Cổng đổ, tường sập và niềm tin lung lay

Sập cổng, đổ tường, rơi quạt trần, bỏ quên trẻ trên xe… hàng loạt chuyện không hay ho về ngành giáo dục rộ lên những ngày đầu năm học mới.

Vậy là tuần học đầu tiên của gần 23 triệu học sinh trên toàn quốc đã đi qua sau một kỳ nghỉ hè chưa từng có và trước đó là một mùa tựu trường cũng trong hoàn cảnh có một không hai. Dẫu sao thì đó cũng là do nguyên nhân khách quan (do dịch bệnh) nên bỏ qua. Điều tôi muốn nói là những chuyện tưởng như đã cũ nhưng vẫn luôn mới và nó thuộc về đạo đức, niềm tin, trách nhiệm, cái tâm, cái tầm của những người liên quan.

Tại sách Đạo đức lớp một mới được xuất bản, đã đưa ra những khái niệm cơ bản về các phẩm chất đạo đức như: lòng yêu nước, lòng nhân ái, đức tính chăm chỉ, trung thực và tinh thần trách nhiệm… Cụ thể hơn, tại bài sáu của cuốn sách giáo khoa này, đã dạy cho đứa trẻ sáu tuổi “không được nói dối và phải biết nhận lỗi”. Xuyên suốt cuốn sách học làm người đầu đời ấy, người biên soạn, người duyệt, người dạy, cùng thống nhất cao với nhau một điều: dạy con trẻ – những công dân tương lai – bài học về cách làm người tử tế.

Hơn thế nữa, những kiến thức liên quan đến đạo đức con người không chỉ có ở môn Đạo đức (lớp lớn hơn gọi là Giáo dục công dân), mà nó được hiện diện ở hầu khắp các môn học xã hội và trong suốt trong 12 năm học phổ thông. Điều đó rất đúng đắn, không có gì phải bàn. Tuy nhiên, những người giảng dạy môn học này, với trọng trách “trồng người”, đã và đang làm gì để nêu gương cho các học trò? Học luôn đi với hành, nhưng khi trong lớp các em được học những điều tử tế, đến khi bước ra khỏi trường, các em lại thấy thầy giáo của mình làm những chuyện không như sách dạy, vậy học sinh sẽ “hành” theo sách hay theo thầy?

Mới đầu năm học mới, nhưng ngành giáo dục đã rộ lên hàng loạt chuyện không hay ho gì, đơn cử như: sập cổng, đổ tường, rơi quạt trần, bỏ quên trẻ trên xe, bắt học sinh tiểu học dọn dẹp vệ sinh tại vị trí nguy hiểm… Hậu quả từ những sự cố đáng tiếc tại trường học như vừa nêu trên, thậm chí còn đã làm một số học sinh thương, vong.

>> Xây dựng ‘quy trình an toàn trường học’ sau vụ cây đè 13 học sinh

Về sách giáo khoa, ngoài vụ việc “đôn giá bộ sách lớp một lên đến trên 800 nghìn đồng”, thì công tác biên soạn cũng có vấn đề. Cụ thể như: tại tập một “Vở bài tập toán lớp một” đã dạy trẻ phân biệt bốn chất “cơ, rô, chuồn, bích” từ những lá bài tây. Vì sao vậy? Hay một cuốn sách Toán cấp THCS với các bài tập thực tế, mà ngay từ ngoài bìa sách đã in hình danh nhân và nghệ sỹ cải lương. Phải chăng những người biên soạn, xuất bản muốn Việt hóa môn Toán học, muốn đưa nghệ thuật và lịch sử lồng ghép vào môn học khô khan này, hay muốn kết hợp “ba trong một” cho cả nhà cùng vui theo kiểu con cháu làm Toán, bố mẹ xem phim dã sử, ông bà nghe cải lương?

Ngoài ra, câu chuyện về lạm thu luôn nóng mỗi đầu năm học, những khoản tiền vô lý tiếp tục tồn tại, nó được diễn ra từ năm này qua năm khác, tới mức chuyện bất thường đã như chuyện bình thường. Nó cứ như ung nhọt và ghẻ ngứa, nhưng chẳng có vaccine nào trị nổi được. Cứ sau mỗi chuyện như vậy lại là những trả lời, giải thích kiểu “Tam quốc”, đổ lỗi, thoái thác trách nhiệm. Vì sao vậy?

Nhiều ngành nghề có tiêu cực, nhưng ngành giáo dục là một trong ít ngành xã hội đòi hỏi khắt khe hơn, đặc biệt là đạo đức người thầy. Nếu xét thấy không yêu nghề, nghề không đủ đãi ngộ thì nên để người khác làm. Đừng dạy trẻ về sự trung thực, trách nhiệm, còn bản thân người làm giáo dục lại làm ngược lại, hỡi những “kẻ trồng người”.

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Nguyễn Trí Công

Ứng xử linh hoạt để học sinh không phải đứng nắng

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *