Đi làm 5 năm không dư vì là ‘cây ATM’ của gia đình

Em trai ham cá độ, lô đề và dính vào nợ nần, cả gia đình mặc nhiên coi đó là trách nhiệm của tôi.

“Tôi từ quê xuống Sài Gòn học tập, may mắn ra trường có ngay việc ổn định. Không ai ép tôi cho tiền nhưng tôi là kiểu người hay nghĩ cho người khác. Năm 23 tuổi, tôi đã nuôi em trai ăn học ở Sài Gòn, mua sắm đồ đạc cho gia đình và biếu ba mẹ mỗi năm hàng chục triệu.

Tôi cảm thấy vui và hạnh phúc khi làm được những việc đó. Gia đình đông con nhưng ba mẹ không bao giờ xin tiền hay yêu cầu con cái chu cấp. Vậy nên, chỉ có mỗi mình tôi là giúp đỡ ba mẹ, các anh chị chỉ lo cho gia đình nhỏ của họ.

Sau 5 năm đi làm tôi không dư được đồng nào, vì cứ mỗi lần về nhà là dùng hết số tiền tôi có. Thế rồi có biến cố xảy ra, em trai ở Sài Gòn nợ nần vì dính vào cá độ, lô đề. Tôi đứng ra giải quyết và mặc nhiên, ba mẹ và các anh chị coi như đó là trách nhiệm của tôi”.

Độc giả Tram Tran chia sẻ sau bài viết Khi người độc thân là ‘cây ATM’ của gia đình. Trong bài viết trước, tác giả đặt vấn đề nếu có thu nhập ổn định, người độc thân dễ dàng tiết kiệm được nhiều tiền bởi không tốn nhiều khoản chi học hành con cái, sinh hoạt gia đình. Tuy nhiên, không ít người trong số họ gặp phải vấn đề tài chính từ việc lợi dụng, vay mượn tiền bạc từ người thân như anh em, họ hàng.

Độc giả Aki Nguyen tiếp nối câu chuyện và cho rằng cần tỉnh táo trước những người thân xem mình là “cây ATM”:

“Bản thân tôi cũng độc thân, ngoài 30 tuổi. Bố tôi nhiều lần yêu cầu giúp đỡ đứa em gái (năm nay 25, đã lập gia đình) và bị tôi từ chối thẳng thừng. Tôi nói thẳng với bố rằng tôi có trách nhiệm nuôi bố chứ không có trách nhiệm nuôi em vì nó đã ngoài 18 tuổi.

Tôi từng làm việc bán mạng để trả nợ chữa bệnh cho bố. Còn bố lại mất nhiều tiền cho em gái tôi. Bản thân ông cũng tiêu xài rất mạnh tay nên tôi cắt hẳn khoản trợ cấp cho bố ngay khi ông có lương hưu (tầm 5 triệu/tháng). Tôi chỉ chi trả các khoản đi lại khám chữa bệnh vì bố tôi hay phải vào viện, đồng thời mua thuốc bổ cho ông.

Tôi học được điều rằng chỉ có tích cóp và đầu tư cho chính bản thân mới là đảm bảo cho tương lai. Dù sau này có con cái hay không thì tôi cũng đã quyết không phụ thuộc vào ai khi về già mà sẽ chọn viện dưỡng lão.

Vậy nên giờ tôi bỏ qua mọi lời châm chọc của bố (máu lạnh, bất hiếu, chỉ biết có tiền…), tập trung tích cóp cho lựa chọn của chính bản thân. Nhiều khi nếu bản thân mình không thương lấy mình thì chẳng ai thương mình”.

Theo số liệu từ cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, tỷ lệ hộ chỉ có 1 người (hộ độc thân) tăng so với năm 2009 (năm 2009: 7,2%; năm 2019: 10,9%). Với xu hướng tăng như vừa kể, những câu chuyện xung quanh cuộc sống của người độc thân được quan tâm, bàn bạc và chuyện tài chính được đặt lên hàng đầu, bởi nếu không có gia đình thì rất cần sự tự chủ về tài chính để lo cho bản thân. Độc giả Thanh Thi Trang Bui chia sẻ các quy tắc:

“Tôi đây trước đây cũng độc thân và giàu từ rất sớm. Nhưng tôi có nguyên tắc với tiền. Chuyện liên quan đến ốm đau bệnh tật hiểm nghèo, nếu nhà nghèo thì cho toàn phần một lần, không có lần hai.

Các loại bệnh khác vẫn tự lo được thì tôi hỗ trợ một phần, một lần, không có lần hai. Khó khăn muốn mượn vốn làm ăn, không cho vay, chỉ cho luôn một số tiền. Bài bạc số đề banh bóng không cho. Nếu lỡ dại một lần và có ẩn khúc và số tiền nhỏ thì tôi giúp.

Khi em út lên đại học, tôi sẽ cho mỗi đứa chiếc xe máy. Còn lại vay phải trả không cho không. Cháu chắt quà cáp theo ngày lễ và sinh nhật. Vừa đủ lạnh lùng, vừa đủ tình cảm, cũng đủ dứt khoát.

Cho nên không ai dám hỏi vay tôi, cũng không ai dám xin tiền tôi. Không thích thì tôi cũng không cần về thăm, liên lạc. Thích thì tôi cũng cực kỳ ít giao tiếp, chỉ liên lạc khi cần và lễ Tết. Cuộc đời này không ai lo cho bản thân bằng chính mình, vì vậy đừng cho đi rồi mai kia ôm hận.

Đồng quan điểm, độc giả HoaTran nêu: “Tôi nhỏ hơn tác giả một tuổi, hoàn cảnh tương tự. Nhưng tôi có quan điểm rõ ràng: Giúp ngặt, chứ không giúp nghèo. Có nghĩa là tôi có thể cho anh chị em mượn vốn làm ăn chứ không chu cấp. Không cho mượn tiền để họ sống qua ngày.

Đặc biệt, việc đưa tiền để giải quyết các vấn đề tệ nạn như cờ bạc, cá độ, nhậu nhẹt, hút chích là tuyệt đối không. Bởi đưa tiền cho những người như vậy là tiếp tay cho cái xấu.

Tính tôi rất thẳng, sau vài lần hỏi mượn tiền như thế, tôi trả lời thẳng là có tiền nhưng không cho mượn vào những việc như thế, ai có nói gì cũng kệ thì họ cũng chẳng còn trông mong vào mình”.

Trở lại với câu chuyện đầu tiên, độc giả Tram Tran chia sẻ đã tích luỹ được tài sản sau khi từ chối làm cây “ATM” cho gia đình:

“Sau những lần giúp đỡ, tất cả người thân đều ỷ lại, tôi không nhận được sự giúp đỡ vật chất mà tinh thần cũng không dù đó là vấn đề của em trai chứ không phải của tôi.

Từ đó tôi nhận ra rằng khi xảy ra chuyện sẽ không ai giúp đỡ mình cả, phải tự lo cho bản thân. Và tôi quyết định sẽ không lo chuyện gia đình và biếu tặng tiền ba mẹ nhiều như trước nữa. Sau 5 năm kể từ ngày ấy, bây giờ tôi đã dư ra một khoản để mua sắm tài sản riêng.

Vậy mới nói, nhiều gia đình rất giống gia đình tôi với quan điểm con gái chưa chồng còn ở nhà với ba mẹ là chịu trách nhiệm với ba mẹ và em út, còn anh chị có gia đình là chỉ biết lo cho gia đình họ dù cho ông bà luôn giúp đỡ trông nom, bế bồng con cái họ. Mong các bạn nữ độc thân sống cho mình nhiều hơn”.

Hữu Nghị tổng hợp

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *