Dạy pháp luật cho học sinh mầm non, tiểu học

Sinh viên Đại học mới được dạy Luật đại cương – thừa các kiến thức không thực tế, nhưng lại thiếu hiểu biết pháp luật cơ bản.

“Tôi cho rằng, nên phổ biến pháp luật từ cấp hai cho học sinh vì các em hiện nay dậy thì sớm (cơ thể của người lớn mà đầu óc của trẻ con), chứ không cần đợi tới năm cuối cấp ba mới bắt đầu giáo dục. Việc học luật cũng cần phải diễn ra thường xuyên và liên tục trong nhà trường thì mới có hiệu quả lâu dài. Việc phổ biến pháp luật trong nhà trường cũng thường dễ dàng nhất trong các hình thức giáo dục khác. Luật nào cũng cần thiết đối với học sinh, luật giao thông thậm chí đã dạy các con từ mẫu giáo rồi, vậy lý do nào để chần chừ, trong khi việc phổ biến luật sẽ giúp ngăn ngừa phạm tội và giảm gánh nặng cho xã hội về sau”.

Đó là quan điểm của độc giả Nguyen phuoc xung quanh câu chuyện đưa giảng dạy pháp luật vào giáo dục phổ thông. Xu hướng những kẻ phạm tội ở tuổi vị thành niên ngày càng nhiều làm dấy lên những lo lắng, quan ngại trong dư luận xã hội. Thực tế, rất nhiều tình huống pháp luật hình sự, đến từ việc người vi phạm thiếu hiểu biết về pháp luật. Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định người đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm. Do vậy, chuyện dạy pháp luật cho học sinh đang trở nên vô cùng cấp thiết.

Bạn đọc Sukalala thậm chí còn cho rằng cần đưa pháp luật vào chương trình giáo dục ngay từ bậc mẫu giáo: “Đúng ra luật phải được dạy cho trẻ em rải từ nhiều cấp như: mẫu giáo có thể lồng vào chương trình học luật giao thông, mỗi cấp một, hai, ba đều có thể lồng vào chương trình các quy định hiện hành phù hợp cho từng độ tuổi. Chứ đợi lên Đại học mới có môn Luật đại cương sẽ không ai hiểu đến các quy định của luật pháp hiện hành. Việc không hiểu luật sẽ tạo ra hành động phạm tội ‘hồn nhiên’ ngày càng nhiều”.

Đồng quan điểm, độc giả A.ngau1122 nhấn mạnh: “Rất cần thiết phải đưa nội dung Pháp luật Hình sự lẫn Dân sự cơ bản vào giảng dạy tại môi trường Phổ thông trung học, ít nhất cũng là các tiết ngoại khóa, sưu tầm tình huống và làm bài báo cáo trao đổi nho nhỏ để giới trẻ làm quen và đọc hiểu, áp dụng các Quy phạm pháp luật vào đời sống thực tế. Ngoài ra, Luật Hôn nhân gia đình; Luật lao động cũng cần được phổ biến sớm để các em biết quyền và nghĩa vụ của mình khi tham gia lao động hay đặt bút ký vào bất kỳ Hợp đồng lao động nào”.

>> ‘Sinh viên không cần học word, excel’

Trong chương trình giáo dục ở các bậc học phổ thông, những kiến thức cơ bản về pháp luật cũng từng bước được đưa vào giảng dạy. Nhưng do hạn chế về thời lượng, cùng với đó là phương pháp truyền thụ theo kiểu thầy đọc – trò chép của giáo viên chưa thực sự sinh động, hấp dẫn nên thường xảy ra tình trạng “học trước, quên sau”, kiến thức không “đọng” lại được lâu.

Khẳng định tầm quan trọng của việc đổi mới phương pháp giảng dạy luật pháp cho học sinh, bạn đọc Hà Đào Thu cho rằng: “Chúng ta quá thừa các kiến thức không thiết thực và thiếu những hiểu biết pháp luật, cũng như kỹ năng sống cơ bản. Giờ hỏi về pháp luật bao nhiêu người biết các luật giao thông, luật dân sự cơ bản nhất, bao nhiêu người biết kỹ năng thoát hiểm khi cháy xảy ra, bao nhiêu người biết quyền lợi và nghĩa vụ của mình được pháp luật quy định như thế nào?

Tất cả kiến thức trên đều đến từ việc trả học phí của bản thân, hoặc sau khi đọc các bài báo xử lý vi phạm pháp luật thì mới tìm hiểu. Mà không phải sai lầm nào cũng có thể trả giá rồi có cơ hội làm lại. Xin các cơ quan giáo dục hãy nhìn nhận lại các giá trị cốt lõi trong cuộc sống là gì để đưa vào giảng dạy, thay vì chạy theo thành tích, học không còn thời gian thư giãn nhưng bước chân ra đường thì không còn nhớ được bao nhiêu, không ứng dụng được mấy. Cần phân biệt rõ đâu là kiến thức cơ bản, kiến thức bắt buộc và kiến thức chuyên môn, nâng cao để thời gian và kiến thực học không uổng phí”.

Đó cũng là quan điểm của độc giả Hồ Điệp: “Đối với học sinh phổ thông, việc đưa luật pháp vào giảng dạy cần nghiên cứu một cách toàn diện về phương pháp truyền đạt. Người ta vẫn nói: ‘Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ’, việc giảng dạy pháp luật cần có phương pháp phù hợp nhấn mạnh đến ý thức về hậu quả nghiêm trọng của các hành động sai trái trước rồi mới dạy về chi tiết các điều khoản xử lý vi phạm sau. Nếu giảng dạy mà chỉ như đọc bài giảng thì học sinh nghe tai nọ lại ra tai kia ngay. Một điểm quan trọng để thu hút sự chú ý và nhập tâm của người học là phần dẫn nhập trước khi giảng. Ở đó giáo viên phải làm sao cho học sinh thật sự ý thức được tính nghiêm trọng của vấn đề vi phạm thì bài giảng mới hiệu quả.

Ngay cả khi học luật giao thông về vấn đề khi nào sử dụng đèn xi nhan và phải xi nhan trước khi rẽ bao xa, tôi thấy cũng có rất nhiều người chỉ coi là quy định thụ động chứ không hiểu rõ ý nghĩa của hành động đó. Và do không nhận thức được mục đích nên ra đường rất nhiều người bật xi nhan là rẽ ngay mà không cần biết người đi sau đã nhìn thấy hay chưa? Đó là vì họ không nhận thức được sự nguy hiểm của hành động mình làm nên rất tùy tiện”.

>> Ảo tưởng học giỏi Toán, Lý, Hóa

Chỉ ra sai lầm trong công tách giáo dục pháp luật trong nhà trường hiện nay, bạn đọc Toan Trinh nhận định: “Thật ra, cái sai nằm ở cách tiếp cận môn học chứ không phải là ở phạm vi của môn học. Môn Đạo đức (chuyển thành Giáo dục công dân ở bậc trung học) lẽ ra cần tiếp cận theo hướng xây dựng các giá trị cốt lõi của một công dân, rồi mới tiến tới các giá trị cơ bản của một con người thời đại mới. Thế nhưng thực tế lại đang tiếp cận theo chiều ngược lại.

Vì sao chúng ta cần tiếp cận theo chiều từ công dân tốt đến con người tốt, chứ không phải là theo chiều con người tốt đến công dân tốt như cách đang tiến hành? Là bởi vì các giá trị cốt lõi của công dân tốt có thể lượng hóa được (chuẩn mực hóa) bằng việc tuân thủ, chấp hành pháp luật, những quy phạm cụ thể, có thể giới hạn phạm vi được (bằng quy định các hành vi khách quan một cách lý tính và cụ thể); do đó giúp cho các công dân trẻ dễ nắm bắt, dễ thực hiện để xây dựng các giá trị cốt lõi ở các giai đoạn phát triển nhân cách sau đó của chính mình.

Khi một nhân cách đang hình thành có được các giá trị cốt lõi (là ý thức công dân cơ bản), thì việc trang bị, xây dựng hệ giá trị cơ bản của con người sẽ thuận lợi hơn nhiều, trên cơ sở mở rộng các quan điểm, hành vi đúng pháp luật thành các quan niệm, hoạt động phù hợp đạo đức xã hội – vốn bao hàm các giá trị định tính là chính, chứ không được định lượng một cách cụ thể như các quy phạm pháp luật.

Nói một cách đơn giản, nền giáo dục Việt Nam cần đi từ việc dạy cái đơn giản, trực quan (là các hành vi khách quan phù hợp quy định của pháp luật) đến cái trừu tượng, phức tạp (là các đức tính, phẩm chất cơ bản của đạo đức con người trong điều kiện xã hội mới) trong giáo dục nhân cách cho học sinh, sinh viên nói riêng, và toàn bộ người dân nói chung”.

Thành Lê tổng hợp

>> Các ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *