Để Toán, Lý, Hóa không ‘cướp đi thanh xuân’ của học sinh Việt

Tuổi thơ, tuổi học trò của tôi không còn nữa khi phải lao đầu vào học Toán, Lý, Hóa để thực hiện giấc mơ trở thành nhà chế tạo máy.

Toán, Lý, Hóa là ba môn học tôi ghét nhất trong đời học sinh của mình, đặc biệt là môn Toán. Với Lý, Hóa còn có nhiều liên hệ thực tế, áp dụng vào cuộc sống. Nhưng tôi thực sự chẳng thấy môn Toán có liên quan gì trong cuộc sống, đã vậy còn lắt léo, đánh đố. Khổ nỗi, tôi lại thích ngành chế tạo máy, muốn làm ra những cỗ máy phục vụ cuộc sống, đi nhanh hơn, làm nhanh hơn, ít tốn kém hơn, thu được nhiều tiền hơn.

Năm lên lớp 6, cô giáo cho tôi một đề Văn, viết về mơ ước của mình. Tôi phóng bút, hình dung đang ngồi trên cỗ máy chạy nhanh hơn gió do chính mình chế tạo. Giấc mơ của tôi được cô giáo đọc cho cả lớp nghe. Nhiều đứa bạn nghe xong, quay xuống nhìn tôi với cặp mắt mơ huyền, có đứa chẳng giấu giếm, nói toạc ra rằng: “Học Toán thì kém mà mơ tưởng hão huyền”.

Tôi mạnh dạn đứng lên hỏi cô giáo: “Thưa cô, em muốn chế tạo cái máy đó thì phải học giỏi môn nào ạ?”. Cô giáo vốn biết tôi “dị ứng” với Toán, đặt nhẹ tay trên vai tôi và nói nhỏ: “Ước mơ là quyền của em, thực hiện ước mơ cũng là do em. Muốn thực hiện ước mơ đó, cô nghĩ em phải học giỏi Toán, Lý, Hóa để thi đậu vào Đại học Bách khoa”.

Và con đường học Toán, Lý, Hóa của tôi bắt đầu từ đó. Những sở thích thường ngày như nhảy dây, đá cầu… bị tôi bỏ sang một bên, chỉ còn một đích đến duy nhất: học thật giỏi Toán, Lý, Hóa để thi đậu vào Đại học Bách khoa, ngành chế tạo máy, để cho lũ bạn tôi hết coi thường.

>> Học Toán, Lý, Hóa không phải để tìm đáp số

Tuổi thơ, tuổi học trò của tôi không còn nữa khi tôi quyết tâm thực hiện giấc mơ của mình. Giấc mơ của tôi đã thành hiện thực, tôi trở thành tấm gương vượt khó để học giỏi, được nếu tên như một minh chứng trong các buổi họp, tọa đàm của trường cấp hai, nơi miền quê hẻo lánh ở miền tây xứ Nghệ.

Nhiều lúc tôi tự hỏi, có cần học giỏi Toán, Lý, Hóa không? Đôi lúc cũng thấy những năm tháng thanh xuân mình đã chi ra một cách vô bổ bổ cho Toán, Lý, Hóa. Nhưng rồi nghĩ lại, nếu không học giỏi Toán, Lý, Hóa, làm sao tôi vào được đại học Bách khoa?

Hiện nay, tổ hợp xét tuyển, thi tuyển khối A (Toán, Lý, Hóa) vẫn chiếm ưu thế trong tuyển sinh của các trường Đại học; các ngành nghề chủ yếu trong xã hội vẫn cần các trường Đại học đào tạo. Các ngành nghề được tuyển dụng từ các môn khác cũng có, nhưng ra trường thường khó xin việc hơn, đó là một thực tế của đào tạo ở nước ta hiện nay. Vậy nên nếu không học tốt Toán, Lý, Hóa, bạn sẽ mất đi phần lớn cơ hội nghề nghiệp. Dù muốn hay không trong cơ chế hiện nay, quan niệm phải học tốt Toán, Lý, Hóa sẽ không thể thay đổi trong thời gian ngắn.

Giáo dục hiện nay đang hướng đến phát triển phẩm chất, năng lực của người học. Chỉ có thực hiện đúng như thế, may ra Toán, Lý, Hóa mới không còn “cướp đi thanh xuân, tuổi thơ” của các bạn học sinh. Nếu không thay đổi cơ chế tuyển sinh hiện nay, không hướng đến tuyển sinh bằng thi đánh giá năng lực, chắc chắn Toán, Lý, Hóa vẫn sẽ là ký ức buồn của nhiều thế hệ học trò Việt.

Nguyễn Đình Huyên

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *