Chính quyền đô thị một cấp

Là thành phố lớn thứ tư của Canada với diện tích hơn 2.790 km2, dân số khoảng một triệu người, nhưng thủ đô Ottawa chỉ có một cấp chính quyền.

Nhân việc TP HCM đang lên kế hoạch thực hiện chính quyền đô thị từ năm 2021, tôi xin chia sẻ về mô hình chính quyền một cấp tại một đất nước thuộc khối G7, có diện tích lớn thứ hai thế giới – Canada:

Thủ đô Ottawa là thành phố lớn thứ tư của Canada với diện tích hơn 2.790 km2, dân số khoảng một triệu người. Về cơ cấu hành chính, đây là thành phố chỉ có một cấp chính quyền của thành phố, không có các cấp dưới. Thành phố chịu trách nhiệm toàn bộ và đầy đủ với mọi dịch vụ đô thị, bao gồm: cứu hỏa, dịch vụ cấp cứu y tế, cảnh sát, công viên cây xanh, đường sá, vỉa hè, giao thông công cộng, nước sinh hoạt, hồ điều hòa, xử lý nước thải và chất thải rắn…

Thành phố Ottawa được cai quản bởi Hội đồng thành phố gồm 24 Ủy viên, bao gồm 23 Ủy viên đại diện cho các Wards (tương đương với phường hoặc quận) và người còn lại là Thị trưởng, được bầu qua lá phiếu của toàn thành phố. Cả thành phố chỉ có một trung tâm hành chính duy nhất gọi là City Hall với một chức danh đứng đầu gọi là Manager (Giám đốc) và chín Sở: Dịch vụ giao thông; Kế hoạch, phát triển hạ tầng và kinh tế; Dịch vụ công và môi trường; Dịch vụ thông tin và xã hội; Dịch vụ giải trí, văn hóa và phương tiện; Dịch vụ khẩn cấp và bảo vệ; Dịch vụ tài chính; Dịch vụ khách hàng sáng tạo và Văn phòng hành chính (City Clerk) làm nhiệm vụ như phòng thư kí văn bản và chương trình nghị sự.

Thành phố chia các khu vực thành 23 Wards (quận/ phường), nhưng không có cơ cấu hành chính, chỉ có một Ủy viên Hội đồng thành phố phụ trách. Người Ủy viên này được dân bầu ra trong bầu cử thành phố, là cầu nối giữa người dân và chính quyền thành phố. Mọi nguyện vọng, thắc mắc, đề nghị của người dân sẽ được phản ảnh qua vị Ủy viên này. Sau đó, người này thay mặt cho đơn vị của mình đề xuất, phản ảnh lại với thành phố để được giải quyết các vấn đề.

Ngoài ra, cơ cấu Ward này chỉ làm chức năng đơn vị bầu cử, không có cơ cấu hành chính cơ sở nào khác. Ví dụ: Khi bạn nhận bàn giao một ngôi nhà mới xây, bạn gửi email hoặc gọi điện cho Sở liên quan của thành phố, yêu cầu họ cung cấp các thùng, chậu đựng chất thải, bao gồm mấy loại: chất thải có thể chế biến làm phân, chất thải tái chế (giấy, nhựa, thủy tinh…), chất thải khác như đồ gỗ cũ, giường tủ kim loại cũ…

Một nhà hàng xóm không chịu cắt cỏ vườn hoặc thả chó tự do gây ảnh hưởng tới môi trường, cảnh sắc, bạn có thể gửi email hoặc gọi điện cho vị Ủy viên Hội đồng phụ trách Ward hoặc tới bộ phận liên quan tại City Hall để yêu cầu nhắc nhở.

Khi ra đường, bạn hầu như chẳng bao giờ nhìn thấy cảnh sát. Nhưng mỗi khi có sự vụ gì như tai nạn giao thông, cháy nhà, ẩu đả, chỉ trong vài phút từ lúc có người gọi thông báo, sẽ có ba loại xe có mặt ngay lập tức tại hiện trường: cảnh sát, cứu thương và chữa cháy…

Nhue Pham

>> Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Vì sao TP HCM muốn xây thành phố trong thành phố?

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *