Doanh nhân ‘bò chầm chậm’ trong Covid-19

Vừa lồm cồm bò dậy sau cú ngã năm rồi, hai làn sóng dịch đầu năm 2021 khiến tôi luôn trong trạng thái lo âu.

Sau khi Hà Nội đưa ra quy định tạm dừng hoạt động kinh doanh spa, cơ sở massage rạp chiếu phim từ ngày 5/5, tôi lại ngậm ngùi thông báo với khách tạm dừng cơ sở kinh doanh spa của mình chờ có thông báo mới.

Tôi là tác giả của bài viết Tôi chấp nhận đóng cửa vì cộng đồng, Tôi vượt qua năm 2020 ‘ngoạn mục’Mở spa ba năm, hai lần lao đao vì Covid-19. Tôi khởi nghiệp kinh doanh mảng spa với điều kiện khá thuận lợi, nhờ kế hoạch marketing tốt, gặp đối tác tốt, dịch vụ bình dân, giá trị mang lại cho cộng đồng tốt nên lượng khách đến spa rất đông.

Nhưng dường như tôi bị xung khắc với Covid, từ khi dịch bệnh xuất hiện tôi thấy công việc kinh doanh trở nên khó khăn hơn. Tôi còn nhớ giãn cách xã hội năm 2020, sau khi nhận thấy sức mua thị trường bán lẻ nói chung và dịch vụ nói riêng suy giảm, dự tính là dịch chưa hết ngay được, tôi đã mạnh dạn đóng cửa bớt cơ sở spa, thu lại kinh doanh tinh gọn hơn, cắt giảm chi phí, tập trung đẩy mạnh các dịch vụ mũi nhọn.

Nhờ vậy, tôi đã vượt qua năm 2020 sóng gió ngoạn mục, tất nhiên có mất mát, có thương đau nhưng giảm thiểu những mất mát nhất có thể. Sau cú ngã năm 2020, tôi vừa lồm cồm bò dậy, thì đợt dịch bùng phát ở Hải Dương, Đà Nẵng khiến cho tôi luôn trong trạng thái lo âu, khách hàng cũng thấp thỏm.

Mặc dù kinh doanh trên địa bàn không bị ảnh hưởng trực tiếp, nhưng khách hàng của tôi cũng thận trọng hơn, khách kém đi kéo theo hệ lụy là ít việc, thu nhập ít hơn, nhân viên nghỉ hết. Cá nhân tôi nhận định là dịch Covid-19 vẫn còn ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh bán lẻ, dịch vụ, du lịch, do vậy lần này tôi thận trọng hơn không xông xáo, bò chầm chậm.

>> ‘Trường kỳ chống Covid-19’ để phát triển kinh tế

Công việc kinh doanh vừa khởi sắc được được một chút thì dịch lại đến. Covid vào năm 2021 dường như biết Việt Nam cách ly 14 ngày, thế nên đến ngày thứ 15 mới dương tính. Dịch bệnh làm tôi ngã sõng soài, giờ hơi cùng lực kiệt không biết có bò qua được nữa không?

Thiên tai, dịch bệnh là những điều kiện kinh doanh bất khả kháng, không ai mong muốn cả. Đã là thiên tai, dịch bệnh, tất cả những cơ sở kinh doanh dù lớn hay bé đều ảnh hưởng hết, có điều ảnh hưởng nhiều hay ít mà thôi. Có những bạn khi nhìn thấy trên Facebook, mạng xã hội có những cơ sở kinh doanh họ vẫn khoe tiền, khoe cuộc sống sang chảnh, khoe thành công trong mùa dịch. Nằm trong chăn mới biết chăn có rận, những người may mắn không ảnh hưởng bởi “Covy” ngoài trừ ngành thiết bị y tế, thuốc men, công ty vĩnh hằng ra, phần lớn đều ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp.

Tuy nhiên, có rất nhiều công ty kinh doanh có lãi nhờ những mảng kinh doanh khác bù sang, chứ nói là không có thiệt hại, không ảnh hưởng là không đúng. Khi gặp bão tố, thuyền lớn thuyền bé đều ảnh hưởng chứ không phải thuyền bé thì chìm, thuyền lớn vẫn an nhiên được. Đây là quy luật tất yếu của cuộc sống.

Tôi còn nhớ khi đợt giãn cách xã hội đầu tiên vào năm 2020, có bạn chủ của cơ sở spa vào inbox cho tôi nói với tôi là mùa dịch này bạn ấy vẫn có lượng khách đều, nhờ các dịch vụ mũi nhọn và công thức riêng. Bạn có hỏi han tình hình của tôi và đề xuất cho tôi mua gói chuyển giao công nghệ hoặc tham gia khóa học của bạn ấy. Lúc đó tôi thấy không phải là thời điểm thích hợp để đầu tư, mở rộng. Khi thuyền bạn gặp cơn bão to, việc đầu tiên bạn tìm nơi trú ẩn an toàn, chứ không phải bạn nâng cấp lên thuyền to hơn để rồi một cơn bão cuốn thuyền to thuyền nhỏ đều về với biển cả bao la.

Kết quả cho đến bây giờ, cơ sở kinh doanh của tôi vẫn bò chầm chậm, còn bạn ấy đóng cửa. Không biết đợt dịch này kéo dài bao lâu, không biết cần bao nhiêu thời gian để hồi phục lại khách hàng cũ, không biết sau đợt này còn những đợt dịch mới nữa không?

>> Tôi viết lại kế hoạch năm 2020 vì Covid-19

Tôi viết những dòng tâm sự này với mong muốn: Chia sẻ khó khăn với những anh chị em đồng cảnh ngộ. Ở nghịch cảnh, cho dù có ngã, chúng ta cũng sẽ trưởng thành hơn. Không phải lúc nào kinh doanh cũng thuận lợi. Những thời điểm này, nhiều người khá bối rối, loay hoay. Sẽ có rất nhiều khóa học, các khóa chuyển giao, khóa giới thiệu sản phẩm chào bán cho bạn vì họ nói trúng vấn đề bạn gặp phải bây giờ.

Nhưng bạn tin tôi đi, bạn không có vấn đề gì cả, chỉ là thời thế chưa đến thôi. Khi công ty bạn làm ăn phát đạt, phát triển từ quy mô nhỏ và vừa lên tầm cao đó mới là lúc bạn cần đi học để nâng cao kiến thức kinh nghiệm. Còn hiện giờ, bạn như người bệnh nhân vào bệnh viện, bác sĩ bắt đúng bệnh của bạn và kê thuốc, bạn thấy đúng quá nên thuốc nào bác sĩ kê ra bạn cũng mua và uống.

Tuy nhiên, liệu cơ thể mình có thích nghi được tất cả loại thuốc không, liệu bạn có cần uống tất cả thuốc không hay chỉ một vài loại? Liệu vị bác sĩ đó thực sự có tâm với bạn hay không hay chỉ là muốn tăng thêm hoa hồng từ tiền bán thuốc? Với môi trường biến động và rủi ro như thế này, tôi cho rằng bạn vẫn nên tiếp tục cắt giảm chi phí, tìm mặt bằng rẻ, tập trung phát triển dịch vụ sản phẩm có chiều sâu, mang lại giá trị cho cộng đồng.

>> Sống chậm giữa Covid-19

Đa dạng hóa hoạt động kinh doanh của mình, tìm những sản phẩm bổ trợ cho hoạt động kinh doanh của mình để cải thiện thêm doanh thu. Nhớ là những sản phẩm bổ trợ này không bắt bạn phải bỏ thêm quá nhiều vốn kinh doanh quá và dễ bán trên thị trường. Kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình, chính vì thế việc làm chủ bản thân trở nên gai góc hơn, quyết liệt hơn trong những giai đoạn khó khăn này sẽ giúp bạn trưởng thành và giá trị hơn.

Cho dù làm gì thì chữ an toàn vẫn là trên hết, còn người còn sức thì sẽ còn tiền, mất người thì kể cả cơ hội làm lại cũng không có. Do vậy, cho dù bạn không chịu được sức nặng của “Covy”, hãy đóng cửa và chờ cơ hội tích lũy vốn, kinh nghiệm, thị trường tốt hơn để quay trở lại lợi hại hơn xưa. Chúc các bạn bình an, sáng suốt và đủ nghị lực vượt qua khó khăn. Tôi với bạn cùng cố gắng.

Peacock

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *