‘Công nghệ thô sơ’ của bà bán tạp hóa

Bà bán tạp hoá đăng danh sách dài các món hàng chỉ tầm một trang A4 và cho vào nhóm chat để mọi người lựa hàng.

Từ tháng 7, khu nhà tôi giãn cách xã hội. Bà bán tạp hóa cũng thay đổi cách bán hàng ngay lập tức. Bà đăng danh sách khoảng một trang A4 các mặt hàng đang bán, từ bánh kẹo rau trái, có loại gì và giá bao nhiêu, hoàn toàn là viết tay và đâu đó sai chính tả.

Hình chụp đăng lên nhóm chat mạng xã hội. Cư dân tự động vào hỏi thăm và đặt mua. Bà ấy chia bịch hàng, nhận chuyển khoản hoặc tiền mặt, xong người dân xung quanh đến lấy (lúc đó chưa cấm đi ra đường ban ngày).

Tất nhiên đây là quy mô nhỏ, nhưng ít nhất nó phục vụ được cho một cộng đồng khu chung cư nhà tôi. Nhưng tôi nghĩ, nếu suy rộng ra trên quy mô tổ dân phố, phường xã, quận huyện, việc này tính ra cũng không phải quá khó. Chỉ cần huy động sức nhiều người, đặc biệt những người trong ngành chuyên môn, là có thể làm được một tờ danh mục hàng hoá đơn giản chỉ chữ và số của từng siêu thị mini, cửa hàng bán lẻ trong các khu dân cư để cung cấp ra cho mọi người cần mua.

Trên thực tế, đâu đó nó cũng giống một số app siêu thị đặt hàng online thời bình thường. Tuy nhiên, hiện nay hầu như chỉ có app của hệ thống siêu thị nói chung, không phân chia khu vực. Như vậy, lượng người truy cập và mua hàng rất lớn, khó kiểm soát hàng tồn, dẫn đến tình trạng đơn hàng quá tải, hàng thiếu trước hụt sau.

Tôi nghĩ người dân không cần màu mè hình ảnh bắt mắt như để đưa lên quảng cáo web hoặc app điện thoại. Chỉ cần là một bản danh sách những hàng hoá mà một điểm siêu thị/ cửa hàng quanh khu dân cư đang có. Người dân sẽ không cần đổ xô đến ứng dụng của các siêu thị lớn gây tắc nghẽn. Họ tự ngồi nhà quạt mát, chọn xem có hàng gì và bấm đặt, thanh toán online luôn, không cần phải ra xếp hàng mệt mỏi mưa nắng để rồi vào tới trong… không còn gì để mua.

>> ‘Cuộc sống thời Covid-19 không thể thiếu shipper’

Thêm nữa là cập nhật thường xuyên tồn kho (hàng đã bán hết, hàng mới nhập về). Bản danh sách của siêu thị mini có chăng chỉ hơn bà bán tạp hoá là được hệ thống hoá, được chuẩn hoá, được liên kết trên toàn địa bàn thành phố. Một người dân bất kỳ có kết nối internet có thể tra cứu theo khu vực mình sinh sống, tìm ra nơi có hàng để mua.

Cái này cần các công ty công nghệ và bán lẻ ngồi lại với nhau. Cá nhân tôi có thể làm một bảng excel xuất nhập tồn để quản lý công việc bản thân, không có gì khó cả. Chỉ là khi đưa lên quy mô lớn cần đại lượng nhân lực, vật lực vào đó thôi. Nhưng khi mọi hàng hoá được kiểm soát bằng mã vạch, nhập xuất như các đơn vị giao hàng đang thực hiện, thì việc kiểm tra thời gian thực tồn kho của một món hàng bất kỳ hoàn toàn có thể tự thực hiện bằng máy móc, hay tầm cao hơn là trí tuệ nhân tạo.

Nhân viên con người chỉ là bốc xếp phân chia đúng bịch đơn hàng của khách. Và khách thì qua phần mềm đặt hàng sẽ biết ngay có hàng không, còn hàng gì. Một phần mềm hỗ trợ mua hàng mùa dịch có khi cũng chỉ là phiên bản phức tạp hơn của phần mềm quản lý kho, quản lý bán hàng trong công ty. Việc giao nhận thì không phải là không có người, nhưng cảm giác cứ manh mún, nhỏ lẻ, chia rẽ của rất nhiều đơn vị đang có mặt, mà nhìn đến cuối cùng thì tính hiệu quả không cao.

>> Hai biện pháp để tận dụng shipper mùa dịch

Chưa kể thói quen tiêu dùng tiền mặt trong dân vẫn còn quá đậm. Nhìn cảnh hàng dài chờ trước ATM mà ngán ngẩm, trong khi cũng cầm cái thẻ rút tiền đó người dân hoàn toàn có thể vào siêu thị mua hàng bất cứ lúc nào.

Tôi thấy sự bức thiết hiện hữu rõ nhất trong thời điểm cách ly này. Đó là mong muốn những doanh nghiệp lớn của Việt Nam đẩy nhanh bước chân tiến vào thời đại công nghệ. Tất nhiên không bỏ ai lại phía sau. Người già, người chưa có điều kiện hiểu biết công nghệ vẫn sẽ được hỗ trợ bằng bà con hàng xóm, bằng phiếu mua hàng từ tổ dân phố đưa.

Nhưng tôi tin 99% người biết dùng smartphone đều có mong muốn một ứng dụng đi chợ như thế, được chủ động đặt mua những gì mình cần, được yên tâm ngồi ngay tại nhà nhưng không có cảm giác mịt mù phía sau. Mùa dịch thì có thể giới hạn ở những combo, không nhiều lựa chọn nhưng có là tốt rồi.

Nhưng tương lai khi bình thường trở lại, thì việc đi chợ online sẽ trở thành kênh thu hút lớn cho các đại gia bán lẻ. Mà bây giờ là lúc người dân buộc ở nhà, là lúc họ bắt buộc phải quen với cách mua sắm từ xa mới. Có lẽ không lúc nào cơ hội thay đổi thói quen mua sắm online lại rõ như lúc này.

Nam

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *