‘Cử nhân đại học lương không bằng người bán cá’

‘Dù làm văn phòng lương thấp hơn người bán thịt, bán cá ngoài chợ, nhưng nhiều tiểu thương tôi gặp vẫn muốn con cái ăn học, bằng cấp đàng hoàng’.

“Nhiều tiểu thương tôi gặp luôn khẳng định rằng, phải cho con cái ăn học đầy đủ để sau này được làm việc trong những tòa nhà văn phòng, máy lạnh, điều hòa, không phải chịu mưa nắng, không phải vất vả sớm hôm, làm 30 ngày một tháng như thế hệ của họ. Dù làm văn phòng lương có thể thấp hơn người bán thịt, bán cá ngoài chợ, nhưng họ vẫn thích con cái mình được như vậy.

Bản thân tôi cũng từng làm thuê lẫn làm chủ, và thấy rằng, nếu làm chủ, bạn phải thuê được người giúp mình. Chứ nếu cứ một mình làm mọi việc thì thà đi làm thuê cho người khác còn hơn. Làm thuê cho bản thân một tháng 30 ngày, từ sáng tới tối, lo toan đủ bề, còn làm thuê cho người khác chỉ ngày tám tiếng, cuối tuần được nghỉ ngơi, thư giãn, tốt hơn nhiều”.

Đó là quan điểm của độc giả Thaibinhcity xung quanh câu chuyện Thạc sĩ bán chân gà nướng và 3 ý nghĩa của việc học. Mỗi người trong chúng ta từ bé đều được cha mẹ đưa đến trường học, được dạy bảo phải đi học, phải thi tốt, đạt điểm cao… Từ thế hệ này qua thế hệ khác, chúng ta dần quen với việc đi học, coi đó là một điều hiển nhiên. Ngay cả khi đi làm, hầu hết các doanh nghiệp đều tuyển dụng ứng viên có bằng cấp, từ bằng tốt nghiệp THPT đến bằng Đại học, bằng Thạc sĩ. Người người, nhà nhà đua nhau học tập, kiếm được điểm số cao, bằng giỏi, học vị cao, nhưng mấy ai hiểu học để làm gì, đâu là ý nghĩa của việc học?

Trả lời cho câu hỏi này, bạn đọc Thi Hang Nguyen cho rằng: “‘Học để con người trở nên tốt đẹp’ có thể không đúng với một số người, nhưng ‘học để nâng cao hiểu biết, để làm việc có hiệu quả hơn’ lại là điều có thể khẳng định chắc chắn được. Khi bạn học tốt môn văn học, chắc chắn bạn sẽ viết lách tốt hơn và soạn thảo văn bản ở bất cứ môi trường công tác nào cũng đều súc tích và đầy đủ. Khi bạn học tốt môn Toán và hiểu sự logic của nó, chắc chắn ra ngoài xã hội, bạn sẽ đủ khôn ngoan để thành công trong nhiều lĩnh vực… Đơn giản như tính chi phí, lợi nhuận trong kinh doanh của người bán ‘chân gà nướng’ chẳng hạn.

Vậy nên, học chẳng bao giờ thừa và con người nên luôn học hỏi. Thành công hay không còn tùy vào người học tự cảm nhận, tiếp thu kiến thức và vận hành được đến đâu? Nếu chỉ hiểu thành công là dư dả về tiền bạc hay danh vọng thì không hoàn toàn đúng. Anh nông dân học hỏi, tìm tòi rất nhiều mới có vườn cây trĩu quả, gia súc, gia cầm sinh sôi. Dù cũng không nhiều tiền gì lắm, nhưng anh ta sẽ tự hào vì được làm đều mình thích và đấy là thành công. Nhà nghiên cứu miệt mài trong phòng thí nghiệm, công trình thành công, chắc ông ta cũng chẳng giàu bằng người kinh doanh ngoài chợ, nhưng vẫn vui với thành quả của mình, đó cũng là thành công.

Có thể nói, tất cả những thành quả mà mỗi người đạt được đều nhờ vào việc học và hành, chứ không chỉ dựa trên tiêu chí tiền bạc hay danh vọng mới gọi là người thành công”.

>> Giảng viên đại học cầm máy khoan đi làm giàu

Không thể phủ nhận tầm quan trọng của mục đích học để làm giàu, cũng như các bậc phụ huynh luôn muốn con mình có bằng cấp, địa vị xã hội là không sai trái. Nhưng liệu đó có thật sự là điều con họ muốn, là ngành nghề mà con họ thích, là công việc mà con họ đam mê?

Nói về quan điểm sai lầm về sự học, độc giả Thanh chia sẻ: “Nhiều người đang hiểu lầm về việc học. Học là để mở mang trí óc, suy luận và tư duy… cho con người. Còn việc tiếp thu và áp dụng kiến thức để tạo ra thành quả lao động (kiếm ra tiền), chỉ là một trong những lợi ích của việc học, chứ không phải mục đích học là để làm ra thật nhiều tiền. Nhiều sinh viên ngày nay đang hiểu sai về ý nghĩa của việc học, nên khi ra trường thất nghiệp, họ quay lại trách móc rằng học chẳng mang lại lợi ích gì. Thử hỏi, những kiến thức về văn hóa dân tộc, địa lý, pháp luật, lễ nghĩa… của họ ở đâu ra? Chính là từ quá trình học tập.

Xã hội hiện nay thường đánh giá thành công của mỗi người chỉ dựa theo tiêu chí có nhiều tiền bạc. Nhưng thực ra, định nghĩa thành công rất rộng, mỗi người có một mức độ, tiêu chí thành công của riêng mình. Ví dụ, không thể đánh giá con cá giỏi nếu dựa theo tiêu chí nó phải biết leo cây… Nên khi đi học, chúng ta đừng mang theo tư tưởng rằng học xong phải kiếm được nhiều tiền. Chỉ có lao động mới giúp bạn kiếm được tiền, lao động càng hăng say thì sẽ có càng có nhiều tiền.

Còn nếu muốn giàu, bàn phải biết vận dụng kiến thức, kỹ năng vào trong lao động, cộng thêm một chút nhạy bén trong kinh doanh và may mắn trogn sự nghiệp. Cổ nhân có câu “Ấu bất học, bất tri lý”, nên phải học từ những cái nhỏ nhất”.

Nhấn mạnh việc học luôn có lãi, bạn đọc Pham van trung cho rằng: “Học là để con người được tiếp cận các phương thức theo hướng học thuật về một hoặc vài vấn đề nào đó trong cuộc sống. Từ đó, giúp con người ta có góc độ hàm lượng khoa học nhất định, đủ để đánh giá, nhận thức về những hành động cử chỉ lời nói, một cách phù hợp hài hòa nhất có thể. Cốt lõi, đi học để có bằng cấp, kiến thức, để phục vụ công việc, để làm ra nhiều tiền và lo cuộc sống. Nhưng tùy mức độ học, từ cấp ba, trung cấp, cao đẳng, đại học, thạc sĩ… sẽ có nhưng tiếp thu và góc nhìn hoàn toàn khác, vì nó sẽ chịu ảnh hưởng từ những người trực tiếp giảng dạy. Thế nên, nếu có điều kiện để đầu tư vào học thì sẽ luôn có lãi. Đừng vì kinh tế mà xóa nhòa đi những giá trị cốt lõi từ việc học mang lại, đó là tri thức”.

>> Anh thợ sửa xe làm giàu ‘không cần học’

Với việc học, có ba câu hỏi tối quan trọng: “Học cái gì?”; “Học thế nào?”, và “Học để làm gì?”. Trong số ba câu hỏi này, “Học để làm gì?” là quan trọng nhất, vì nếu trả lời được câu hỏi này thì hai câu còn lại sẽ tự động có đáp án. Học để thi; học vì bố mẹ bảo học; học vì không biết làm gì khác; học mà không biết học để làm gì; học vì mọi người đều như vậy; hay học như một quán tính, hết cấp 1 thì lên cấp 2, lên cấp 3, rồi vào đại học…?

Nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng của việc học, độc giả Quang Minh kết lại: “Ở các nước phát triển, người ta học vì yêu thích. Họ cũng có một hệ thống hướng nghiệp rất tốt, giúp người học nhận ra những thế mạnh, sở thích… của ban thân, từ đó học say mê và gặt hái được những thành công vượt bậc. Ngược lại, ở Việt Nam, đa phần học sinh chỉ học vì mong ước của cha mẹ, đua vào trường điểm, trường top đầu, thậm chí chọn ngành cũng là theo ý muốn của cha mẹ. Trẻ không học vì đam mê, sở thích, không phát huy được những thế mạnh của mình, nên luôn thấy nhàm chán việc học và ra trường cũng chỉ làm việc làng nhàng. Thế nên, vai trò của việc học ở nước ta mới bị xem nhẹ.

Thử hỏi, học để làm gì khi hết 4-5 năm đại học ra trường đi làm, lương còn thua thu nhập của một người buôn bán nhỏ? Thế nhưng, nếu bạn thật sự đam mê với nghiệp buôn bán thì khi đó việc đi học sẽ giúp bạn thu nhận được rất nhiều tri thức rất hữu ích cho việc kinh doanh, công việc của bạn sẽ phát triển tốt và bền vững hơn, việc học lúc đó mới có ý nghĩa. Rất may là những bạn trẻ sau này đã bắt đầu biết chọn ngành học theo đam mê, sở thích của mình, không như ngày xưa cứ chọn trường thi Đại học là chỉ loanh quanh ‘Nhất y, nhì Dược, tạm được Bách khoa, bỏ qua Sư phạm’, rất phiến diện.

Thế nên, chúng ta rất cần giáo dục hướng nghiệp tốt. Nền giáo dục mạnh không phải là nhồi nhét càng nhiều kiến thức hàn lâm vào đầu trẻ, để học sinh thi giải này, giải kia, mà là giúp cho nhiều trẻ phát hiện ra sở thích, sở trường của mình càng sớm càng tốt. Từ đó, các em có thể chọn đúng nghề yêu thích và phát huy nó đến đỉnh cao của sự nghiệp”.

Lê Phạm tổng hợp

>> Theo bạn, học để làm gì? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *