Đêm trắng trong khu cách ly Covid-19

Tôi từ Ukraine về Việt Nam ngày 1/9, được cách ly tại Bà Rịa – Vũng Tàu ngay sau khi nhập cảnh.

Ngày thứ nhất, chúng tôi được phân chia thành nhóm về ở từng phòng. Đơn vị Trung đoàn Minh Đạm – Ban chỉ huy quân sự tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sắp xếp các hộ gia đình được ở chung với nhau, phòng ít nhất bốn người, nhưng không nhiều. Vì cơ cấu khu nhà doanh trại bộ đội nên có phòng chỉ huy, phòng chứa cả trung đội với 30 đến 40 giường và mỗi tầng chỉ có một phòng cho bốn người, còn lại là các phòng 10 người, 20 và 30 người ngủ giường tầng.

Hôm đầu nhận giường, vì lạ chỗ, vả lại đa số bà con ở xứ tuyết quen nằm giường có đệm, không quen giường có dát, nên tôi bị đau người. Nhưng rồi đêm thứ hai, tôi quen dần và thấy thương người lính hơn. Cô bạn cùng phòng nhường tôi cái vỏ chăn phủ trên chiếu nằm cho đỡ đau người, vì biết tôi lớn tuổi, sức chịu đựng khó khăn hơn. Thật cảm động một tấm lòng như thế trong khu cách ly. Trong hoàn cảnh này, đó là một hành động rất đáng quý.

Nói chung, mọi người về cách ly đều được đón nhận sự chăm sóc ân cần của các chiến sĩ, làm tôi được sống lại cảm giác y hệt đời quân ngũ. 5h sáng, chuông báo thức, tất cả vệ sinh cá nhân trong 15 phút, rồi ra sân tập thế dục. Sau đó 6h30, chúng tôi ăn sáng. 11h30 có kẻng ăn cơm trưa và 17h30 là giờ ăn tối. Tất cả diễn ra đều đặn ngày qua ngày. Chưa hết, các cánh của mỗi phòng đều ghi nội quy cách ly tập trung, số điện thoại của y tế khi cần liên hệ.

Ngày đầu tiên, khi nghe nhạc báo thức, dù hai đêm thức trắng trên đường về nước, chúng tôi vẫn bật được dậy và cảm giác như tuổi 17 của mình đi lính ngày xưa. Rồi cứ theo nếp này, chúng tôi thấy người khỏe ra. Sau giờ ăn sáng, nhóm y tế đến từng phòng trong “bộ giáp cách ly” để đo thân nhiệt cho mọi người, việc này diễn ra cả sáng và chiều.

Sáng ngày thứ ba, chúng tôi được các nhân viên y tế đến lấy dịch họng để gửi Viện Pasteur làm xét nghiệm sinh học phân tử (Realtime RT – PCR). Mỗi người phải ngồi cách nhau hai mét, y tá làm rất nhanh, chính xác, và cẩn thận cho từng người. Nhìn lũ trẻ con trong khu cách ly vui đùa trong khẩu trang, người lớn thì đeo khẩu trang đi dạ, tôi phần nào yên tâm vì thấy sức khỏe và tâm lý bà con nhanh ổn định. Đúng là tư tưởng thoải mái là vũ khí cho cộng đồng chống dịch.

>> Tôi ‘nghỉ dưỡng’ hai tuần trong khu cách ly

Đêm thứ ba, lúc 1h sáng ngày 4/9, toàn khu cách ly đang ngủ ngon, bỗng có tiếng ồn ào, nhốn nháo xung quanh. Cậu cùng phòng gọi tôi: “Chị ơi, hình như có người bị nhiễm Covid”. Nhiều lực lượng y tế đến để đưa người nghi nhiễm đi. Cả khu cách ly đổ ra ban công xem xét tình hình. Trên tầng hai, tôi nhìn thấy một phòng dưới tầng một nhốn nháo, rồi đến phòng thứ hai trên tầng hai (cách chỗ tôi một phòng) cũng nhốn nháo.

Hỏi ra mới biết, có mấy người nghi nhiễm do kết quả kiểm tra y tế lúc sáng (3/9) nên bây giờ sẽ chuyển đến bệnh viện. Mọi việc diễn ra rất nhanh. Chỉ vài chục phút, các y bác sĩ đã khoanh vùng xong nhóm người nghi nhiễm, F1 và chuyển tạm sang khu nhà ăn của đơn vị, tập kết tại đó để sáng hôm sau kịp thu xếp khu nhà cách ly riêng cách đó 200 mét.

Buổi sáng, một bạn trẻ trong Ban phòng chống dịch Covid nói với tôi: “Đêm qua, chúng cháu phải làm tới 3h sáng mới xong”. Tôi cảm thấy sự hy sinh của các thành viên tham gia chống dịch, họ đã vì chúng tôi mà quá vất vả. Với sự phân bổ, tách nhóm nghi mắc dịch và nhóm an toàn chỉ cách nhau sợi tóc, chúng tôi không ai nói ra nhưng trong lòng vừa lo, vừa mừng. Lo vì trong khu cách ly mới ba ngày đã phát hiện ra mầm bệnh, chưa biết con số lây lan sẽ dừng ở đâu; mừng vì yên tâm cách chống dịch của nước nhà rất nhanh nhẹn, chính xác.

Công việc diễn ra rất nhanh, sau thời gian ăn sáng, các chiến sĩ lại căng mình ra dọn nhà, khử khuẩn từ phòng ở có người bị nhiễm, hành lang, tới khu vệ sinh chung. Dưới sân được căng dây đỏ phân luồng cho khu F1 có khu WC riêng và đi thể dục riêng. Không có giờ nghỉ trưa, các chiến sĩ đã cho chuyển xong số người ở nhà bên cạnh cùng đoàn di chuyển sang khu mới đã khử khuẩn xong. Đơn vị luôn để một khu nhà sạch không có người để dự phòng nếu có người nhiễm, F1 tăng lên sẽ có phòng chứa.

Tôi thầm nghĩ: “Giá như nhiều nước trên thế giới cũng coi trọng kỹ năng phòng chống và có phương pháp xử lý dịch như Việt Nam thì đại dịch có lẽ không bùng phát rộng và nhanh như thế”. Chúng tôi đã chứng kiến ở Ukraina, chỉ riêng việc đeo khẩu trang thôi cũng không được đồng loạt như Việt Nam. Thậm chí, người ta còn coi việc này là “mất tự do”. Nhiều nước cũng không có biện pháp cách ly tập trung như ở Việt Nam.

Cuộc biến động đêm qua khi phát hiện bệnh nhân bị nhiễm Covid trong khu cách ly tập trung đã chứng minh hiệu quả kiểm dịch ở mức cao nhất, hạn chế tốt nhất dịch bệnh lây lan ra bên ngoài. Nếu cách ly tại nhà, đương nhiên người trong gia đình sẽ trở thành F1 ngay. Nhưng quan điểm một số nước cho rằng cách ly tập trung là biện pháp tiêu cực và đeo khẩu trang là vi phạm quyền tụ do của mỗi con người, do đó nhà nước không nên áp đặt.

Ngược lại, tôi cho rằng trong khu cách ly này, chúng tôi đang được bảo vệ tự do, bảo vệ sức khỏe tốt nhất, bởi virus không từ một ai. Ta phải đặt mạng sống của mình vào trách nhiệm với cộng đồng, mới thấy hết tính chất nguy hiểm không chỉ cho cá nhân, gia đình và toàn xã hội. Mỗi cá nhân hãy cố gắng trong tự giác để tiến tới sự tự do đúng nghĩa sau những ngày cách ly phòng chống dịch bệnh này.

>> Hành trình 29 ngày vượt qua đại dịch của chúng tôi

Trước mắt, trong khu cách ly, chúng tôi vẫn còn một chặng đường dài, vất vả ở phía trước. Nhưng chúng tôi tin vào phương pháp và kinh nghiệm chống dịch của Việt Nam khi đã phối hợp với các đơn vị đa ngành hành động trách nhiệm chống dịch. Một người phụ trách đã kể với tôi: “Suốt ba tháng nay, anh em ở đây không được về nhà, bởi hết đợt cách ly này lại đến đợt cách ly khác liên tục gối nhau tập trung khách và công dân nước ngoài trở về”.

– “Thế có đoàn nào về nhiều như đoàn Ukraina của chúng tôi không? Đơn vị đã xử lý đoàn có nhiều người nhiễm Covid-19 nhất là bao nhiêu? Có đợt nào ta bị vỡ trận không?”, tôi hỏi.

– “Các đợt trở về thường không có người nhiễm, nhưng đoàn có người bị nhiễm thì đơn vị đều xử lý hiệu quả. Chưa có đợt nào không xử lý được vì tất cả đều nghiêm túc làm theo phác đồ hướng dẫn cách dập dịch của Bộ y tế. Cụ thể, đợt đoàn Ả Rập về có tới chín người bị nhiễm, nhưng đơn vị vẫn xử lý tốt, cả đoàn đã vượt qua và trở lại cuộc sống bình an”, nhân viên phụ trách trả lời.

Tôi thở phào như vớ được chiếc phao cứu sinh, thầm cảm ơn tất cả lực lượng đã tham gia “chống dịch như chống giặc”. Hy vọng ba người bị lây nhiễm trong đoàn chúng tôi sẽ “khóa sổ” lây lan, chứng minh cho thành công của đơn vị phòng chống dịch trong đại dịch này. Họ đã và đang góp phần ổn định hạnh phúc, bình an cho đất nước, cho mỗi nhóm cộng đồng cách ly như chúng tôi được khỏe mạnh trước khi trở về với gia đình của mình trong những ngày tới.

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bạch Dương

Cuộc sống bình yên khi được cách ly

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *