Doanh nghiệp thay đổi thế nào sau dịch?

Tôi nhận được câu hỏi khá thú vị: “Quán cà phê nên chuyển đổi mô hình nào để phù hợp với giai đoạn sau dịch”.

Đây cũng là chủ đề tôi suy nghĩ suốt trong thời gian vừa qua để giúp doanh nghiệp của mình còn thể chuyển đổi kịp thời.

Như thế nào là “sau dịch”? Là sau khi thành phố hết chỉ thị 16+, hay khi ca dịch trở về gần bằng 0, các hoạt động mở cửa hoàn toàn trở lại.

Tôi cho rằng với tình hình hiện nay, để trở về số ca bằng 0 gần như là rất khó khăn. Chúng ta sẽ phải chấp nhận với việc sống chung với dịch trước khi có thể chấm dứt hoàn toàn, hoặc chí ít là trong tầm kiểm soát.

Như vậy, để trả lời câu hỏi trên, ta phải phân ra hai giai đoạn sau dịch: Giai đoạn sau chỉ thị 16 (giảm mức độ siết chặt) và sau khi các hoạt động trở lại bình thường.

>> ‘Cuộc sống thời Covid-19 không thể thiếu shipper’

Tôi tin rằng, sau ngày 6/9, với việc trên 70% người trên 18 tuổi được tiêm vaccine, thì việc mở cửa dần bắt đầu tại TP HCM. Các tỉnh khác thì thời gian phụ thuộc vào tốc độ tiêm chủng để đạt trên 70%. Các hoạt động kinh tế cần phải mở cửa sau hơn 2 tháng bị gián đoạn. Tuy nhiên, cần có giới hạn ngành nghề và mức độ mở. Điều đó phụ thuộc vào mức độ “thiết yếu” và tỷ lệ tiêm vaccine của từng doanh nghiệp. Giấy chứng nhận tiêm vaccine (có thể áp dụng đã tiêm liều một trước) sẽ được xem là “giấy thông hành” mới.

Giai đoạn 2 là khi mọi hạn chế được gỡ bỏ, mọi người hoạt động bình thường. Covid -19 trở như một bệnh cúm thông thường mà con người phải sống chung. Khi nào đến giai đoạn 2 là một câu hỏi khó mà tôi nghĩ vẫn chưa một ai có thể tự tin trả lời. Cá nhân tôi cho rằng, từ giai đoạn 1 đến giai đoạn 2 có thể mất đến 1-2 năm. Vậy điều quan trọng nhất lúc này là phải dự đoán, tính toán các bước đi phù hợp cho quãng đường bình thường mới đó.

Covid-19 là điều không may nhưng cũng là một ánh sáng mới, luồng gió mới cho các mầm móng mới. Tôi chia sẻ một số dự đoán tác động của dịch bệnh dẫn đến một số gợi ý cho việc tiếp cận “thay đổi theo mô hình nào để phù hợp với giai đoạn sau dịch”

– Thúc đẩy vai trò của internet, thương mại điện tử. Có lẽ đây điều lớn nhất và cần được ưu tiên đầu tiên. Dịch bệnh làm thay đổi hành vi tiêu dùng và cả cách quản trị, điều hành doanh nghiệp, bắt buộc mọi người đều phải online.

Việc mua sắm ngay cả bó rau, con cá hay những thứ lớn hơn như bất động sản, ôtô, hợp đồng bảo hiểm, giao dịch ngân hàng, việc học hành, hội họp… đều phải chuyển đổi để có thể tương tác trên internet.

Covid-19 đã thúc đẩy vai trò của internet lên một tầm cao mới mà nếu không có nó, có thể tốn cả chục năm để đạt được như bây giờ. Các doanh nghiệp có thể phải tốn chi phí khổng lồ như cách Grab, Uber đã làm trên thị trường gọi xe, hay Tiki, Shopee làm trên thương mại điện tử.

Các sản phẩm của internet như game, mạng xã hội, tiền số… sản phẩm cứng hỗ trợ việc kết nối internet như điện thoại thông minh, laptop… sẽ phát triển nhanh chóng hơn.

– Dịch bệnh cũng làm thay đổi nhanh chóng hơn việc quản trị, điều hành ở cấp độ doanh nghiệp và thay đổi cách cạnh tranh ở mức độ ngành. Ở cấp độ ngành, Covid-19 có thể xem là cơn bão khủng khiếp càn quét những doanh nghiệp không kịp thích nghi với môi trường mới. Tôi không dùng từ yếu kém, vì yếu kém sẽ qua sàng lọc thị trường hơn là một sự kiện có tính chất độc nhất và bất ngờ như Covid-19. Dịch bệnh khiến các doanh nghiệp cơ động hơn dễ sống sót hơn.

Ở cấp độ doanh nghiệp, Covid-19 cũng bắt buộc doanh nghiệp thay đổi cách làm việc của một số bộ phận từ offline sang online, từ đó sẽ đẩy mạnh mô hình quản lý theo hiệu quả hơn là quản lý hành chính. Doanh nghiệp sẽ nhận ra một số dư thừa, kém hiệu quả trong nhân sự, từ đó sẽ cắt giảm theo mô hình tối thiểu hóa nhân sự, ít cấp bậc trung gian hơn.

>> ‘Hết dịch sẽ làm lại từ đầu’

– Cá nhân, doanh nghiệp sẽ có tính phòng thủ hơn. Như sau một trận lũ khủng khiếp, mọi người đều có xu hướng xây nhà chắc chắn và cao hơn, thì sau Covid-19 trong mỗi cá nhân và doanh nghiệp đều có xu hướng phòng thủ hơn.

Vì vậy sẽ dẫn đến những xu hướng tài chính: đầu tư các tài sản phòng thủ… tiêu dùng lành mạnh như phòng tập gym, yoga, các sản phẩm chăm sóc cho sức khỏe, xu hướng du lịch thân thiện môi trường…

Còn doanh nghiệp sẽ hạn chế thuê mặt bằng kinh doanh offline hơn, các chi phí gắn liền với chi phí cố định sẽ được xem xét một cách cẩn trọng hơn.

– Dòng dịch chuyển dân cư ngược từ thành phố về các tỉnh. Khoảng cách theo mọi nghĩa từ thành phố và tỉnh đã bị giảm trong suốt thời gian qua, đó là kết nối giao thông thuận tiện, các phương tiện nhanh hơn, mạng internet… và Covid-19 là một điểm nút để nhiều người thấy, ở tỉnh cũng là một lựa chọn tốt.

Điều này dẫn đến việc tuyển dụng nhân sự khó hơn ở thành phố sau dịch, một lực lượng lao động cũng như tiêu dùng trẻ ở thành phố sẽ dịch chuyển sang các tỉnh có khả năng hấp thụ lao động tốt.

Võ Thế Anh

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *