‘Cử nhân tay nghề kém vì nhiều trường tuyển sinh bất chấp’

Để có được sinh viên, nhiều trường tổ chức marketing rầm rộ và hoành tráng, phòng tư vấn tuyển sinh trở thành phòng “bán hàng”.

Cách đây hơn 20 năm, tôi học xong trung học phổ thông thì phải ráo riết tìm trường. Tìm đỏ mắt mới có trường dạy những ngành mình yêu thích. Thời nay, học sinh chỉ cần ngồi nhà, ba giây gõ từ khóa trên mạng là có rất nhiều trường nghề, đại học, tha hồ chọn lựa.

Tôi làm trong ngành đào tạo nên được tham quan. Hồi năm 2000, tôi đến một số trung tâm đào tạo dạy nghề ở TP HCM. Khi đó, các thầy cô và ngay cả Ban giám hiệu hầu như không biết marketing là gì. Họ không có tờ chương trình giới thiệu trường, càng không có bộ phận tư vấn tuyển sinh. Học viên tự biết trường và tìm tới đăng ký.

Tôi cũng từng đi tham dự các buổi hội thảo chuyên đề về giáo dục. Quan điểm xem học viên là khách hàng đối với các thầy cô còn là một điều rất lạ lẫm. Ngày nay, lãnh vực giáo dục năng động hơn khi nhà nước khuyến khích đầu tư tư nhân. Hàng loạt cơ sở đào tạo từ ngắn hạn đến đại học mọc như nấm.

>> Đào tạo đại học và chuyện kỹ sư ‘made in Việt Nam’ bị cười cợt

Để có được học viên họ đã các hoạt động marketing rầm rộ và hoành tráng. Phòng tư vấn tuyển sinh trở thành phòng “bán hàng”, “tiếp thị” mọi cách để tìm được học viên. Đó là quy luật của thị trường. Hoạt động marketing không còn xa lạ. Ngay như chương trình đào tạo đầu bếp cũng phải cho học viên các kiến thức cơ bản về marketing.

Tôi nhận thấy, có nhiều trường, Hiệu trưởng chỉ tập trung vào việc có bao nhiêu học viên hàng tháng, hàng năm. Họ áp doanh số cho bộ phận tuyển sinh, áp doanh số cho từng nhân viên tư vấn.

Song, các cam kết có việc làm, giới thiệu việc làm, được học đúng chương trình, đội ngũ giảng viên có chất lượng, cơ sở vật chất đạt chuẩn… gần như chỉ là những lời hứa suông. Việc khuyến khích đầu tư tư nhân trong hoạt động giáo dục đào tạo cũng có những mặt hạn chế. Bên cạnh đó còn có các mặt chưa tốt trong môi trường giáo dục như hạn chế về mặt hậu kiểm, chưa có hệ thống đánh giá, kiểm định đồng bộ, buông lỏng quản lý trong các hoạt đồng đào tạo.

>> ‘Bỏ qua bằng cấp không phải cách tuyển dụng hiện đại’

Khi tham qua các mô hình giáo dục tiên tiến trên thế giới, tôi thấy họ cũng có các hoạt động marketing nhằm thu hút các học viên. Nhưng họ quảng bá các chương trình học cập nhật, đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Họ có đội ngũ giảng viên chất lượng, cơ sở chất vất đạt chuẩn và các hoạt động phục vụ sinh viên tạo môi trường học tập năng động và trung thực.

Còn ở ta, có những lãnh đạo trường không liên quan đến ngành nghề đào tạo, dẫn đến hệ quả trường chạy theo doanh số bất chấp chất lượng. Người học lãnh hệ quả. Từ đó, dẫn đến xã hội tiếp nhận những lao động không chất lượng, năng suất tay nghề kém.

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Trần Thị Xuân Quyên

Đừng làm hoen ố tháp ngà đại học

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *