rau xuống đất là có rau ăn, bán kiếm tiền; không phải cứ mua gà về nuôi là gà tự lớn.

Lấy dẫn chứng từ chính bản thân mình, độc giả Van tư cho rằng: “Các bạn trẻ thường chỉ xem cái bề nổi của cuộc sống thôn quê rồi mơ mộng đó là thiên đường hay là vườn địa đàng. Nếu tiếp xúc nhiều với người gốc ở quê lên thành phố sống, các bạn sẽ hiểu một sự thật hoàn toàn khác. Tôi là người miền Trung nên những cơ cực của cuộc sống ở đó đã nếm trải gần 20 năm trước khi lên thành phố học.

Thực tế, cuộc sống ở quê còn tệ hơn rất nhiều so với những gì được nói trên truyền thông. Hầu như năm nào, quê tôi cũng hứng chịu vài cơn bão, mùa mưa bắt đầu từ tháng chín, kéo dài có khi tới Tết vẫn còn. Xe cộ thậm chí không thể đi lại được, mưa đến nỗi đất chảy ra nên tạo ra các vụ lở đất.

Còn mùa nắng kéo dài từ tháng hai đến tháng tám. Nắng khô hạn cả sông ngòi, nước giếng còn không có, chúng tôi phải ra bờ sông đào cái giếng dùng chung cho cả làng. Rồi còn cả gió Lào tràn về, cái nóng khô đến không tưởng tượng nổi. Đó mới là miền Trung quê tôi, còn các vùng quê khác còn khắc nghiệt hơn nhiều. Hầu hết giới trẻ quê tôi đều lên thành phố lập nghiệp hết, chứ ít ai còn ở lại”.

Cùng chung cảm nhận, bạn đọc Quốc Trung chia sẻ: “Quê tôi là một vùng nông thôn ở Bình Định, nơi mà người ta muốn có cái ăn sống qua ngày sẽ phải thức dậy từ 4h sáng để lăn lộn đồng áng cho đến khi ngồi vào mâm cơm tối là 20h. Nói chung, ở quê có nhiều cái mà dân thành phố ước ao như: không khí trong lành, cảnh vật hữu tình, nhiều món ngon đặc sản, tình làng nghĩa xóm, không lo sợ về trộm cướp hay phức tạp về an ninh, chi phí sống khá thấp…

Tuy nhiên, muốn sống ở quê, mọi người cũng phải đánh đổi: siêu thị, nhà hàng, quán xá sang trọng, các dịch vụ bệnh viện và trường học chỉ ở mức cơ bản… Bạn cũng phải xác định mình đủ tài chính nếu không sẽ phải lao động cực kỳ nhọc nhằn mới có thu nhập. Nếu ai chưa vững chắc về tài chính mà muốn về quê, các bạn hãy nhìn những đôi tay chai sần và gương mặt khắc khổ của những người nông dân rồi hãy xác định mình có thể vượt qua được không?”.

“Tôi cũng là dân tỉnh lẻ miền Bắc và đang sinh sống ở Sài Gòn. Năm 2015, khi 28 tuổi, tôi đã cố vay mượn và mua một căn nhà nhỏ giá 600 triệu đồng khi trong tay có chưa đến 200 triệu, cho nên cuộc sống cũng đỡ vất vả. Thú thực, tôi rất muốn về quê làm, nhưng cứ nghĩ đến cảnh xin việc ở quê mà tôi lại ngán ngẩm. Ở quê mà không phải dạng con ông cháu cha hoặc không có tiền phòng thân thì chỉ có thể đi làm công nhân mới dễ xin việc, còn những nghề khác khó như hái sao trên trời. Mong các bạn trẻ hãy cân nhắc kỹ trước khi quyết định về quê. Ở đâu thì công việc vẫn phải đặt lên hàng đầu”, độc giả Vlam bổ sung thêm.

>> Vất vả thành phố hơn về quê nhàn hạ

Nhấn mạnh những mặt tối của cuộc sống thôn quê, bạn đọc Thành Được bày tỏ: “Cũng không phải ngẫu nhiên mà các thành phố lớn vẫn thu hút người dân từ các tỉnh về làm ăn, sinh sống. Các cụ có câu: ‘Giàu nhà quê không bằng ngồi lê thành phố’. Hà Nội và TP HCM vẫn là những nơi dễ sống, dễ kiếm tiền hơn cả. Như tôi, năm nay 29 tuổi, từ miền Trung ra thành phố. Lúc đầu, tôi cất bằng Đại học, đi phát thư tín, sau đó chuyển sang ngân hàng. Thu nhập trung bình hiện giờ của tôi là trên 20 triệu đồng một tháng, điều mà còn lâu mới có thể phấn đấu được ở quê.

Trong khi đó, nhiều người bạn của tôi ở quê, đến giờ vẫn chạy xe thuê, hoặc làm công ty nhỏ, bấp bênh hơn nhiều. Việc về quê không hề đơn giản, tối thiểu một người phải chắc chắn có thu nhập ổn định thì mới nên về. Còn không, cơ hội ở thành phố lớn vẫn lớn hơn rất nhiều. 10 năm ở quê cũng không bằng một năm ở phố”.

Độc giả Le Thanh Duong kết lại: “Về quê hay lên thành phố cũng giống như bạn kinh doanh. Đi đâu, làm gì để tránh vấp ngã, mất tiền bạc và thời gian cũng cần có các bước sau: khảo sát thị trường, xác định mục tiêu, xây dựng kế hoạch hành động… Nếu mục tiêu của bạn là muốn nghỉ ngơi, tránh xa ồn ào, thị phi thì hãy kiếm đủ tiền và về quê để xây nhà, sinh sống. Nếu bạn muốn kiếm tiền thì nhất định phải đến nơi có nhiều cơ hội, và quê không phải nơi có tiền.

Ở quê, bạn chỉ có thể xem là nơi sản xuất do chi phí đất đai và nhân công giá rẻ. Do vậy, nếu muốn sản xuất ở quê, bạn cần phải xây dựng chuỗi bao tiêu ở thành phố. Nói cách khác, nếu cứ suy nghĩ mông lung, mục tiêu không rõ ràng, chắc chắn bạn sẽ có nhiều trải nghiệm buồn vì lựa chọn sai lầm”.

Bạn đọc Dtnguyet051084 kết thúc câu chuyện chín năm ‘bỏ phố về quê’ xây nhà, mua đất của mình: “Theo tôi, về quê, các bạn không nhất thiết phải xin việc ở một công ty nào đó, mà có thể phát triển một nghề mình yêu thích hoặc buôn bán kinh doanh tôi. Miễn là các bạn chịu khó, tâm huyết, không ngại khó, ngại khổ thì sẽ gặt hái được trái ngọt. Hy vọng những kinh nghiệm chia sẻ của tôi sẽ giúp các bạn thành công trên con đường đã chọn”.

Việt Thành tổng hợp

>> Các ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *