Cô giáo cô lập bé mầm non

Hình phạt có thể giải quyết ngay vấn đề của trẻ, nhưng không phải lúc nào cũng là lựa chọn tốt nhất.

Đọc vụ việc Bé trai gần 6 tuổi ở trường Mầm non Ngôi Nhà Hạnh Phúc, TP Thủ Đức, bị cô giáo tổ chức cho các bạn “lêu lêu” đến mức tâm lý bất ổn, ám ảnh nặng nề, làm một phụ huynh cũng có con đang học mầm non, tôi không khỏi bức xúc. Tại sao giữa bao nhiêu cách giáo dục trẻ, các giáo viên ở đây lại chọn cô lập một đứa trẻ? Chưa cần biết nguyên nhân là gì, chỉ riêng chuyện này đã là một hành động phản giáo dục, không thể chấp nhận được.

Ai cũng biết trẻ ở độ tuổi mầm non rất nghịch ngợm, hiếu động. Trong giai đoạn bắt đầu hình thành tính cách, nhiều bé sẽ có những phản ứng bất thường như đánh bạn, ăn vạ, ném đồ… Đây là chuyện bất cứ ai cũng biết, chứ chưa nói đến những giáo viên được đào tạo qua trường lớp, có kỹ năng sư phạm. Việc của người lớn là định hướng, giáo dục để trẻ nhận ra sai lầm và thay đổi hành vi, chứ không phải tìm cách trừng phạt. Đó là lý do phụ huynh đưa trẻ đến trường. Nếu cứ sai là phạt thì đâu cần đến những giáo viên hay trường lớp.

Tôi thừa nhận có một vài em có cá tính mạnh, thường xuyên quậy phá, đánh bạn. Lớp con tôi cũng có một trường hợp như vậy. Con tôi cũng bị một bé trai khác cào xước mí mắt, nhiều bé khác trong lớp bị cào cấu, cắn xé. Thấy vậy, chúng tôi thông qua giáo viên tổ chức một cuộc họp với nhà trường và gia đình bé trai kia để tìm cách giải quyết. Là cha mẹ, chẳng ai muốn con mình bị bạn đánh thường xuyên ở trên lớp. Tuy nhiên nếu đặt vào hoàn cảnh phụ huynh bé trai kia, tôi tin họ cũng không hề muốn con mình trở nên hung dữ như vậy.

Sau cùng, chúng tôi thống nhất không bắt bé trai chuyển lớp, cha mẹ bé hứa sẽ quan tâm con nhiều hơn và nhờ chuyên gia tâm lý hỗ trợ con mình, nhà trường bổ sung thêm giáo viên cho lớp, các cô giáo cũng để mắt nhiều hơn tới bé trai để tránh xảy ra trường hợp đáng tiếc. Kết quả, nhờ sự quan tâm từ nhiều phía, tình hình đã được cải thiện rõ rệt. Các bé giờ có thể chơi với nhau hòa đồng, đôi lúc vẫn xảy ra chuyện tranh giành đồ chơi vì đứa trẻ nào cũng vậy, nhưng gần như không có cảnh gây thương tích cho nhau.

Thế đó, giáo dục trẻ, nhất là trẻ ở lứa tuổi mầm non cần nhiều sự khéo léo, mềm dẻo. Hình phạt có thể giải quyết ngay vấn đề, nhưng không phải lúc nào cũng là lựa chọn tốt nhất. Cô lập một đứa trẻ không khó, nhưng để đưa chúng hòa nhập trở lại vào tập thể mới là vấn đề. Đứa trẻ bị cô lập đối giờ đây sẽ sống và phát triển tiếp thế nào, có được bình thường như người khác không? Một hành động thiếu cân nhắc của lớn đôi khi sẽ ảnh hưởng tới cả tương lai của đứa bé sau này.

Trẻ con như tờ giấy trắng, người lớn vẽ lên đó thứ gì, chúng sẽ trở nên như vậy. Tôi hy vọng quý vị phụ huynh hãy yêu con tỉnh táo, mong quý nhà trường, thây cô hãy dành nhiều tình thương cho học sinh, đừng biến chúng trở thành những cá nhân khuyết tật trong tâm hồn.

Đỗ Minh Trang

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Tôi mệt mỏi vì bị phụ huynh giám sát cả ngày qua camera

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *