Công chúng không nuôi, nghệ sĩ chỉ ‘hữu danh vô thực’

Một số nghệ sĩ được công chúng yêu mến nên mới có ‘danh’ và lợi dụng danh tiếng đó để sinh ‘lợi’ cho mình.

Tôi không thật đồng tình với quan điểm của tác giả bài viết “Không ai nuôi ai trong xã hội“. Thời gian qua, những lùm xùm xung quanh câu chuyện của các nghệ sĩ đã gây nên nhiều điều không hay với công chúng. Tôi cho rằng không nên nhìn nhận câu chuyện này theo góc nhìn kinh tế.

Còn vấn để “ai nuôi ai?” hay “người nuôi người” thì cần phải nhìn nhận một cách khách quan. Vậy công chúng có nuôi nghệ sĩ không? Xét về lý thì không. Nhưng về tình, chữ “nuôi” này đang chỉ thẳng vấn đề danh và lợi của người nghệ sĩ. Bản thân nghệ sĩ xem là có cũng được, không cũng chẳng sai.

Ví như một sinh viên diễn viên mới ra trường, chưa có quen biết, chưa có fan, chưa có khán giả, tại sao họ sẵn sàng bỏ tiền nhờ truyền thông, các ông bầu lăng-xê? Tại vì cái nghề họ phải có “danh” trước thì mới có “lợi” được. Họ phải tham gia các gameshow, các chương trình… để có danh tiếng (và hiện tại không ít người đã làm được) nhưng sau đó, việc họ được mời đi show nhiều là vì họ đã có “danh” và đang hưởng lợi từ việc khán giả biết đến.

Họ được lợi vì đông đảo người chờ mua vé để xem họ thể hiện mà bỏ qua các nghệ sĩ mới khác. Và họ có nhiều công chúng quan tâm nên nhà hàng họ mở, mặt hàng họ bán, hay các mỹ phẩm họ kinh doanh mới được khách quan tâm, mua ủng hộ, chứ chưa chắc mua để dùng. Còn các công ty lớn lại mời họ làm đại diện thương hiệu, muốn mời họ lên sàn diễn sẽ phải bỏ số tiền lớn hơn rất nhiều so với lúc họ chưa có tên tuổi.

>> Nghệ sĩ ngộ nhận ‘không cần công chúng nuôi’

Chúng ta phải nhìn đúng vấn đề là một số nghệ sĩ được công chúng yêu mến nên mới có danh và lợi dụng danh tiếng đó để sinh lợi. Bản thân nghệ sĩ xem đó là ơn nghĩa hay là lợi dụng đều là do trí và đức của chính họ mà thôi.

Do đó, chữ “nuôi” mà công chúng nói là vấn đề tình cảm họ dành cho nghệ sĩ chứ không phải so đo vật chất họ bỏ ra cho nghệ sĩ đó. Công chúng không đòi hỏi ở nghệ sĩ sự công bằng như trong quan hệ lợi ích kinh tế. Còn nếu nghĩ theo hướng “tôi bỏ tiền ra để được lăng-xê, tôi mua danh, nên giờ bán vậy ai mua thì mua” thì có xứng với hai chữ “nghệ sĩ” không ?

Như góc nhìn tôi đang phân tích, vì có công chúng thì nghệ sĩ mới nên sự nghiệp. Phải đặt vấn đề là “tình cảm của công chúng là cái gì trong mắt nghệ sĩ?” mới đúng. Cho nên, chúng ta không thể gây náo loạn và gom nghệ sĩ vào mà nói nặng lời gây tổn thương. Trí và đức của mỗi người khác nhau nên chúng ta cần thông tin và biết chọn lọc để phán xét trước khi làm tổn thương nhầm những con người có tài, có đức và có tâm.

Việc đánh đồng giá trị văn hóa với lợi ích kinh tế thế sẽ gây tổn thương các nghệ sĩ chân chính, dành hết cả đời để làm nghệ thuật. Cho dù là nghề nào thì danh và lợi cũng phải được phát sinh từ tài – đức – tâm thì mới vững bền. Không có công chúng hay khán giả nào nói nghệ sĩ không được mưu cầu lợi ích cả.

Trịnh Lã Nguyên Triều

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *