Con 14 tuổi đã yêu đương – ngăn cấm hay thoả hiệp?

Chị đồng nghiệp của tôi mượn điện thoại của con gái dùng và phát hiện cháu đang yêu bạn cùng lớp.

Do hết pin nên chị mượn điện thoại của con gái để trả lời tin nhắn khách hàng. Lúc vào ứng dụng nhắn tin để đăng nhập tài khoản, chị bất ngờ phát hiện một liên lạc có kèm biểu tượng trái tim màu đỏ thắm ở cuối tên. Bằng sự tò mò của một người phụ nữ làm mẹ, chị nhấp vào, đọc hết tin nhắn và phát hiện con gái của mình đang hẹn hò với bạn trai cùng khối nhưng khác lớp.

Ngày hôm sau chị kéo tôi đi ăn trưa sớm rồi xổ ra một tràng bất tận về tình yêu của con mình. Chị nói mới học lớp 9 mà biết yêu đương rồi, như vậy là quá sớm. Chị bảo cả đêm không chợp mắt ngủ được vì tình yêu đôi lứa của cô con gái.

“Nó đang học năm cuối cấp, chuẩn bị lên cấp 3 mà bồ bịch thì thời gian đâu mà học hành”. Rồi chị đưa ra hàng loạt câu hỏi, đại ý không biết mở lời với con thế nào, “chẳng lẽ bây giờ nói mẹ vào điện thoại thì thấy tin nhắn của con và bạn trai, trong khi trước giờ mình dạy con đọc trộm thư từ, tin nhắn của người khác là xấu”. “Bây giờ phải làm gì, có nên ngăn con gái yêu đương không”.

Câu chuyện con gái chị đồng nghiệp của tôi biết yêu có lẽ nhiều người làm cha mẹ không sớm thì muộn sẽ phải đối mặt nhưng không biết nên giải quyết thế nào.

Tôi nghĩ rằng nếu nói học lớp 9 biết yêu là sớm, thì bao giờ mới là muộn? Thời của chúng ta khi chưa có smartphone thì viết thư tình kẹp trong quyển vở hay nhét trong hộc bàn. Cậu trai để ý cô nàng lớp kế bên mà không sao có cơ hội tiếp cận, rất trăn trở nên mới làm thơ tỏ tình “mang đến lại mang về”.

Tuổi thiếu niên sống trong mơ mộng, thấy cô bạn cùng bàn hay anh bạn lớp kế bên thì chuyện nảy sinh tình cảm là bình thường. Tuổi này mơ mộng nhưng cũng rất dễ bị kích động bởi chúng dễ bị xấu hổ. Trẻ bây giờ phát triển nhanh và sớm, lớp 9 đã hình thành cái tôi riêng của chúng rồi. Cái tôi riêng của mỗi người là ngôi đền mà kẻ nào đốt sẽ ngay lập tức trở thành kẻ khó tha thứ. Nếu một ngày cha mẹ tự dưng nổi đoá, ngăn cản hay cấm yêu thì rất có thể chúng đi từ tổn thương đâm ra nghĩ quẩn hoặc thù ghét cha mẹ.

Tôi hỏi chị: “Chị nói thiệt đi, hồi đi học chị biết rung động là năm lớp mấy?” – Chị chau mày rồi trả lời tôi: “Cuối năm lớp 11”. Tôi liền nói: “Như vậy là đúng rồi, với người này là lớp 9, người kia là lớp 11, không thể xác định được khi nào là sớm, khi nào là muộn được đâu”.

Tôi bày cho chị đồng nghiệp là vờ như vô tình gửi link những bài báo hậu quả của yêu sớm, mang thai, phá thai, đẻ con rớt trong thời gian gần đây vào group chat gia đình. Trẻ gái khi yêu thường có xu hướng điệu đà, chải chuốt, thích soi gương hơn. Lúc này có thể giả vờ nói: “Chà, công chúa nhà này nay lớn rồi, khéo có khi lấy chồng được rồi nhỉ”, rồi tuỳ theo thái độ của con mà có thể “tấn công” hoặc phòng thủ, tuỳ diễn biến.

Tôi cho rằng khi đặt vấn đề chuyện yêu đương của con cái, các bậc cha mẹ nên tiếp cận một cách khéo léo và tâm lý nhất. Hãy ngầm cho trẻ thấy là cha mẹ đã biết chuyện tình cảm của con, nhưng không tỏ thái độ phản đối hay ngăn cấm, cũng không ủng hộ.

Thà vẽ đường cho hươu chạy đúng, còn hơn để chúng chạy sai đường. Là phụ huynh của các trẻ gái thì cũng nên dìu dắt, giúp con chuẩn bị tâm lý, kiến thức về những bài học giới tính để phòng những trường hợp tồi tệ.

Thanh Hà

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Tại sao nhiều cha mẹ đánh mắng con mất kiểm soát?

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *