‘Cho con ngồi nhà trước khi nghĩ đến tủ sách’

Đầu tư giáo dục, tri thức cho con rất quan trọng, nhưng điều đó chỉ có tác dụng khi chúng có cuộc sống sung túc, đầy đủ.

Không đồng tình với quan điểm ‘Để lại cho con tủ sách tốt hơn một ngôi nhà‘, độc giả Quoc Khanh cho rằng: “Không ai đánh giá thấp tri thức, nhưng đừng vì vậy mà coi thường vật chất. Có nhiều người giỏi, nhưng không phải ai cũng có cuộc sống vật chất đầy đủ. Vì điều kiện kinh tế hạn hẹp nên gây không ít khó khăn cho cuộc sống, gia đình, sự nghiệp của họ (ví dụ nhiều Tiến sĩ giỏi, tri thức cao, nhưng có cuộc sống vật chất khó khăn…).

Ngược lại, vật chất có vai trò quan trọng. Cuộc sống sung túc dễ giúp người ta có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển sự nghiệp. Theo triết học, biến đổi về lượng dẫn đến phát triển về chất. Tức là có nhiều tiền, đầu tư phát triển thì tri thức của người đó cũng phát triển hơn. Ngoài xã hội, có nhiều gia đình mà bố mẹ không thực sự học cao nhưng có điều kiện đầu tư con cái du học, con họ sẽ giỏi. Ngược lại, nhiều đứa trẻ giỏi nhưng điều kiện khó khăn, không theo học trường tốt, sẽ cản trở tương lai của chúng.

Quan trọng nhất, những phụ huynh kiếm tiền nhiều hầu hết đều thực sự giỏi (không phải giỏi về bằng cấp, mà về thương trường, trường đời…). Họ thừa hiểu biết để đầu tư cho con cái, để đời con tốt hơn đời cha. Họ có tiền, nhưng thiếu tri thức, nên họ sẽ đầu tư cho con. Tôi nghĩ rằng, không cha mẹ giàu nào lại ngu ngốc đến nỗi không hiểu tầm quan trọng của giáo dục. Quan điểm cá nhân của tôi là những ai nói không mua nhà cho con mà đầu tư giáo dục nhiều hơn, là những người không có khả năng mua nhà”.

Đồng quan điểm, bạn đọc Nguyễn Thị Thanh Thủy cũng ủng hộ tư tưởng ưu tiên cho con vật chất trước khi nghĩ đến tri thức: “Với tôi, ngôi nhà (vật chất) rất quan trọng, và tủ sách (là học tập, là kiến thức, tri thức) cũng quan trọng. Tuy nhiên, tôi không thể bỏ ngôi nhà để chọn tủ sách. Tôi sẽ chọn ngôi nhà trước, và tủ sách là lựa chọn tiếp sau. Tôi sẽ cân bằng để làm sao con vẫn có nhà và vẫn được học tập. Việc học tập là cả đời, vì những gì chúng ta biết chỉ là hạt cát, còn cái chưa biết là cả đại dương. Có thực mới vực được đạo, thực là nhà, đạo là chữ. Nhiều gia đình “cuồng chữ”, dốc hết tiền của, tâm sức ra đầu tư cho con trường quốc tế nọ kia, đến mức tán gia bại sản, trong khi con học xong cũng chỉ thu nhập như người bình thường.

Như tôi, chỉ học hết cấp ba, thương gia đình nên chẳng vào đại học. Thế mà tự lực làm ăn, giờ ngoảnh nhìn lại cũng hơn khối người có bằng cấp. Học gì, làm gì thì mục đích cuối cùng cũng là kết quả thu nhập thực tế. Bỏ ra mấy tỷ ra đầu tư học, để rồi ngồi gõ đến mấy chục năm không hoàn đủ vốn bố mẹ đã chi, vậy có ích gì? Đã là người ham học hỏi thì nhìn đâu cũng là tủ sách. Với tôi, nhìn thấy thứ gì nhỏ nhất, tôi cũng tìm hiểu xem nó như thế nào? Và tôi học được nhiều điều mà chẳng nhà trường nào dạy cả, thậm chí bố mẹ, cô giáo cũng còn chưa biết đến. Thế nên, có bằng cấp cũng chưa phải là tất cả, có tủ sách mà không biết đọc thì cũng bằng không. Nên tôi sẽ ưu tiên chọn ngôi nhà trước, tủ sách sau”.

>> Tủ sách ‘cần câu’ – ngôi nhà ‘con cá’

Nhấn mạnh tầm quan trọng của điều kiện vật chất trong việc phát triển tri thức, độc giả An Tư phân tích:

“Tôi từng chứng kiến rất nhiều doanh nhân hoặc người thành đạt ít đọc sách (bởi vì thói quen đọc sách ở nước ta chiếm tỷ lệ thấp). Nhưng điều đó không có nghĩa là họ không có kỹ năng kiếm tiền, cũng không có nghĩa là gia đình họ sẽ hồ đồ và mất hết tất cả. Ngược lại, tôi biết rất nhiều người ham đọc sách, rao giảng rất hay nhưng bản thân cuối cùng lại không làm được như lời họ nói. Nhà tôi cũng có một tủ sách vừa phải. Bản thân tôi cũng mong các con thích đọc sách, thứ nhất để rèn luyện chính tả (như tôi ngày xưa); thứ hai để có một tâm hồn phong phú, biết được thế giới rộng lớn; thêm nữa là những kiến thức có thế áp dụng được vào thực tế. Việc đọc bây giờ không chỉ còn gói gọn trong trang sách nữa, nó có ở mọi nơi, mọi lúc, bằng nhiều phương tiện. Cho nên, tôi nghĩ việc có nhà cũng rất quan trọng như có tủ sách vậy”.

Ủng hộ tư tưởng “an cư trước, lạc nghiệp sau”, bạn đọc Maikhoi220888 chia sẻ: “Mục đích cuối cùng khi bạn làm việc là vì điều gì, làm để cho ai? Và bạn rút ra được gì trong quá trình làm việc nếu không có tiền và nhà cửa? Vậy thử đặt trong hoàn cảnh cuộc sống hiện tại, bạn bán và đem cho hết tài sản của mình, chỉ còn lại tủ sách thôi, bạn sẽ làm thế nào? ‘An cư thì mới lạc nghiệp’, điều này luôn đúng ở mọi thời đại. Không có gì là tất cả, vấn đề ở đây không phải có tri thức mới làm được việc. Có bao nhiêu công nhân, người lao động, buôn gánh bán bưng chân chính, liệu họ phải sống bằng tri thức hay kiến thức không? Chiếc lá cuối cùng vẫn rụng về cội, con người cũng vậy, không gì qua khỏi quy luật của tự nhiên. Xã hội luôn tồn tại các tầng lớp, giai cấp khác nhau, không có xã hội nào chỉ có một giai cấp và cái đích cuối cùng của mỗi người là có nhà để ở, ấm no và hạnh phúc. Còn việc làm được hay không là do mỗi người”.

>> Theo bạn nên đầu tư tri thức hay vật chất cho con trước? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.

Việt Thành tổng hợp

Đầu tư cho con lãi hơn mua nhà, đất

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *