Công lý trên vỉa hè

‘Điếc à?’, người đàn ông phóng xe máy lên vỉa hè từ phía sau, bấm còi inh ỏi, ném về tôi ánh nhìn khó chịu vì đi bộ cản lối.

Người Việt có một thói quen rất lạ. Đó là cứ cái gì là của chung thì ai cũng muốn giành phần nhiều nhất cho mình thay vì nhường cho người khác. Điển hình như cái vỉa hè, vì chẳng phải của riêng ai nên người nào cũng muốn lấn, muốn chiếm nhiều nhất có thể. Vậy là hàng quán cố vươn ra tận mép đường để chưng dụng làm chỗ kê bàn ghế; xe máy cũng lao lên vỉa hè để biến đây là làn riêng, lối thoát cho mình; mấy người bán hàng rong tiện thể bày bán để đỡ tốn tiền thuê mặt bằng lại dễ dàng buôn bán; mấy bãi trông giữ xe tự phát cũng tranh thủ căng dây, dựng rào để mở rộng địa bàn hoạt động; hay lạ lùng hơn nữa là có chung cư, tòa nhà thương mại thản nhiên đóng cọc ngăn vỉa hè để biến đất chung thành của riêng… Cuối cùng, người đi bộ bất lực vì không tranh giành nổi.

Tôi từng sống và làm việc nhiều năm ở nhiều quốc gia phát triển trên thế giới. Dù có những điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội khác biệt, nhưng tôi thấy, trong giao thông, người đi bộ luôn là đối tượng được ưu tiên nhất. Họ có vỉa hè không quá rộng nhưng hoàn toàn sạch sẽ, không có chuyện lấn chiếm đủ kiểu như ở ta. Thế nên, đi bộ ở nước ngoài rất thảnh thơi, chẳng phải bận tâm tránh né hàng quán hay xe máy lao lên vỉa hè như ở Việt Nam.

Trở về nước, vẫn giữ thói quen đi bộ rèn luyện sức khỏe như ở nước ngoài, nhưng tôi không thể nào chịu nổi chỉ sau mấy ngày. Tôi ám ảnh đến mức sợ hãi khi nguy hiểm cứ rình rập khắp nơi khi đi bộ. Có lần, tôi giật nảy mình khi một người đàn ông đi xe máy lao lên vỉa hè từ phía sau, bấm còi inh ỏi để vượt lên. Không chỉ vậy, người này còn ném về phía tôi cái nhìn khó chịu kèm câu chửi: “Điếc à?”. “Tôi đang đi trên vỉa hè mà”, tôi nghĩ thầm trong đầu.

Lần khác, tôi phàn nàn với một quán bún vì kê bàn ghế lấn gần hết vỉa hè, khiến tôi không có lối đi. Ấy vậy mà chủ quán cùng đám nhân viên lao ra quây lấy tôi như thể muốn “ăn tươi nuốt sống”. Họ nói tôi là kẻ phá đám chuyện làm ăn của họ, thậm chí còn muốn lao vào ẩu đả. Sợ hãi, tôi đành im lặng rồi lẳng lặng luồn xuống lòng đường để vượt qua. Tôi nhận ra khi quyết định đi bộ ở Việt Nam, bạn phải chấp nhận chịu thiệt, đừng cố đòi lẽ phải bởi dù bạn đúng nhưng cũng không có ai chịu nhận sai và nhường nhịn bạn.

Tôi lại nhớ một lần đi bộ trong khu dân cư ở Nhật Bản, vì đường nhỏ, không có vỉa hè nên tôi buộc phải đi sát mép đường. Mọi thứ diễn ra rất bình thường, cho tới khi tôi bất chợt ngoái lại phía sau. Phía sau tôi, ba chiếc ôtô đang nối đuôi nhau chạy lặng lẽ phía sau, không một tiếng còi nào phát ra, họ chỉ chậm rãi chờ tôi đi phía trước và giữ một khoảng cách an toàn. Hành động đó khiến tôi sững người trong giấy lát. Ngại ngùng, tôi đưa tay ngỏ ý xin lỗi nhưng người tài xế ra hiệu cho tôi cứ tiếp tục hành trình. Tôi nhanh chóng bước đi tới đoạn đường rộng và nép vào cho họ từ từ băng qua.

Ở Việt Nam, dường như cái lý thường thuộc về đám đông. Xét về thành phần tham gia giao thông, số lượng người đi bộ đương nhiên thua xa số người đi xe máy, ôtô. Thế nên thiểu số phải phục tùng đám đông. Bởi thế nên mới nảy sinh ra những chuyện ngược đời như người đi bộ chấp nhận phải nhường đường cho xe máy lao lên vỉa hè, nhường đường cho ôtô mỗi khi sang đường… bằng không chẳng ai dám đảm bảo bạn sẽ được an toàn.

>> Quyền được đi bộ

Mỗi năm, các thành phố lớn lại chi ra hàng chục tỷ, thậm chí hàng trăm tỷ để lát lại những vỉa hè vỡ nát. Thế rồi, chẳng được bao lâu, những vỉa hè đó lại bị cày nát. Nếu chỉ có người đi bộ, chắc chắn chẳng phải dùng đến đá xịn, đắt tiền, vỉa hè cũng chẳng bao giờ hỏng. Có điều vỉa hè ở ta đang phải gánh trên mình đủ thứ bàn ghế, xe cộ. Thế nên chẳng trách đá vĩnh cửu cũng sớm “chết yểu” chỉ sau vài tháng.

Tất nhiên, nếu cứ chờ đợi ý thức của người dân được cải thiện, thứ vốn rất khó thay đổi một sớm một chiều, thì không biết đến bao giờ chúng ta mới có thể giành lại vỉa hè cho người đi bộ. Vì xã hội bây giờ, ai cũng bon chen với những lý do mưu sinh riêng. Thế nên, không còn cách nào khác là chúng ta phải dùng luật pháp để can thiệp.

Chúng ta nói nhiều về thất bại của đợt ra quân dọn dẹp vừa qua, nhưng đâu là nguyên nhân? Theo tôi, vấn đề nằm ở việc chúng ta chỉ làm theo phong trào, làm một cách gấp gáp và cứng nhắc. Tôi tin, nếu chúng ta ra luật cụ thể, có mức xử phạt nghiêm khắc và một đội chuyên môn làm việc liên tục, đều đặn, kết hợp với một lộ trình nhất định cho người dân xoay xở, ổn định cuộc sống, sau đó làm thật nghiêm, không nhân nhượng vi phạm, chắc chắn mọi thứ sẽ dần sẽ đi vào nề nếp. Không có thứ gì làm nửa vời mà đạt được hiệu quả bền lâu.

Để vỉa hè là của người đi bộ – chuyện tưởng chừng như đương nhiên ở mọi quốc gia văn minh, nhưng lại đang trở thành thứ quá xa xỉ với người Việt. Phải chăng việc lập lại trật tự trên vỉa hè ở ta bất khả thi? Tôi không nghĩ vậy, chỉ là chúng ra làm chưa đúng, chưa quyết tâm và có kế hoạch dài hơi. Thay đổi một thói quen xấu đã ăn sâu vào nếp nghĩ của phần đông người dân là chuyện chưa bao giờ dễ dàng. Nhưng khó không có nghĩa là không làm, vượt qua những trắc trở điểm xuất phát, những diều tích cực sẽ đến trong tương lai.

Nếu ai hỏi tôi có dám tiếp tục đi bộ ở Việt Nam hay không? Tôi sẽ trả lời “có”. Thậm chí, tôi mong nhiều người khác cũng sẽ như tôi. Người đi bộ cần tăng về số lượng để không còn mãi là thiểu số trong xã hội Việt. Khi có đủ số lượng lớn người dân cần vỉa hè để đi bộ, tôi tin xe máy hay hàng quán ven đường sẽ không còn dám cậy đông để bắt nạt chúng ta nữa. Giành lại vỉa hè là một chiến dài hơi và cam go, nơi ấy không chỉ cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng mà còn cần sự đoàn kết, đồng lòng của mỗi người. Đã đến lúc người đi bộ phải đứng lên lấy lại những gì vốn thuộc về mình.

Bảo Đỗ

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *