Đàn ông Việt cần thoát khỏi ‘bẫy nam tính’

Nhiều người nói rằng chỉ thấy phụ nữ “ế”, điều này chứng tỏ rằng đàn ông cần vợ chứ chị em không phải ai cũng cần có chồng.

Luật sư Khanh Huỳnh sống tại Mỹ, chia sẻ bài viết nhân dịp Quốc tế phụ nữ 8/3:

Sắp tới ngày 8/3, người ta lại đem phụ nữ ra để tôn vinh. Các anh thì tự hỏi vì sao không có ngày nào để tôn vinh mình hết. Trên thực tế thì 364 ngày còn lại trong năm, các anh là những người được tôn vinh. Tình cảnh này được thể hiện rõ nhất trong câu “Hôm nay ngày 8/3, tôi giặt giùm bà cái áo của tôi”.

Sự khác biệt vai trò của nam và nữ thể hiện rõ nhất trong hôn nhân. Hôn nhân là nền tảng của xã hội, nó là nơi sinh ra thế hệ tương lai để tiếp nối loài người. Không có hôn nhân thì người ta vẫn có thể sinh, còn trên thực tế thì loài người rất ít phụ nữ nào muốn làm mẹ đơn thân, không có người đàn ông bên cạnh để cùng mình chăm sóc con trẻ.

>> Thất nghiệp – ác mộng của phụ nữ trung niên

Ở thì quá khứ, đàn ông làm ra tiền và đàn bà sinh nở, nội trợ và nuôi con. Ở thì hiện tại, phụ nữ đã có gia đình và có con đi làm rất nhiều. Tuy vậy, các ông chồng không phải ai cũng “tiến hóa” kịp theo xu hướng này. Rất nhiều ông chồng vẫn khăng khăng rằng nhiệm vụ của mình là kiếm tiền và như thế là đủ.

Chính vì vậy nên ngày càng nhiều những vụ ly hôn. Điều thú vị nhất là tỉ lệ phụ nữ đưa đơn ly hôn ở Việt Nam và ở Mỹ là … như nhau. 70% số đơn ly dị là do phụ nữ đưa đơn. Nguyên nhân thì chắc cũng như nhau, do gánh nặng sinh nở nên phụ nữ mất mát quá nhiều trong cuộc hôn nhân và khi đức ông chồng không mang tới được lợi ích thì ông ấy lại trở thành một khúc ruột thừa, đau thì nên đem ra cắt cho nó ổn.

Hôn nhân gồm có những gì? Nó là sự đóng góp kinh tế, hợp tác sinh con, hợp tác chăm sóc con, và các công việc nội trợ trong nhà cho cuộc sống hàng ngày. Ai cũng cần tiền để mua thức ăn và ai cũng cần phải bỏ công sức ra nấu nướng, dọp dẹp. Ai cũng cần tiền để mua quần áo và ai cũng phải lo giặt giũ ủi đồ. Ngày trước thì chồng lo việc trước vợ lo việc sau. Nay vợ cũng kiếm được tiền nhưng các ông chồng không chịu làm các việc ở vế sau thì người phụ nữ cảm thấy họ chả được gì từ người đàn ông, họ bỏ đi là phải.

>> Cùng tác giả: ‘Nếu bạn có tiền, lập di chúc ngay’

Đấy là những người phụ nữ muốn có con. Với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật và nền tảng tài chính ngày nay thì việc có con cũng không còn là thiết yếu cho cuộc sống. Ngày xưa già cậy con, không có con là không nơi nương tựa. Nay thì nơi nương tựa là tiền chứ không phải con, nhu cầu có con vì vậy giảm sút. Khi không cần có con thì phụ nữ tất nhiên cũng không cần chồng mà họ chọn cuộc đời FA.

Đó là những điều đã và đang diễn ra ở rất nhiều nước, đặc biệt là Nhật, Hàn Quốc và Trung Quốc. Đặc điểm chung của cả ba nước này là nền kinh tế phát triển nhưng bất bình đẳng giới thì cứ vậy. Vai trò kiếm tiền của nam giới trong xã hội được đề cao trong khi phụ nữ cũng kiếm được tiền. Không cần tiền thì phụ nữ cần người cùng chăm sóc con cái, cùng làm việc nhà, cùng bày tỏ sự quan tâm tới nhau. Những người đàn ông không đáp ứng được các yêu cầu này sẽ không có nhiều giá trị trên thị trường hôn nhân. Hậu quả là tình trạng độc thân lâu dài và bền vững ở cả hai giới.

>> ‘Con anh, con em, con chúng ta’

Hậu quả đó thật ra cả xã hội đều phải gánh. Các nước Nhật, Hàn Quốc và Trung Quốc đều khổ sở với tình trạng dân số già đi. Về lý thuyết thì các cá nhân khi già mà có tiền thì có thể thuê người chăm sóc, dùng tiền mua các sản phẩm khác nhau. Trên thực tế thì với số lượng người già tăng cao, chả còn lại bao nhiêu người trẻ để bán sức lao động, làm ra sản phẩm để bán. Italy đã được nếm mùi này trong dịch Covid-19. Chẳng những số người chết cao, các bác sĩ sững sờ khi họ nhận ra rằng bệnh nhân trong viện là người già và các nhân viên y tế cũng già không kém.

Ở Việt Nam, nhiều người nói rằng chỉ thấy phụ nữ ế chứ ít khi thấy đàn ông ế. Điều đó chỉ nói lên rằng, nam giới Việt Nam cần có vợ chứ phụ nữ không phải ai cũng cần có chồng. Khi tình trạng cân bằng giới tính tăng cao thì nước Việt e là sẽ phải theo bước các nước Nhật, Trung, Hàn, chỉ là với rất ít tiền và không thể sang các nước khác “tìm vợ” như trong các cuộc môi giới hôn nhân cho nam giới Hàn Quốc.

Đã đến lúc nam giới Việt Nam cần phải suy nghĩ lại về vai trò của mình trong hôn nhân và “tiến hóa” cho kịp thời đại. Các ông bố bà mẹ nên nghĩ về việc giáo dục con trai của mình để các bé trai kịp thay đổi nhận thức từ nhỏ.

Những người đàn ông cho rằng nam giới chỉ cần biết kiếm tiền mà không quan tâm gì tới những vấn đề khác trong cuộc sống vì nó “nhỏ nhoi” sẽ chợt nhận ra rằng họ cần những thứ nhỏ nhoi đó mới sống được. Ở Trung Quốc chẳng hạn, chỉ có các anh tuyệt vọng cầu cứu chính quyền trên đường tìm vợ chứ đâu có chị nào phải làm như vậy. Để cho nước ta không rơi vào cái bẫy “nam tính” của nước bạn, chúng ta phải hành động ngay từ bây giờ.

Đó là, hỡi các ông chồng, hãy rửa chén, quét nhà, giặt giũ, bế con, từ ngày hôm nay. Và ngày nào cũng thế.

Khanh Huỳnh

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *