‘Đợi xe buýt tiện lợi mới bỏ xe máy, ôtô cá nhân’

Đi xe buýt, tàu điện ở Nhật Bản hay Singapore chẳng sung sướng, tiện lợi gì, nhưng người ta vẫn sử dụng mỗi ngày thay vì đi xe cá nhân.

Gần đây, nhiều người tranh cãi trái chiều xung quanh đề án thu phí ôtô vào nội đô ở Hà Nội và TP HCM, khen chê đủ cả. Nhưng tôi thấy đa phần người ta phản đối nhiều hơn. Cũng không lạ vì đề án này ảnh hưởng trực tiếp tới túi tiền và thói quen của rất nhiều người. Có điều, một điểm tôi thường thấy ở ta, đó là, cái gì mới ra cũng luôn bị phản đối dữ dội.

Người Việt thường khó chấp nhận những thứ mới mẻ, cũng giống như trước đây chúng ta từng phản ứng quyết liệt chuyện tăng thu phí đậu xe theo giờ. Nhưng sau một thời gian áp dụng, rõ ràng đường phố Sài Gòn đã gọn gàng, thông thoáng hơn rất nhiều, không còn cảnh đậu xe tràn lan như trước nữa. Với câu chuyện thu phí ôtô vào nội đô bây giờ, tôi nghĩ cũng sẽ có kết quả tương tự.

Phản đối đề án này, nhiều người lý luận rằng “cần phải có hệ thống giao thông công cộng thật thuận tiện cho người dân trước tính chuyện thu phí” hay “phương tiện công cộng ưu việt, tiện lợi hơn ôtô, xe máy thì tự khắc người ta sẽ bỏ dùng xe cá nhân chứ chẳng cần cấm hay thu phí”. Nhưng tôi thấy không khả thi.

>> Thu phí ôtô – ‘sao Tây làm được, ta lại không?’

Tôi sống và làm việc ở Singapore cả năm trời. Giao thông công cộng ở đây thực tế rất bất tiện nếu so sánh với đi xe hơi hay taxi. Ga tàu điện hay trạm xe buýt toàn đặt cách khu dân cư tới một, hai km, muốn tới trạm người ta phải đi bộ cả một chặng dài. Xe buýt tại Singapore cũng chạy theo lộ trình lòng vòng, nên muốn tới điểm đến, chuyện phải đổi chuyến, đi bộ đến trạm tiếp theo và lại chờ chuyến tới mất nhiều thời gian, thường xuyên xảy ra.

Thế nên, cùng một đoạn đường, nếu đi xe hơi ở Việt Nam mất 15 phút, xe máy mất 10 phút thì đi xe buýt ở Singapore có khi mất 40-45 phút. Còn tàu điện giờ tan tầm cũng đông nghẹt người, hầu như không tranh được lên tàu, lên được thì người xếp lớp như cá mồi, muốn ngộp thở. Còn chờ chuyến vắng thì có khi cả tiếng đồng hồ.

Câu chuyện tại Nhật Bản cũng không khác gì. Vào những giờ cao điểm sáng – chiều, hệ thống tàu điện ngầm ở đây rất đông khách. Người người chen chúc nhau trên tàu khiến chúng được ví von đó là những chuyến tàu “bánh kẹp”. Các nhà ga phải bố trí đội ngũ nhân viên riêng gọi là “Oshiya” chỉ để nhồi khách lên tàu.

>> Vòng luẩn quẩn ‘thu phí ôtô không giảm tắc đường’

Mỗi toa tàu ở Nhật giống như một cái hộp được nhồi nhét đầy người bên trong. Nhiều bức ảnh chụp lại cảnh tượng hết sức kinh khủng trong đó, nhiều người bị nêm chặt, “phồng mang trợn má” áp sát vào cửa kính. Thế nên, chuyện đổ tại giao thông công cộng thuận tiện nên người Singapore hay Nhật Bản sử dụng nhiều là không đúng.

Nhật hay Singapore cũng vậy, đi xe hơi cá nhân trực tiếp từ điểm A đến điểm B bao giờ cũng nhanh nhất, tiện nhất, sướng nhất. Thế nhưng, dù bị “hành hạ” như thế, người dân của họ vẫn chọn giao thông công cộng để đi làm hàng ngày. Vì sao vậy? Câu trả lời là vì giá xe và chi phí sử dụng, đậu xe, bảo hiểm ở đây cao khiến hầu hết người dân không có khả năng chi trả, nên buộc phải đi xe buýt hay tàu điện.

Vậy nên, đừng đỏi hỏi ta phải có giao thông công cộng cao cấp thế nào, phương tiện công cộng tiện lợi thế kia mới nghĩ đến chuyện bỏ xe cá nhân đi xe buýt, tàu điện. Cũng đừng vội vàng phản bác đề án thu phí ôtô vào nội đô trước khi thử nghiệm thực tế. Hãy mạnh dạn thay đổi và chờ xem kết quả thế nào?

Tùng Lê

>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *