Chủ nhà trọ cần kiên nhẫn chờ cơ hội

Nhóm công nhân, lao động tự do có thể về quê nghỉ ngơi, thăm người thân nhưng sẽ sớm trở lại Sài Gòn khi cần phải có thu nhập.

Lâu lâu trong căn nhà trọ ở quận 10 lại vang lên tiếng bé 3 tuổi khóc ré lên. Người mẹ quên miền Trung trả lời mỗi khi hàng xóm hỏi thăm: “Tù túng quá nó lại đòi ra ngoài chạy nhảy. Quanh quẩn mãi trong bốn bức tường phòng trọ mấy tháng trời người lớn còn muốn mệt huống chi thằng bé”.

Căn phòng 35m2 là nơi ở của hai vợ chồng, hai người em vợ và đứa bé, năm người. Ngoài giường ngủ, khu vệ sinh, bếp nấu, căn phòng chỉ còn trống một khoảng 3×2,5m trong phòng cho cháu bé chơi quanh quẩn.

Nhà chị ba người đi làm thì hai người thất nghiệp, một người làm online bị giảm 30% thu nhập, đứa em út bình thường vừa học đại học vừa đi làm phụ giúp thì nay cũng ở nhà học online.

Tiền phòng tuy đã được chủ nhà hỗ trợ giảm từ 5 triệu còn 3 triệu đồng, nhưng chi phí ăn uống sinh hoạt điện nước giờ tiết kiệm chắt bóp lắm vẫn tăng thêm 30% do vật giá leo thang và sinh hoạt ở nhà nhiều hơn bình thường.

>> Chủ trọ bị ‘thách thức lương tâm’ khi không giảm giá phòng

Một người quen khác ở TP Thủ Đức cũng đang ở tình trạng “về quê không được, ở lại cũng không xong”. Do khu vực bị phong tỏa nặng, hai vợ chồng anh và cháu gái thứ hai đã phải ở nhà không có thu nhập từ tháng 7.

Tiền phòng hiện anh chị được hỗ trợ giảm 1,2 triệu còn 2 triệu đồng, anh chủ thầu thấy tội nghiệp cho thêm 1 triệu đồng phụ đóng tiền phòng. Các phòng xung quanh thấy thương thỉnh thoảng giúp thêm cho miếng rau con cá, còn lại đều nhờ lương thực cứu trợ từ địa phương và các mạnh thường quân.

Trong căn phòng trọ của họ luôn đủ mùi thức ăn, mùi quần áo ẩm mùa mưa, mùi hơi thở người. Và không khi nào ngơi thập cẩm các loại tiếng ồn từ trẻ em khóc, tiếng mẹ la con, tiếng người lớn kiếm chuyện chửi nhau do ai cũng stress, tiếng tivi, tiếng nghe nhạc, tiếng xào nấu, tiếng người làm việc, học bài.

Hỏi về định hướng sẽ về quê hay ở lại thành phố tìm việc sau khi bỏ phong tỏa, các anh chị cho biết chỉ có hai lý do để giữ họ lại: Một là có việc làm, và hai là việc làm phải đảm bảo ổn định lâu dài.

Nhưng làm gì làm họ đều mong về quê một thời gian để thăm gia đình, để xả đi những bức xúc tù túng suốt mấy tháng, để gặp anh em chiến hữu làm chầu nhậu lấy lại tinh thần, để ăn uống tẩm bổ hồi phục sức khỏe.

Chủ cho thuê cũng “méo mồm”

Có rất ít chủ nhà trọ “sở hữu đất – không vay tiền ngân hàng xây nhà – tốt bụng” có thể giảm 50% – 100% tiền nhà cho người thuê trọ mất thu nhập hoặc mặt bằng không kinh doanh được.

Phần lớn chủ nhà còn lại đều phải lấy tiền cho thuê trả tiền vay ngân hàng mua đất, xây nhà. Các đơn vị kinh doanh vẫn phải trả tiền thuê nguyên căn cho chủ nhà rồi sau đó mới cho thuê lẻ.

Hai nhóm sau giảm 20% – 40% giá cho thuê là đã gặp khó khăn. Ngoài việc giảm giá còn bị ảnh hưởng bởi tỷ lệ trống tăng cao hơn bình thường rất nhiều. Ví dụ một căn nhà bình thường có doanh thu cho thuê 60 triệu một tháng (chưa trừ chi phí), nay trống một nửa và một nửa còn lại giảm giá 30% thì chỉ còn 21 triệu đồng.

Nhà của chú Minh với một mặt bằng và 8 phòng cho thuê từ đầu năm tới giờ cũng chỉ còn thu nhập 10-12 triệu do đơn vị kinh doanh đã trả nhà. So với việc cho thuê nguyên căn 35 triệu đồng trước đây thì thiệt hại 70%.

Các đơn vị chuyên kinh doanh lĩnh vực này giờ gần như chỉ trả bớt chứ không dám thuê thêm nhà làm thêm. Bản thân vợ chồng chú thì lại không chuyên, lại ngay mùa dịch nên chỉ tự cho thuê được 3-4 phòng với giá rẻ 3-3,5 triệu một phòng (so với 5 triệu đồng trước đây).

Cá biệt, một người quen khác của tôi ở quận 10 phải miễn phí hết 20 triệu đồng mỗi tháng cho đơn vị đi thuê từ tháng 7 đến nay, vì đơn vị thuê nhà kinh doanh làm đẹp phải đóng cửa.

Khi đề cập đến việc giảm giá một phần và vẫn phải thu một phần, chủ nhà nhận được phản hồi họ sẽ trả nhà ngay nếu phải đóng tiền khi không được mở cửa kinh doanh.

Nhận thấy việc giờ có lấy lại nhà cũng không cho ai thuê lại được, thậm chí khi dịch được kiểm soát thì cũng cần vài tháng để kinh tế ổn định mới có người thuê địa điểm kinh doanh, chủ đành “ngậm ngùi” chấp nhận nhận đề nghị này của họ dù bản thân vẫn đang phải đóng ngân hàng đều đặn 17 triệu đồng mỗi tháng.

>> Chủ nhà trọ đuối sức với ‘gánh nặng kép’

Tính từ thời điểm trước khi bắt đầu dịch cuối 2019 đến trước đợt bùng dịch thứ tư tháng 5/2021, thị trường phòng cho thuê đã phải giảm giá trung bình 10% – 20%, Từ tháng 5/2021 đến nay, giá cho thuê tiếp tục phải giảm thêm 10% – 40% để đồng hành cùng khó khăn của người đi thuê. Phân khúc phòng càng cao cấp giá phải giảm càng nhiều.

Đâu là “ánh sáng cuối đường hầm”?

Trong bất cứ ngành nghề kinh doanh nào, khách hàng luôn là huyết mạch. Ngành cho thuê phòng trọ cũng vậy, nhu cầu đi thuê của người thuê phòng sẽ quyết định gần như toàn bộ thị trường. Khi người thuê phòng có việc làm, có thu nhập tốt, tinh thần thoải mái, chi tiêu rủng rỉnh thì bên cho thuê cũng “thơm lây” và ngược lại.

Khách hàng thuê dài ngày (hợp đồng thuê tối thiểu 6 tháng) đa số là người nhập cư ở tỉnh, chia làm 3 nhóm chính: Phòng 1-2,5 triệu đồng là công nhân và lao động tự do thu nhập dưới 10 triệu đồng một tháng.

Phòng 2,5-4 triệu đồng là nhân viên văn phòng, công nhân lao động có tay nghề khá (trưởng/ phó chuyền, nhân viên kỹ thuật) thu nhập 10-20 triệu đồng một tháng, và sinh viên. Phân khúc phòng 5-7 triệu là nhân viên văn phòng thu nhập cao và sinh viên nhà khá giả.

Hiện tại hầu như tất cả trường đại học đều đã cho sinh viên học online hết học kỳ I nên gần như tất cả các em đã trả phòng về quê, trừ một số rất ít các em có việc làm ở lại hoặc chưa kịp về. Nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát ổn thì có thể phải đến học kỳ II các em sẽ lên lại thành phố.

Nhóm công nhân và lao động tự do thu nhập dưới 10 triệu đồng mất việc, cộng với việc đã quá tù túng suốt mấy tháng trời nên họ sẽ có khuynh hướng về quê thăm gia đình người thân, tái tạo năng lượng, hồi phục sức khỏe. Chỉ tầm hai tuần xả hơi, cộng với việc không có thu nhập, họ sẽ lại mong muốn quay lại thành phố kiếm việc đi làm lại.

Nhóm nhân viên văn phòng và công nhân lao động có tay nghề khá bị mất việc ít hơn, nhưng cũng đã bị giảm thu nhập 10% – 30%. Nhóm này cũng cần nghỉ ngơi xả hơi, tuy nhiên sẽ nhanh quay trở lại guồng quay công việc vì họ sẽ không thể kiếm được công việc tương xứng với trình độ và thu nhập kỳ vọng của mình của mình khi ở quê.

Tuy nhiên, mấu chốt để người lao động nhập cư quay trở lại thành phố làm việc không phải từ phía họ mà chính là thị trường lao động.

Muốn thị trường lao động nhộn nhịp trở lại thì các doanh nghiệp phải sản xuất kinh doanh ổn định. Muốn doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ổn định thì:

(1) Lộ trình kiểm soát dịch bệnh cần rõ ràng, đồng bộ.

(2) Có các chính sách hỗ trợ đồng hành khó khăn cùng doanh nghiệp.

(3) Nhu cầu tiêu dùng của người dân dần hồi phục.

Theo dự thảo hiện tại thì sau 15/1/2022 thành phố sẽ mở cửa gần như tất cả hoạt động. Đầu tháng 2/2022, sau Tết ta có thể là một mốc thời gian đáng quan tâm cho thị trường phòng cho thuê. Vì thế, tôi nghĩ người có đã, đang và có ý định kinh doanh phòng trọ nên kiên nhẫn chờ thời cơ.

Lê Quốc Kiên

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *