‘Doanh nghiệp hóa’ bệnh viện để không còn phong bì bồi dưỡng

Nằm trên giường bệnh chờ gây mê, tôi lăn tăn liệu có nên đưa phong bì bồi dưỡng cho các y bác sĩ.

Tôi bị bệnh cấp tính phải vào khám ở một bệnh viện công. Thời buổi dịch giã, ai cũng phải kê khai đầy đủ thông tin để phòng chống dịch Covid-19. Mới 4h sáng, bệnh viện đã có đến hàng trăm người xếp hàng, ai cũng đeo khẩu trang. Thỉnh thoảng có nhân viên bệnh viện nhắc nhở, chỉ dẫn. Từng bệnh nhân hoặc người nhà đến lượt làm thủ tục để lấy số thứ tự khám bệnh.

Sau khi được phát số thứ tự, người bệnh được hướng dẫn đến Phòng khám bệnh ngồi và chờ đến số hiển thị trên màn hình. Khi đến lượt, bệnh nhân vào phòng chờ gặp nhân viên làm thủ tục và đợi đến lượt vào khám bác sĩ. Tất cả quá trình trên được thực hiện theo trình tự khoa học, khẩn trương, chính xác. Bác sĩ trình độ cao, nhiệt tình.

Sau khi xem hồ sơ trước của tôi về kết quả soi trực tràng và một số xét nghiệm cũ, bác sĩ cho xét nghiệm thêm về các chỉ số về đông máu (trước khi đến khám, tôi đã nội soi trực tràng ở một bệnh viện khác). Sau đó, tôi đến Phòng Nội soi để được xếp lịch và chuẩn bị cho buổi nội soi đại tràng vào ngày hôm sau. Ở đây, cán bộ y tế, bác sĩ cũng hướng dẫn tận tình, cụ thể, đặt lịch giờ có mặt tại phòng vào ngày hôm sau để thực hiện. Tôi quay lại Phòng khám lần đầu để nhận kết quả xét nghiệm máu bổ sung.

Tôi về nhà, tối hôm ấy và sáng hôm sau chuẩn bị ăn uống, uống thuốc làm sạch ruột theo lịch trình hướng dẫn của bệnh viện. Đúng giờ hẹn, tôi và vợ tôi có mặt tại Phòng Nội soi và được dẫn vào phòng gây mê, nội soi. Bác sĩ gọi hai vợ chồng tôi vào và tư vấn việc nội soi, cắt hay không cắt các Polyp nếu phát hiện, các chi phí phải đóng bổ sung, các rủi ro có thể xảy ra… Chúng tôi đồng ý, ký cam kết để tiến hành.

Thời gian cách đây độ 20 năm, vào bệnh viện thời bao cấp, trước khi gây mê để mổ, tôi phải cầm mấy phong bì để bồi dưỡng cho các y bác sĩ. Lần này, tôi cũng băn khoăn lắm vì chưa làm việc này bao giờ. Tôi nhìn toàn Phòng Nội soi, thấy ai cũng như mình cả, tức là không có việc bồi dưỡng. Bệnh nhân là những người trẻ, có người già hơn tôi, họ ở thành phố, hoặc miền quê nào đó, vì bệnh tật phải vào đây điều trị.

Tiền khám nội soi ban đầu là hơn ba triệu đồng, tiền đóng phát sinh trên 10 triệu đồng nữa. Với những bệnh nhân nghèo, thì việc đóng đủ tiền khám chữa bệnh, thuốc thang đã là điều khó, nên thiết nghĩ chuyện bồi dưỡng bác sĩ là chưa phù hợp. “Giữa thanh thiên bạch nhật thế này, nếu mình đưa phong bì, hóa ra là kẻ lạc loài, mà biết đâu các bác sĩ sẽ từ chối”, tôi nghĩ thầm như vậy. Thế rồi tôi chìm vào cơn mê, ủy thác tính mệnh cho các bác sĩ.

>> Phân cấp giá khám bệnh là hợp xu thế

Thời gian nội soi khoảng 20-30 phút, vợ tôi đóng số tiền cho các phần việc phát sinh. Sau khi nội soi xong, tôi tỉnh dậy, nằm trên xe, sau đó ngồi khoảng một giờ đồng hồ cho tỉnh hẳn rồi đi xuống để về nhà. “Ba ngày sau có kết quả sinh thiết”, Khoa giải phẫu bệnh nhắn tôi. Sau khi liên hệ, tôi được hướng dẫn đến Phòng khám bệnh ban đầu để nhận kết quả. Kết quả sinh thiết các Polyp của tôi lành tính, bác sĩ hẹn một năm nữa nội soi đại tràng lại.

Qua cơn khủng hoảng về sức khỏe kéo dài trong một tuần, tội nhận thấy người bệnh nên chọn những bệnh viện có truyền thống chữa bệnh các chuyên khoa, cơ sở vật chất, quy trình khám chữa bệnh tốt để khám chữa bệnh. Bản thân tôi khi nằm trên giường bệnh, chờ được mổ, toàn bộ hy vọng được đặt vào các y bác sĩ, dây chuyền khám chữa bệnh của bệnh viện.

Nếu nói một cách sòng phẳng thì bệnh viện chính là một doanh nghiệp (người bán dịch vụ) còn tôi là bệnh nhân (người mua dịch vụ), hai bên quan hệ dựa trên các hóa đơn, chứng từ thanh toán. Bệnh viện có trách nhiệm thực hiện dịch vụ một cách tốt nhất về nghiệp vụ kể cả thái độ phục vụ, bệnh nhân phải đáp ứng mọi yêu cầu của bệnh viện và nộp tiền theo hóa đơn chứng từ một cách minh bạch.

Nếu các bệnh viện công của chúng ta làm được như vậy, tôi tin bệnh nhân sẽ không bao giờ phải lăn tăn những chuyện vặt vãnh, tiêu cực như cơ chế xin cho đã tồn tại trong xã hội từ lâu. Và các bác sĩ, nhân viên của bệnh viện, cũng sẽ có thể toàn tâm toàn ý vào công việc để thực hiện tốt chuyên môn của mình, hạn chế thấp nhất các trường hợp xấu do tiêu cực gây ra. Đó cũng là khía cạnh để các bệnh viện cạnh tranh một cách lành mạnh về chất lượng khám chữa bệnh trong nước hiện nay.

Huong Nguyen Xuan

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *