Đau đầu giải bài toán quán nhậu 400 triệu

Chủ quán nhậu không biết nên dừng hẳn để tránh phá sản hay vẫn tiếp tục chờ thời sau dịch.

Sáng qua, vì quá thèm bánh mì, tôi chạy một vòng khu phố để tìm mua. Tôi thấy chị chủ tiệm tạp hóa có để một giỏ bánh mì không và treo biển ba ổ 10 nghìn đồng. Tôi mua liền 6 ổ với giá 20 nghìn đồng để cả nhà thỏa cơn thèm bánh mì trong suốt thời gian qua.

Tôi chợt nghĩ chị tạp hóa đã nhanh nhạy kiếm thêm với việc bán “combo bánh mì không”, dù tiền lời có lẽ cũng chỉ chút đỉnh. Đúng là nhiều người trong chúng ta giỏi buôn bán, trong hoàn cảnh nào họ cũng xoay xở được trong cái khó, ló cái khôn. Đi thêm một đoạn ngắn, tôi thấy rải rác các cửa hàng “ngoại đạo” cũng đang bán thêm thực phẩm, đồ ăn làm sẵn để trang trải chi phí.

>> Rủi ro rình rập ‘start-up’ quán cà phê sau dịch

Thế nhưng, theo tôi, tình hình kinh doanh có lẽ sẽ gặp khó khăn một thời gian, ít nhất là đến cận Tết 2022- thời điểm kích cầu mua sắm vì nhiều nguyên nhân. Và có lẽ ngành hàng gặp khó khăn nhất vẫn là ngành ăn uống, cà phê, quán nhậu…

Những ngày giãn cách đã kéo tôi và anh chủ quán nhậu thuê mặt bằng sát bên nhà gần nhau hơn. Chúng tôi hay uống trà vào buổi tối với nhau trong một tháng gần đây.

Ngày thường, tôi rất phiền với cái quán này. Vì một lẽ nó khá ồn ào vào buổi tối, lúc mà cả gia đình sinh hoạt, ăn cơm, và nhất là khi tôi rất cần một sự yên tĩnh để nghỉ ngơi sau một ngày làm việc.

Nhưng gần bốn tháng qua, đôi lúc tôi lại ra ban công nhìn qua quán nhậu và chỉ thấy một sự im lìm. Đôi lúc, tôi chợt quên đi đã có một thời phải chịu đựng tiếng ồn như thế. Và bây giờ, hơn lúc nào hết tôi lại thèm cảm giác ấy. Anh chủ quán nói với tôi rằng không biết sắp tới có buôn bán lại được và khách có đến ăn uống như thời điểm trước dịch không.

Tôi nói chuyện đó e khó về nhiều mặt và thấy anh ấy trầm tư. Anh chủ quán nhậu này người quê, thuê mảnh đất sát bên nhà tôi mở quán nhậu đã được gần 4 năm nay. Số tiền đầu tư những năm qua đổ vào đã gần 400 triệu đồng, dự định thuê thêm chỗ để giữ xe cho khánh thì dịch ập đến.

Thời gian qua, anh đã cho các nhân viên nghỉ việc, chỉ giữ lại 3 người với hy vọng sẽ làm lại từ đầu sau khi dịch kết thúc. Khi được hỏi nhận định về tình hình buôn bán sắp tới, tôi nói với anh rằng lựa chọn bây giờ chỉ có hai: một là cắt lỗ giải tán quán nhậu và tìm con đường kinh doanh khác, hai là thay đổi mô hình.

Thay vì trông chờ vào khách và bán quán nhậu như trước kia, hãy linh động bán thêm thức ăn làm sẵn, đồ uống mang đi như cái cách chị tạp hóa kiếm thêm với việc bán bánh mì không.

>> Giãn cách chỗ ngồi một mét ở quán bia có khả thi?

Bởi lẽ với việc nhiều người về quê thì lượng khách cũng đã ít đi rất nhiều. Bên cạnh đó, chúng ta cũng không thể lơ là việc phòng chống dịch. Các hàng quán có thể sẽ được phục vụ tối đa 10-20 người cùng lúc. Vì vậy, nên tính toán kỹ lại các xem có trụ được với tình hình mới không? Nếu không thì hãy tất toán sớm để tránh việc tiếp tục lỗ, thậm chí là phá sản.

Đôi lúc bình thường, mọi người trong đó có tôi khó chịu hoặc thắc mắc vì sao các quán nhậu vẫn đông khách mỗi đêm. Nhưng lúc này tôi nghĩ kỹ lại, lượng khách đến các quán ăn, quán cà phê, quán nhậu như một chiếc “biểu kế” đo sức khỏe của thị trường.

Mọi người có làm việc, có tiền lương thì mới kéo nhau đến những quán này ăn uống. Và chính họ là những người trả tiền lương cho không ít những người được gọi là lao động tự do làm việc ở những quán này như: giữ xe, bưng bê, nấu nướng, rửa bát… đó cũng là một chuỗi lao động cần được quan tâm lúc này.

Chí Lương

>> Bạn có giải pháp kinh doanh nào tối ưu cho các quán ăn, quán cà phê, quán nhậu thời bình thường mới? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *